Thoáng gặp nữ nhà văn Trầm Hương

Tác giả và nữ nhà văn Trầm Hương

Vừa rồi, ngồi trong hội trường Nhà khách tỉnh Bạc Liêu dự Lễ Tổng kết, trao giải cuộc thi Bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Liêp hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức, nhìn lên bàn trên cùng, tôi nói với chị ngồi kế bên: “Ai giống như nhà văn Trầm Hương kia?”.

Ngay lập tức, chị ấy đi lên, kéo tay người phụ nữ trong bộ áo dài xinh xắn (nhà văn Trầm Hương) đi xuống. Chị Trầm Hương bắt tay tôi với nụ cười “lúm đồng tiền” duyên dáng.

Tôi nói: “Đọc tác phẩm của chị rất nhiều nhưng mới “văn kỳ thanh”, hôm nay thật sự hân hạnh được “kiến kỳ hình” nữ nhà văn kiêm nhà báo, nhà thơ mà tôi ái mộ”.

Chị cười, siết chặt tay tôi rồi ra dấu chị phải lên chỗ ngồi vì chị là Trưởng Ban giám khảo, phải phát biểu đánh giá chất lượng tác phẩm dự thi tại lễ tổng kết này ngay sau kết thúc lời khai mạc.

Mở đầu Lễ Tổng kết, trao giải cuộc thi Bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, bộ phim tư liệu Hồn thơ Hoài Vũ do nhà văn Trầm Hương biên kịch, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoàng đạo diễn, được đưa ra chiếu. Thuyết minh phim cũng là nhà văn Trầm Hương với chất giọng trong trẻo, ngọt ngào của xứ Dừa (nhà văn Trầm Hương quê huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Xuất hiện trên màn hình là các nhân vật chính, gồm: Nhà thơ Hoài Vũ; Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Thanh Phong (Ba Phong); nhạc sĩ Trương Quang Lục (tác giả bài hát Vàm Cỏ Đông, phổ thơ Hoài Vũ); bóng dáng cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (tác giả nhạc phẩm Anh ở đầu sông, em cuối sông, phổ thơ Hoài Vũ) và nhà văn Trầm Hương cùng một số nữ du kích thời chống Mỹ, cứu nước, bơi xuồng dọc sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua huyện Bến Lức, xuống Tân Trụ, xuôi về miền hạ).

Nhà văn Trầm Hương duỗi hai chân trên xuồng, đặt cuốn sổ lên 2 đầu gối và luôn tay ghi chép tư liệu mà nhà thơ Hoài Vũ kể câu chuyện về sự ra đời bài thơ Vàm Cỏ Đông và bài thơ Anh ở đầu sông, em cuối sông.

Tuy đã ngoài “bát tuần” nhưng giọng lão thi sĩ vẫn tràn đầy năng lượng khi đọc thơ sang sảng, đầy biểu cảm qua mỗi khúc sông đầy ắp kỷ niệm của ông vào những năm tháng hào hùng chống Mỹ, cứu nước: ... Nước quê ta dập dờn tôm cá, giặc lội vào nước dựng thành đồng... với từng điểm nhấn lịch sử. Thỉnh thoảng, ông Ba Phong cũng đệm vào dòng hồi ức của nhà thơ Hoài Vũ một dấu ấn nào đó.

Nhìn cách nhà văn Trầm Hương ghi chép, tôi hiểu vì sao chị viết được nhiều ký chân dung, bài báo, truyện ngắn, tiểu thuyết về những nhân vật có thật ở ngoài đời.

Như Người đẹp Tây Đô mà nhân vật trung tâm là Bạch Cúc, hiện thân của nữ điệp viên Lâm Thị Phấn, từ một hoa khôi nức tiếng xinh đẹp ở Tây đô bị gả cho một công tử con nhà đại điền chủ bất lương, phải chịu trăm cay, nghìn đắng đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới được giải thoát, cất bước theo cách mạng và bằng tài khôn khéo cùng nhan sắc trời cho đã trở thành nhà tình báo như sự thể hiện qua ngòi bút của nhà văn Trầm Hương trong Người đẹp Tây đô (kịch bản Trầm Hương, đạo diễn Lê Cung Bắc) đã trình chiếu trên Đài truyền hình TP.HCM.

Hay như bộ tiểu thuyết dài hơi (trên 1.000 trang) Trong cơn lốc xoáy mà nhà văn Trầm Hương đã đầu tư công phu trên 10 năm mới viết xong, nhân vật chính là bà Jeanne Anna Villarialle (đang định cư ở Mỹ).

Cố nhà văn Vũ Hạnh bình về cuốn sách của Trầm Hương: ... bộ tiểu thuyết được viết nên từ câu chuyện thật về cuộc đời của người phụ nữ có số phận đặc biệt. Dường như số phận đã sắp đặt để bà (Jeanne Anna Villarialle) sống trong lòng cả Việt Minh, Pháp và Mỹ...

Nhờ được công tác nhiều năm ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - nơi lưu trữ một kho tư liệu quý báu về phụ nữ Nam bộ, trong đó, có không ít là phụ nữ Long An nên số phận phụ nữ qua từng thời kỳ Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh và những phụ nữ anh hùng trong hòa bình, xây dựng Tổ quốc được nhà văn Trầm Hương “nhai văn nhá chữ” theo dòng lịch sử. Nhà văn Trầm Hương không chỉ đọc tư liệu mà còn đi thực tế, tiếp cận nhân vật để tư duy ngấm vào cảm xúc đến chín mùi rồi mới viết. Chị viết như thư ký thời đại.

Còn nhớ một buổi trưa hè nắng gắt, tôi đi đò từ huyện Nhà Bè (TP.HCM) qua sông Rạch Cát, sang vùng đầm lầy Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ngày ấy, vẫn còn khá hoang vắng, bắt gặp nhà văn Trầm Hương đi với mấy chị em ở địa phương đến gặp các nhân vật mà chị sẽ viết.

Chị viết khá nhiều tấm gương phụ nữ Long An trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và trong lao động trên các lĩnh vực, tô đậm 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trên vùng đất có 2 dòng sông lớn Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã chảy vào thơ văn kháng chiến...

Tôi định tranh thủ thời gian để trò chuyện với nữ nhà văn Trầm Hương nhân cuộc gặp gỡ này, nhưng cơ hội đã trôi mất vì sau buổi lễ là bữa cơm thân mật do Ban tổ chức chiêu đãi. Dù trò chuyện vài câu nhưng được biết, nữ văn sĩ đa năng này còn là kỹ sư nông nghiệp, thạc sĩ báo chí, cử nhân điện ảnh. Về Văn học, nhà văn Trầm Hương không hề học qua một trường, lớp viết văn nào nhưng rất giỏi nghề./.

Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thoang-gap-nu-nha-van-tram-huong-a161261.html