Thời gian thử việc được tính ngày nghỉ phép

Theo quy định, thời gian thử việc tại doanh nghiệp được coi là thời gian làm việc của người lao động tại doanh nghiệp đó để tính ngày nghỉ hàng năm.

Bà Nguyễn Diệu Chi (Hải Phòng) thắc mắc, người lao động ký hợp đồng có thời gian thử việc có được hưởng chế độ nghỉ phép năm không? Nếu ký hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng thì mỗi tháng có được hưởng 1 ngày phép không hay khi được ký hợp đồng và làm việc từ đủ 12 tháng trở lên thì mới được tính ngày phép? Trong trường hợp nào doanh nghiệp có quyền trả tiền thay cho nghỉ phép năm?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời các câu hỏi của bà Chi như sau:

Trường hợp người lao động có dưới 12 tháng làm việc

Theo Khoản 1, Điều 74, Điều 75 và Khoản 2 Điều 77 Bộ luật Lao động, người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo số ngày như sau:

- 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;

- 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ 5 năm được nghỉ thêm một ngày.

Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền.

Đồng thời, Khoản 1, Điều 9 Nghị định 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định, thời gian thử việc theo hợp đồng lao động để làm việc tại doanh nghiệp được coi là thời gian làm việc của người lao động tại doanh nghiệp đó để tính ngày nghỉ hàng năm.

Có thể thỏa thuận nghỉ phép thành nhiều lần

Tại Điều 76 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải thông báo trước cho mọi người trong doanh nghiệp.

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần.

Người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm, thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

Trường hợp bà Nguyễn Diệu Chi phản ánh, thì số ngày nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương (thường gọi là nghỉ phép), được tính chuẩn theo 12 tháng làm việc. Nếu có dưới 12 tháng làm việc (hoặc làm việc theo hợp đồng lao động dưới 12 tháng) thì số ngày nghỉ phép được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền.

Thời gian thử việc tại doanh nghiệp được coi là thời gian làm việc của người lao động tại doanh nghiệp đó để tính ngày nghỉ hàng năm.

Trường hợp do yêu cầu sản xuất mà công ty chưa bố trí được lịch nghỉ trong năm, hay các lý do khác, hay khi thôi việc mà người lao động chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thoi-gian-thu-viec-duoc-tinh-ngay-nghi-phep/201112/104006.vgp