Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều hội viên, nông dân (HVND) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới.

Vườn lan sinh thái của ông Huy

Ông Hồ Văn Huy ở xã Hương Xuân (Nam Đông) chia sẻ, gia đình ông một thời thuộc diện nghèo khó của địa phương. Trong lúc loay hoay tìm mô hình thích hợp để phát triển kinh tế, thoát nghèo thì ông Huy được Hội Nông dân (HND) xã Hương Xuân tạo điều kiện tín chấp vay vốn ngân hàng và được tham gia tập huấn mô hình trồng và chăm sóc lan sinh thái. Đây là mô hình mới mà ông Huy đam mê từ lâu nên phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của gia đình.

Từ những giò lan rừng ban đầu, ông Huy ngày đêm miệt mài chăm sóc, tách giò, nhân giống để mở rộng quy mô vườn lan. Đến nay, vườn lan của ông có đến hàng ngàn giò lan các loại. Vườn lan của ông Huy không chỉ phục vụ nhu cầu chơi lan của người dân trong và ngoài địa bàn huyện mà còn kết hợp phục vụ du lịch, tham quan. Bình quân mỗi năm, vườn lan của ông Huy cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Cũng tại Hương Xuân hiện nay xuất hiện nhiều hộ nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Chẳng hạn mô hình nuôi hươu lấy nhung của ông Nguyễn Công Trứ ở thôn 8 và mô hình nuôi dúi của ông Lương Sinh ở thôn 11, xã Hương Xuân. Mặc dù là những mô hình mới, bước đầu đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện Nam Đông nhưng đã thật sự mang lại hiệu quả cho các hộ dân. Chỉ vài lứa nuôi đầu tiên, các hộ này đã thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch HND huyện Nam Đông thông tin, từ mô hình SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả. Ngoài các mô hình ở Hương Xuân, trên địa bàn Nam Đông còn có nhiều mô hình như chăn nuôi heo rừng lai của ông Nguyễn Văn Pha, kinh tế rừng của ông Đoàn Trọng Phúc ở xã Hương Lộc.

Đặc biệt, phải kể đến mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao của ông Trương Minh Hào ở thôn Ka Tư, xã Hương Phú. Đây là mô hình mới, công nghệ cao đầu tiên, tạo điều kiện cho các hộ khác tham quan, học tập để nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Hàng loạt các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác VietGAP trồng dứa, trồng cam ở các xã Hương Xuân, Hương Phú, Hương Lộc, Hương Sơn; mô hình xây dựng sản phẩm OCOP… tạo điều kiện thúc đẩy huyện Nam Đông sớm trở thành huyện nông thôn mới.

Theo ông Hà, để có được nhiều mô hình mới, hiệu quả, Ban Thường vụ HND huyện Nam Đông thường xuyên hướng dẫn các tổ chức HND cơ sở trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Và xác định rõ đây là phong trào lớn của tổ chức HND, có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với HVND, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nông dân.

Tính riêng năm vừa qua, các tổ chức HND vận động HVND đăng ký và có hơn 1.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi. HND huyện tăng cường hướng dẫn các tổ chức HND cơ sở xây dựng, thành lập và củng cố duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Nông dân SXKD giỏi”. Năm 2023, đã thành lập mới một câu lạc bộ “Nông dân SXKD giỏi”. Các tổ chức HND vận động HVND hỗ trợ, giúp đỡ 31 hộ nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo với hình thức giúp đỡ bằng ngày công lao động, tiền, hỗ trợ cây, con giống, phân bón… Qua phong trào không chỉ giúp HVND thoát nghèo mà còn xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu có mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị trong SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/thoat-ngheo-lam-giau-tu-mo-hinh-moi-138822.html