Thoát nghèo nhờ khéo chăn nuôi

Cẩn thận lượm từng quả trứng bỏ vào rổ, nông dân Lâm Văn Hùng, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, phấn khởi: 'Bầy vịt 150 con đẻ mỗi ngày từ 90-100 trứng, bán với giá 35 ngàn đồng/chục, cũng đủ trang trải sinh hoạt. Thấy nuôi hiệu quả, đầu tháng 3 rồi, gia đình đã mạnh dạn gầy đàn thêm 100 con gồm vịt đẻ trứng và vịt thịt. Mong rằng vụ nuôi thuận lợi để kinh tế gia đình ổn định hơn'.

Cuối năm 2022, gia đình ông Hùng được địa phương hỗ trợ 50 con vịt giống Hòa Lan mắt xéo từ nguồn vốn giảm nghèo. Sau hơn 5 tháng nuôi, vịt bắt đầu cho trứng, tạo nguồn thu nhập. Thấy hiệu quả, ông Hùng mạnh dạn lên Bạc Liêu mua thêm 100 con vịt giống cùng loại để phát triển đàn.

Ngoài thức ăn chính là lúa, ông Hùng tận dụng thêm các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như: cá tạp, cá phân, rau xanh, chuối cây băm nhuyễn... độn thêm cho vịt ăn. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vịt cũng chắc thịt, cho trứng to, lòng đỏ nhiều hơn nên bà con địa phương rất ưa chuộng.

Ông Hùng cho biết: “Giống vịt này dễ nuôi, mau lớn, bự con, đẻ trứng sai và to hơn giống khác. Do vịt nuôi tại địa phương, cho ăn thức ăn sạch nên bà con yên tâm tiêu dùng. Vịt đẻ trứng ra ngày nào là bán hết ngày nấy, thậm chí không đủ nguồn cung. Riêng vịt thịt thì bán lai rai cho bà con gần nhà, cộng thêm cung cấp cho các mối lái ở chợ, cứ cách tầm 3-5 ngày là đem đi giao 1 đợt, không lo về đầu ra”.

Theo tính toán của ông Hùng, hiện tổng đàn vịt nhà ông lên đến 250 con. Nuôi vịt vừa bán trứng, vừa bán thịt, mỗi tháng ông bỏ túi từ 4-5 triệu đồng. Mức thu này khá ổn định và rất lý tưởng đối với hộ ít đất sản xuất, lớn tuổi, không nghề nghiệp ổn định như ông. Nhờ nuôi vịt, đến cuối năm rồi, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, không phải “tha phương cầu thực” như trước đây.

Bầy vịt đẻ mỗi ngày từ 90-100 trứng, bán với giá 35 ngàn đồng/chục, giúp gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập khá.

Bầy vịt đẻ mỗi ngày từ 90-100 trứng, bán với giá 35 ngàn đồng/chục, giúp gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập khá.

Cũng như ông Hùng, nông dân Ngô Minh Thùy, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, đã vượt khó vươn lên từ mô hình kết hợp giữa đặt rượu và nuôi heo. Ông Thùy trải lòng, trước đây ít đất sản xuất, gia đình chủ yếu trông chờ vào việc ông đi bạn cho các chủ ghe đóng đáy, ghe lưới cá khoai, cào ốc gần nhà. Thu nhập bấp bênh, gia đình chuyển sang đặt rượu, tận dụng hèm rượu để nuôi heo với hy vọng thoát nghèo.

Theo ông Thùy, lúc đầu việc chăn nuôi gặp khó do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên heo chậm lớn, hay nhiễm bệnh, thường bị lỗ hoặc huề vốn chứ ít khi có lời. Không đầu hàng trước cái khó, ông đã dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức. Ðồng thời, học hỏi trên báo, đài, đúc rút kinh nghiệm từ những người nuôi hiệu quả trên địa bàn. Trong quá trình nuôi, ông Thùy luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, tiêm ngừa đầy đủ và thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, chỉ sau thất bại vài lứa heo đầu, liên tiếp hơn 17 năm qua, ông Thùy đã có những vụ nuôi thành công, kinh tế ổn định, lo cho 2 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Đàn heo nhà ông Thùy đang phát triển tốt, dự kiến sau 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng.

Đàn heo nhà ông Thùy đang phát triển tốt, dự kiến sau 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng.

Theo kinh nghiệm của ông Thùy, hèm rượu có giá trị dinh dưỡng cao, kích thích tiêu hóa, giúp heo ăn mau lớn. Tuy nhiên, cũng cần trộn thêm các loại thức ăn xanh như cám gạo và rau muống để heo ăn khỏe, ít bị bệnh, đạt chất lượng thịt tốt. Mỗi năm, ông Thùy nuôi 2 lứa heo, mỗi lứa từ 15-20 con, khi xuất bán có thương lái tìm mua tận nhà. Hiện nay, chuồng heo nhà ông Thùy có gần 20 con heo thịt, trọng lượng từ 60-70 kg, khoảng 2 tháng nữa tới lứa xuất chuồng. Ông Thùy nhẩm tính, trừ chi phí con giống, thuốc men, gia đình ông bỏ túi hơn 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ðăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, thông tin: “Toàn xã có hơn 150 hộ chăn nuôi, tập trung ở các ấp Nhà Diệu, Ô Rô, Rạch Gốc. Ðiều đáng mừng là, nhiều hộ chăn nuôi lâu năm, có kinh nghiệm xử lý, phòng ngừa dịch bệnh, tận dụng thức ăn xanh để giảm chi phí chăn nuôi, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, đầu ra và giá cả ổn định, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo, phát triển kinh tế”.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; cách tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn, nói không với chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; hướng dẫn bà con xây dựng chuồng nuôi kiên cố, an toàn sinh học; triển khai tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc. Ðồng thời, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án và các nguồn vốn vay để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để bà con có điều kiện phát triển kinh tế./.

Trúc Linh - Huỳnh Tứ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thoat-ngheo-nho-kheo-chan-nuoi-a32673.html