Thời cơ mới cho thương mại nông nghiệp Việt - Trung

Chuyến công tác đến Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua củng cố quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên, mở ra cơ hội hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, tạo cơ hội để nông sản Việt tiến sâu vào 'thị trường tỷ dân'.

Khi bạn hàng lớn không còn... dễ tính

Những năm qua, Trung Quốc luôn là quốc gia xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam, với quy mô thị trường lên tới 1,4 tỷ dân. Cùng thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, cơ cấu các ngành hàng nông nghiệp của hai nước cũng mang tính bổ trợ cho nhau, giúp thương mại nông sản Việt - Trung được duy trì tương đối ổn định.

Về thị phần, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, ngành nông nghiệp ghi nhận con số xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục với 53 tỷ USD, trong đó, thị trường Trung Quốc nhập khẩu 14 tỷ USD nông sản Việt. Tính riêng 8 tháng đã qua của năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt khoảng 7,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trước đây, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không mấy khó, thế nhưng bước sang năm 2023, mọi việc đã khác. Trung Quốc đã xây dựng hàng rào kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn cho từng loại hàng hóa khác nhau. Đặc biệt, việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được Trung Quốc quản lý rất chặt chẽ.

Sơ chế nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các nước nhập khẩu nông sản từ Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo hơn 370 lô hàng ở 13 tỉnh, TP khu vực phía Nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số những cảnh báo này, chủ yếu là thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về nhiều lô hàng xuất khẩu sầu riêng, thanh long, chuối… bị phát hiện có vi sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của nước bạn.

Điều này đã khiến Cục Bảo vệ thực vật buộc phải có thông báo đến các địa phương đề nghị tạm dừng xuất khẩu 74 mã số vùng trồng và đề nghị thu hồi 47 mã số cơ sở đóng gói vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đồng thời, yêu cầu các DN, hàng chục địa phương phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục mới được phép xuất khẩu trở lại.

Thêm cơ hội tiếp cận "thị trường tỷ dân"

Việt Nam cũng rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc cũng như “thị trường tỷ dân” giàu tiềm năng cho xuất khẩu nông sản này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội chợ triển lãm và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 ở TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).

Trong chuyến thăm đến Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu một số đề nghị phía nước bạn đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt, nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.

Một biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng đã được đôi bên ký kết, với mục tiêu thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Biên bản ghi nhớ đã xác định rõ những nội dung hợp tác cụ thể như: tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triên nông thôn; đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông thủy sản; đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản; hình thành cơ chế phục vụ DN và thị trường.

Hai bên cũng sẽ hợp tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, vùng nguyên liệu phục vụ mục tiêu xuất nhập khẩu (gồm cả chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản). Đặc biệt, thống nhất sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nông sản tại biên giới Việt - Trung.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; cụ thể: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán để đưa trái ớt và cây dược liệu vào “thị trường tỷ dân” này.

Theo ông Đỗ Nam Trung - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Quảng Tây hiện chiếm 90% tổng kim ngạch thương mại nông sản biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây vẫn sẽ là địa bàn trọng điểm trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang “thị trường tỷ dân” với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được quan tâm, đầu tư.

“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu trên cơ sở đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc…” - ông Đỗ Nam Trung khuyến nghị.

Đánh giá về văn kiện hợp tác mới được ký kết với Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nông sản Việt Nam được Trung Quốc đánh giá rất cao.

Song, để phát triển bền vững, phải tiếp tục rà soát lại việc tổ chức sản xuất, trong đó có xây dựng vùng nguyên liệu cùng cơ chế chế biến sâu, đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn xuất khẩu. “Với việc ký kết văn kiện hợp tác lần này, nông sản Việt - Trung sẽ có cơ hội bổ trợ cho nhau, cùng thúc đẩy hai nền nông nghiệp phát triển toàn diện” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Cần thiết tổ chức lại sản xuất

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó, thị trường Trung Quốc nhập khẩu 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng lượng nhập khẩu nông sản của Trung Quốc vào khoảng 260 tỷ USD/năm, thì giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm gần 5%. Điều này cho thấy dư địa xuất khẩu nông sản sang “thị trường tỷ dân” này vẫn còn rất lớn.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận, việc ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về nông nghiệp và phát triển nông thôn với Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mang lại cho Việt Nam 3 cơ hội lớn. Trước hết là có thể giúp hạ giá thành nông sản xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan hay Malaysia.

Thứ hai, “Với việc hai bên thống nhất xây dựng một nhà máy chế biến tại khu vực biên giới, nông sản Việt Nam thông qua chế biến sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu mà thị trường Trung Quốc đặt ra. Nông sản Việt đứng trước khả năng tiếp cận sâu hơn vào thị trường nội địa, giúp gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản” - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói về cơ hội thứ 2.

Và lợi thế thứ 3, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, văn kiện hợp tác lần này sẽ giúp thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc. Các địa phương có lĩnh vực nông nghiệp có lợi thể phát triển, nhưng còn hạn chế về thu hút DN đầu tư, nhất là vào chế biến, sẽ có cơ hội để xây dựng những vùng nguyên liệu gắn với xuất khẩu.

Nhận định văn kiện mới được ký kết sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng nhấn mạnh rằng, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần chủ động để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, nhất là trong khâu tổ chức sản xuất. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và ban hành một quy trình sản xuất riêng cho các ngành hàng nông sản, đáp ứng những tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Quy định này thậm chí nên được xây dựng ở mức cao hơn để kéo dài vòng đời, cũng như mang đến cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính hơn cho nông sản Việt…
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Nói về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá thị trường này ngày càng “khó tính” hơn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp là cần phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để chuyển dần sang chính ngạch, để nông sản Việt Nam được chuẩn hóa và tiếp cận sâu được vào thị trường nội địa Trung Quốc.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận thị trường nông sản hiện nay rất khốc liệt, không phải một người bán, một người mua, mà là trăm người bán, vạn người mua.

“Việt Nam xuất khẩu được sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng có thể làm được điều đó. Nhưng nếu chúng ta tổ chức vận hành sản xuất theo chuỗi liên kết, chuẩn hóa được khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sâu thì mặt hàng này sẽ phát triển bền vững…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thoi-co-moi-cho-thuong-mai-nong-nghiep-viet-trung.html