Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì và được quy định thế nào?

* Bạn đọc Đỗ Hồng Phương ở xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La), hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì và được quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

* Bạn đọc Trần Thị Huy Hoàng ở xã Tân Hưng (Tân Châu, Tây Ninh), hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng các hình thức nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;

d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

3. Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thoi-hieu-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-la-gi-va-duoc-quy-dinh-the-nao-773238