Thoái vốn tại Vinamilk: Nóng đến phút cuối

Năm 2016, vấn đề thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn đang được các nhà đầu tư rất trông đợi. Trong đó, thương vụ thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang là chủ đề nóng của giới đầu tư trong những tháng cuối năm này.

“Nóng” đến phút cuối cùng

Buổi giới thiệu đầu tư (roadshow) cổ phần của SCIC tại Vinamilk diễn ra vào ngày 21/11 đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Qua đó, SCIC đã công bố khá nhiều thông tin mới về thương vụ thoái vốn hàng tỷ USD này. Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết đây là giao dịch chào bán cổ phần chứng khoán thứ cấp lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2016 với giá trị khoảng 900 triệu USD.

Vấn đề thoái vốn rất được quan tâm trong năm 2016, đặc biệt việc Chính phủ quyết định yêu cầu SCIC phải thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk càng làm thị trường nóng hơn. Câu chuyện Vinamilk được ví như “con bò sữa” hay “con gà đẻ trứng vàng” của SCIC đã tạo thành rào cản khiến SCIC trì hoãn việc thoái vốn tại doanh nghiệp này. Do đó, từng động thái thực hiện bán cổ phần của Vinamilk càng trở nên thu hút hơn bao giờ hết.

Được biết, SCIC sẽ chào bán cổ phiếu Vinamilk vào ngày 2/12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thời gian nộp phiếu từ 9-14h, phiên chào bán và ký hợp đồng giữa SCIC và đơn vị mua sẽ từ 14h30-17h cùng ngày. Về mức giá, giá đặt mua sẽ không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn cổ phiếu VNM tại ngày chào bán.

Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư đăng ký chào mua, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh để xác định nhà đầu tư và giá bán, trong trường hợp có 1 nhà đầu tư đăng ký thì SCIC sẽ thỏa thuận trực tiếp để xác định giá bán. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đợt chào bán một cách công bằng, sau khi tham mưu với lãnh đạo của Ngân hàng Nhà Nước, SCIC cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn hình thức ký quỹ bằng đồng USD. Tuy nhiên, các giao dịch này buộc phải thực hiện qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và điều này được thực hiện hóa bằng việc ký kết hợp đồng 3 bên giữa SCIC, nhà đầu tư và Vietcombank.

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, chủ nhân sở hữu 9% cổ phần đầu tiên của VNM từ SCIC sẽ xuất hiện. Điều gì sẽ diễn ra tại Vinamilk trong năm 2017 này và SCIC sẽ như thế nào sau khi bán đi “con bò sữa” của mình là những câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm. Biết rằng, trong buổi roadshow vừa qua, nhà đầu tư tham dự chật kín hội trường và kiên nhẫn chờ đợi thông tin.

Câu hỏi đã có lời giải

Nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phần Vinamilk trong đợt chào bán lần này đã bớt đi phần nào lo lắng khi nhận được thông tin SCIC hay Vinamilk chưa hề tiếp nhận được đề nghị chính thức nào từ cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk là F&N Dairy Investments - thành viên Tập đoàn F&N Singapore thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có ý muốn tăng sở hữu tại Vinamilk.

Từ trái qua phải: Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE; bà Mai Kiều Liên, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC; ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc SCIC tại buổi roadshow. (Ảnh: Ánh Hoa)

Tại buổi roadshow, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, cho biết việc bán vốn lần này theo phương thức chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc giá từ cao xuống thấp. SCIC cũng như Vinamilk không có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, việc chào bán chia đều cơ hội cho các nhà đầu tư, ai yêu mến cổ phiếu VNM và muốn tìm cơ hội tại cổ phiếu VNM thì có thể gắn kết với công ty.

Dễ dàng thấy rằng, cổ phiếu VNM hấp dẫn nhà đầu tư không riêng gì về thương hiệu mà hiệu quả kinh doanh mang lại là điều quan trọng. Nếu SCIC từng rất không muốn buông tay Vinamilk bao nhiêu thì các nhà đầu tư càng muốn có được Vinamilk bấy nhiêu. Chia sẻ tại buổi roadshow, ông Trần Chí Sơn, Trưởng Bộ phận Tài chính của Vinamilk, nói Vinamilk là công ty sản xuất sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam, hiện chiếm 49% thị phần bán lẻ sữa (theo giá trị bán lẻ năm 2015). Các đối thủ cạnh tranh chính của Vinamilk là FrieslandCampina, Abbot, MeadJohnson, Nestle, Nutrifood, IDP, Mộc Châu, TH true Milk, Yakult, Kinh Đô và các nhãn hàng khác. Tuy nhiên, trong các phân khúc chủ lực của Vinamilk như sữa nước, sữa công thức, sữa đặc, sữa chua đều dẫn đầu thị trường, chiếm từ 51-84%.

Và Việt Nam là một trong những thị trường sữa hấp dẫn toàn cầu. Thị trường sữa cả nước có quy mô 3,6 tỷ USD và tăng trưởng trung bình khoảng 8%/năm, ước đạt 5,254 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 15 lít/người, trong khi tại Mỹ là 314 lít/người (gấp 21 lần). Do đó, ông Trần Chí Sơn kỳ vọng đây sẽ là ngành còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là người kế nhiệm bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc của Vinamilk sẽ là ai khi thời hạn nhiệm kỳ của bà sắp đến hạn. Biết rằng, rất nhiều cổ đông mong muốn bà ở lại cùng Vinamilk trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên cho biết: “Vinamilk đã chuẩn bị đội ngũ kế thừa từ 2 năm trước. Và dù, đội ngũ mới có hoạt động hiệu quả hay không thì phải luôn tuân theo quy tắc quản trị của công ty. Nếu bầu lên mà người lãnh đạo không hiệu quả thì có thể vài tháng sẽ lại kéo xuống và thay người khác lên”.

Vinamilk đang có 1.451.453.429 cổ phiếu đang niêm yết. SCIC đang sở hữu 44,73% (649.264.896 cổ phiếu), F&N Dairy Investments Pte Ltd sở hữu 10,95% (158.988.933 cổ phiếu).

Vốn hóa thị trường ngày 23/11 của Vinamilk đạt 201.752 tỷ đồng, đứng vị trí số một thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt xa vốn hóa của đơn vị xếp sau là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) chỉ 131.297 tỷ đồng.

SCIC thoái vốn 9% trong ngày 2/11 tới có tổng giá trị 18.158 tỷ đồng.

Ánh Hoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thoai-von-tai-vinamilk-nong-den-phut-cuoi-d50333.html