Thoang thoảng hương xoan

Đã hết giờ làm việc khá lâu mà Tâm vẫn cặm cụi bên máy tính với bản kế hoạch cùng những con số. Những tháng đầu năm, cô bận rộn hơn bởi ngoài công việc của một nhân viên văn phòng ủy ban nhân dân xã, Tâm còn phải lo xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động Đoàn. Rồi việc của nhóm thiện nguyện nữa. Liếc nhìn đồng hồ, Tâm chợt giật mình 'Ôi, sắp đến giờ hẹn rồi!...'. Cô tắt máy tính, sắp xếp lại đống giấy tờ, công văn rồi vội vã bước ra nhà để xe.

Thời tiết sang nửa cuối xuân mà trời vẫn còn sụt sùi mưa rét. Chiều xuống nhanh. Đường cuối ngày nên khá đông xe cộ. Tiếng điện thoại reo trong túi xách càng khiến Tâm thêm vội vã. Cô khẽ rướn người, nhích ga một chút như muốn nhanh chóng thoát ra khỏi những tiếng mời chào giữa khu chợ đông đúc. Giờ này còn tâm trí đâu mà đứng chọn lựa những cá tôm, rau quả nữa! Với lại, việc chợ búa hằng ngày đã có mẹ Tâm lo rồi. Chiều chiều, mẹ cô cùng các bạn già lại bách bộ từ làng lên chợ, vừa tập thể dục vừa đỡ việc mua bán, cơm nước để con cháu chuyên tâm vào công việc. Cũng như Tâm lúc này, cô đang mải hướng về căn nhà tạm bên khu ao đầm ven đê hẻo lánh, nằm xa tít phía cuối cánh đồng.

Minh họa: Hiền Nhân.

Về đến nhà, Tâm lao vội vào phòng, mở tủ, lấy ra xấp tiền và danh sách những nhà hảo tâm. Chiều nay có thêm hai người chuyển khoản cho cô trước thời điểm chốt nhận tiền ủng hộ mà cô đã thông báo trên facebook. Lúi húi cộng đi cộng lại mà vẫn chưa đủ năm mươi triệu như kế hoạch khiến Tâm thoáng bần thần, ngồi ngây người ra. Hiểu tâm trạng con gái, mẹ cô bước đến bên:
- Chưa đủ à con? Đây, mẹ góp chút ít!
Nói rồi, bà rút ra từ túi áo khoác tờ năm trăm nghìn. Tâm ngước nhìn lên. Ánh mắt cô cười thay lời cảm ơn mẹ:
- Con xin mẹ! Nhưng con chỉ còn thiếu ba trăm thôi! Cho con gửi lại chỗ thừa. Lần sau, nếu thiếu thì mẹ lại ủng hộ con nhé!...
- Mà đi đâu thì cũng phải cơm nước đã chứ!
- Bố mẹ cứ ăn cơm trước đi ạ! Con phải trao luôn vì ba giờ sáng mai, họ phải đi Hà Nội cho kịp nhập viện. Với lại, con cũng đã hẹn mọi người trong nhóm rồi!...
Đứng dõi theo cô con gái vừa thoắt cái đã khuất dạng cuối con đường làng trước nhà, mẹ Tâm khẽ thở dài. Đã bao lần, Tâm đi sớm về muộn mà không kịp cơm nước như thế này. Bà luôn ủng hộ việc thiện nguyện của Tâm nhưng ông bà cũng muốn cô sớm lo chuyện chồng con. Hai mươi mấy tuổi đầu rồi chứ còn bé dại nữa đâu! Đám bạn cùng tuổi giờ đều đã con bồng con bế cả rồi...
***
Tốt nghiệp đại học Luật, luôn mong muốn trở về để đóng góp xây dựng quê hương. Đúng lúc đó thì ủy ban nhân dân xã cần bổ sung nhân sự vào một số bộ phận chuyên môn nên cô được nhận vào làm việc ở văn phòng thống kê. Mấy tháng sau, Tâm được giao thêm nhiệm vụ phó bí thư đoàn xã. Công việc đan xen, nhiều khi chồng chéo cứ cuốn cô theo. Rồi dần dần, Tâm thấy yêu thích những tháng ngày bận rộn nhưng có ý nghĩa, cũng như thấy gắn bó hơn với mảnh đất quê hương.

Từ ngày trực tiếp tham gia công tác Đoàn xã, Tâm nhận thấy, việc xây dựng và phát triển phong trào đoàn thanh niên ở địa phương bây giờ mới khó khăn làm sao. Phần lớn thanh niên trưởng thành đều tìm cách lập nghiệp phương xa. Số thì vào đại học, số thì đi xuất khẩu lao động hay đi làm ăn trên phố. Những ai còn ở lại làng thì tìm vào mấy công ty gần nhà, quanh năm đi sớm về muộn. Sau nhiều trăn trở, Tâm đề xuất với thường vụ đoàn xã về đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng hướng đến những hoạt động thiết thực mang tính cộng đồng để thúc đẩy phong trào và thể hiện vai trò của Đoàn trong các hoạt động của địa phương. Những hoạt động của Đoàn xã được duy trì đều đặn, thường xuyên, không chỉ thu hút thanh niên mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp, tổ chức khác trong xã...

Con sông chạy dọc giữa xã cách đây mấy năm đã được nạo vét và xây kè đá. Hai con đường bê tông nhựa phẳng lì, thẳng tắp chạy song song hai bên bờ sông bốn mùa rực rỡ những chậu hoa giấy ngũ sắc, hoa cúc, hoa mười giờ... mở ra một không gian thoáng đãng và tươi đẹp. Rồi mật độ nhà cửa, quán xá bên đường tăng lên. Rồi một cái chợ chiều tự phát được trải ra quanh chiếc cầu nối hai bờ sông ở đoạn gần trung tâm xã. Tiện thì có tiện nhưng cái chợ chiều ấy thường gây ách tắc giao thông và thải xuống lòng sông cơ man nào túi ni lông, rau quả thối và tôm cá ươn thiu. Chính quyền xã đã nhiều lần giải tỏa nhưng đâu lại vào đấy. Không thấy bóng lực lượng chức năng là chợ lại tấp nập. Rác thải tích tụ, ứ đọng từ ngày này sang ngày khác làm ô nhiễm cả một khúc sông dài.

Sáng Chủ nhật, Tâm đang cùng các thầy, cô giáo và học sinh lớp 10 cặm cụi dọn vệ sinh khu chợ thì chợt thấy ồn ào, nháo nhác phía bên kia bờ sông. Một cậu học sinh mải vớt rác mà không may trượt chân trên nền kè trơn và dốc khiến đầu gối chân phải đập xuống tảng đá, gây vỡ xương bánh chè. Sau khi được sơ cứu, cậu học trò được Tâm cùng thầy giáo chủ nhiệm nhanh chóng đưa lên bệnh viện. Cũng may, vết vỡ trên mảnh xương có độ di lệch nhẹ nên không phải phẫu thuật mà chỉ cần bó bột và nẹp cố định. Ngồi chờ ngoài hành lang bệnh viện, Tâm cứ nhấp nhổm, băn khoăn:
- Cậu bé đau đớn thế và chắc phải nghỉ học một thời gian, tôi thấy áy náy quá, thầy Phương ạ!
Phương là thầy giáo dạy thể dục, mới về nhận công tác hơn một năm nay. Trước anh là bộ đội biên phòng, rồi sau mới đi học Sư phạm Thể dục Thể thao nên hai mươi bảy tuổi vẫn chưa kịp lập gia đình. Mẹ anh có lần nhắc, sau hai năm sẽ tìm cách xin chuyển anh về dạy gần nhà. Lúc ấy, Phương chỉ ừ cho mẹ yên lòng vì anh nghĩ rằng ở đâu đất lành thì chim đậu. Với lại, hai trường cách nhau chỉ dăm km, có xa xôi lắm đâu...
Phương quay sang phía Tâm, trấn an cô:
- Em đừng lo lắng quá! Sức thanh niên chỉ mươi hôm là đi lại được thôi!...
- À, anh Phương này! – chợt Tâm thay đổi cách xưng hô – Cậu ấy nhà cùng xóm với em. Hoàn cảnh gia đình cũng neo đơn, khó khăn lắm! Nhà chỉ có hai mẹ con mà mẹ thì bị bệnh, chẳng làm việc nặng được... Em định chiều nay về sẽ đi quyên góp bà con trong xóm, mong đỡ phần thuốc thang chữa trị cho cậu ấy!..
- Ý kiến của em hay đấy! Sáng mai họp giao ban, anh sẽ có ý kiến với các thầy cô trong trường cùng các em học sinh. Khoảng 5 giờ chiều mai, anh sẽ cùng học sinh xuống nhà động viên cậu ấy!
- Vậy mai em sẽ đợi. Chúng ta cùng đi nhé!...

Tối ấy, Tâm cầm cuốn sổ ghi chép đến từng nhà để trình bày sự việc và mục đích chuyến ghé thăm. Ai cũng vui lòng ủng hộ. Người ít thì năm mươi nghìn. Người nhiều thì một, hai trăm nghìn. Đi một vòng hết xóm cũng đã hơn mười giờ đêm. Lòng cô phấn chấn hẳn lên khi kiểm số tiền cũng được hơn năm triệu. Cô dự tính số tiền này cộng với chỗ thầy Phương quyên góp sẽ được kha khá, không chỉ đủ trả chi phí chữa trị mà còn có thể hỗ trợ tiền trường lớp cho cậu học trò ấy.
Dù đã gọi điện báo tin vui cho thầy Phương nhưng Tâm vẫn trằn trọc khó ngủ. “Ừ nhỉ! Sao từ việc này, mình không nhân rộng. Lòng tốt của bao người muốn gửi trong thiên hạ!...”. Nghĩ rồi, cô mở điện thoại trao đổi ý tưởng với mấy người bạn về việc thành lập nhóm thiện nguyện để chia sẻ, động viên những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những dòng chữ và icon nổi tới tấp trên màn hình điện thoại bày tỏ sự đồng tình của mọi người khiến Tâm phấn chấn hẳn lên. Để thuận tiện trong việc kết nối và trao đổi, cô lập group lấy tên là “Nhóm thiện nguyện Trái tim hồng”, rồi mời bạn bè tham gia với tôn chỉ, mục đích và quy chế rõ ràng.

Nhóm thiện nguyện do Tâm, thầy Phương và một số bí thư Đoàn điều hành có sự lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Chỉ trong tuần đầu tiên đã có hơn bảy trăm thành viên. Tâm tạo dựng mạng lưới rộng khắp huyện, ở mỗi xã đều có một đầu mối làm nhiệm vụ tìm kiếm những gia đình khó khăn và kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người cùng chia sẻ. Hoạt động của nhóm thiện nguyện có hiệu quả ngay lập tức khi đã kịp thời đến chia sẻ, hỗ trợ ba trường hợp khó khăn trong huyện: Đó là một bà cụ già yếu không nơi nương tựa, một trường hợp bị tai nạn lao động và một cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Không chỉ hoạt động trong huyện, nhóm của Tâm còn thỉnh thoảng tổ chức quyên góp quần áo, sách vở, lương thực hướng đến những vùng cao xa xôi hay đồng bào vùng bão lũ. Dù phải dành thời gian, tâm trí và một phần lương của mình cho hoạt động thiện nguyện nhưng Tâm luôn cảm thấy mỗi nẻo đường mình qua luôn tràn ngập yêu thương...
***
Đi hết đường bê tông nội đồng là lúc trời vừa xẩm tối, nhóm thiện nguyện rẽ sang bờ mương để hướng về căn nhà lúp xúp ven đê. Mới đi được vài mét, bánh xe trượt trên bờ đất trơn vì mưa bụi, khiến Tâm cùng chiếc xe máy lăn xuống ruộng. Cô lồm cồm bò dậy, quơ tay mò được đôi giày cắm dưới bùn cũng vừa lúc mọi người chạy đến kéo cô và chiếc xe máy lên. Phương bật đèn điện thoại cho Tâm gột bùn bám đầy trên quần áo. Dưới ánh sáng lấp loáng, anh thấy người cô khẽ run lên, có lẽ vì nhiễm lạnh...
Nhóm thiện nguyện khom người bước vào căn nhà tuềnh toàng, trống huơ trống hoác. Chị vợ ngồi bên chồng bị xơ gan đang nằm chiếc giường cũ, phía sau là bọc ni lông quần áo để mang theo lên viện. Sau khi trao quà của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện mới biết, vợ chồng họ cũng chuẩn bị vào ngủ nhờ trong xóm để 3 giờ đêm bắt xe cho tiện, còn hai đứa con nhỏ đã gửi nhà cô giáo từ chiều. Chợt Tâm quay sang mấy cậu thanh niên trong nhóm:
- Hay nhân tiện, các em cõng anh ấy vào xóm nhỉ?!
- Vâng! Còn thầy Phương thì có nhiệm vụ hộ tống chị Tâm về nhé! – Một cậu nhìn Phương, nháy mắt tinh nghịch.
Rồi cánh thanh niên trẻ cùng chị vợ xăm xăm bước ra khỏi nhà, bỏ lại Tâm đứng đợi Phương đang loay hoay khép lại hai cánh cửa ọp ẹp...
- Ôi, thơm quá! Phải hương hoa xoan không, anh Phương? Lâu lắm rồi, em mới được gặp lại mùi hương quen thuộc này...
Trong ánh sáng mờ ảo của màn hình điện thoại, Phương thấy Tâm đứng lặng im dưới vòm xoan. Mắt cô khép hờ, khuôn mặt hướng lên vòm cây rung rinh những chùm hoa tím, để mặc cho bụi mưa và hương thơm thoa lên mặt. Phương chợt bật cười khe khẽ.
- Lãng mạn thế! Người em đang rét run đây này! Khoác thêm cái áo gió này không ốm đấy!
Nói đoạn, anh choàng chiếc áo của mình lên vai Tâm. Rồi anh khẽ cúi xuống, thì thầm:
- Hương xoan thơm ngọt ngào lắm, phải không em!...
Tâm lâng lâng, chơi vơi đắm mình giữa cảm giác dịu ngọt diệu kỳ. Hương xoan thoang thoảng cứ trải ra mênh mông bờ bãi đón muôn loài đang rạo rực sinh sôi...

Truyện ngắn của Trần Văn Lợi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thoang-thoang-huong-xoan-090759.bbg