Thoát nhọc nhằn nhờ cơ giới hóa

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trình diễn máy bay không người lái để gieo sạ giống tại huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực ứng dụng cơ giới hóa, đưa nhiều máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất...

Máy móc giải phóng sức lao động

Vụ hè thu 2023, nhiều diện tích lúa tại các địa phương đã được xuống giống gần 1 tháng. Để chủ động trong sản xuất, nông dân thuê các thiết bị máy móc từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc, gặt lúa… giúp giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng.

Theo ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa), cách đây 3-4 năm, HTX đã thuê thiết bị bay không người lái để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất cây lúa. Đến nay, những thiết bị này đã được sử dụng rộng rãi trên địa bàn xã. “Bà con nông dân rất phấn khởi khi ngày càng nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất nên không còn cảnh chạy đôn chạy đáo tìm thuê lao động như trước đây. Việc áp dụng cơ giới hóa đã giúp bảo vệ sức khỏe nông dân, đồng thời giảm chi phí sản xuất khoảng 30%”, ông Dị cho biết.

Với tổng diện tích lúa quản lý gần 500ha, để tiết kiệm, giải phóng sức lao động, HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) đã đầu tư nhà kho, lò sấy công nghệ không đảo, nâng cấp tuyến kênh và các trạm bơm tưới, đồng thời khuyến khích thành viên HTX, các hộ dân đầu tư máy móc phù hợp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp cho hay: “Hiện nay, hầu hết thành viên HTX, hộ nhận khoán đều sử dụng máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên năng suất lúa của HTX luôn đạt trên 80 tạ/ha. Nhờ vậy, gia đình thành viên HTX và hộ nhận khoán đều có đời sống khấm khá, tiếp tục đầu tư máy móc vào sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Thơ ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) đang sử dụng máy cày càng cày lại đất trồng dưa của gia đình nói: “Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của chiếc máy này, tôi có thể cày sâu, cày cạn tùy điều chỉnh số nhanh hay chậm; hơn 1 sào đất máy cày gần 1 giờ là xong, còn bừa thì 10 phút. Máy này có cái hay là điều khiển được lưỡi cày lật qua phải, qua trái dễ dàng nên có thể cày nghiêng đất lên luống trồng dưa, rau màu. Trước đây trồng dưa, rau màu, chúng tôi phải cày đất thục rồi dùng cuốc moi lên luống; còn nay sử dụng máy làm đất đa năng úp rãnh qua 2 đường cày là xong”.

Tiếp tục hỗ trợ cơ giới hóa

Chia sẻ tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2022-2023 do Sở NN&PTNT tổ chức tại huyện Tây Hòa mới đây, ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hiện nay, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất bước đầu giúp giải phóng sức lao động của bà con nông dân, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực đầu tư, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đồng thời triển khai nhiều mô hình cơ giới hóa vào sản xuất như hỗ trợ máy xắt cỏ, máy làm đất đa năng, công cụ gieo hạt, tưới nước…

Tại huyện Tuy An, bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ các cấp, toàn huyện hiện có gần 250 máy cày các loại, 75 máy sạ hàng, 24 máy gặt đập liên hợp, 62 máy gặt rải hàng, 33 máy cuộn rơm và 90 máy tuốt lúa. “Huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là thâm canh cây lúa, mía, sắn ở những vùng sản xuất tập trung. Từ đó giúp bà con thay đổi tập quán canh tác thủ công sang sản xuất bằng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy An nói.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa, những năm qua, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh, nhiều thiết bị nông nghiệp mới được đưa vào sản xuất, tỉ lệ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh trong một số khâu. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, số lượng máy nông nghiệp khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch. “Do vậy, thời gian tới, địa phương khuyến khích các HTX nông nghiệp, hộ gia đình tận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Phòng Nông nghiệp huyện sẽ là trung tâm, cầu nối để các gia đình tiếp cận cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, mua sắm thiết bị hiện đại”, bà Nguyệt cho biết.

Các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa từ khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 90%. Đối với cây mía, sắn, các địa phương áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 70%; khâu thu hoạch đối với cây mía trên 10%. Thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ đẩy mạnh ứng dụng máy móc, cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất giúp bà con thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất bằng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299895/thoat-nhoc-nhan-nho-co-gioi-hoa.html