Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bên bờ vực đổ vỡ

Ngày 7/11, Iran bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani. Với bước đi mới nhất này, dư luận lo ngại Iran đang có ý định dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã kí với các cường quốc năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) trong tuyên bố xác nhận, sau các hoạt động chuẩn bị thành công, việc bơm khí urani vào các máy ly tâm đã bắt đầu. Tất cả tiến trình đều được các thanh sát viên Liên Hợp Quốc giám sát. Dự kiến các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ thăm địa điểm một lần nữa vào cuối tuần và mức làm giàu urani sẽ đạt được là 4,5%. Đây là bước đi mới nhất của Iran nhằm giảm các cam kết theo điều khoản thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015.

 Iran đã bơm khí urani vào máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow. Ảnh tư liệu

Iran đã bơm khí urani vào máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow. Ảnh tư liệu

Trước diễn biến trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, động thái này là dấu hiệu cho thấy ý định của Iran rời bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tổng thống Pháp cho biết sẽ có cuộc thảo luận trong những ngày tới với Iran, nhưng nhấn mạnh tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng sẽ đối mặt với hậu quả nếu thỏa thuận hạt nhân này sụp đổ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng bày tỏ lo ngại các diễn biến xung quanh thỏa thuận hạt nhân, kêu gọi Iran thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận. Ông Lavrov cho rằng, bước đi của Iran là hậu quả của việc Mỹ rút khỏi văn kiện và tái áp đặt trừng phạt chống lại quốc gia Hồi giáo này.

Cựu Đại sứ Iran tại Na Uy Abdolreza Faraji-Rad cho rằng, những bước đi mới nhất của Iran là rất đáng lo ngại đối với số phận của thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, đây đều là những hành động nằm trong khuôn khổ khung thỏa thuận và dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Ông cũng cho rằng, Iran không nên từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận. Một số nhà ngoại giao cũng nhận định, Iran sẽ không hoàn toàn từ bỏ thỏa thuận vì lợi ích của chính quốc gia Hồi giáo này.

Diễn ra ngay sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt mới nhằm vào 9 người có liên quan tới Đại giáo chủ Ali Khamenei, việc tái khởi động làm giàu uranium là bước đi thứ tư trong lộ trình cắt giảm tuân thủ cam kết hạt nhân mà Iran thực hiện từ tháng 5 vừa qua. Động thái này được xem như sự đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ siết chặt trừng phạt Tehran sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào tháng 5/2018. Lãnh tụ tối cao của Iran từng tuyên bố, Tehran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ, đồng thời ngừng các cuộc đàm phán với Washington cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định, Mỹ sẽ phải chịu mọi trách nhiệm vì đã ép buộc Iran phá vỡ những cam kết trong JCPOA.

Bên cạnh yếu tố chính trị, nước Cộng hòa Hồi giáo có lý do thực tế hơn để tiến hành bước đi cứng rắn với tư cách là một bên trong thỏa thuận hạt nhân. Hiện chính quyền của Tổng thống H.Rouhani đang hứng chịu những tổn thất nặng nề từ các đòn trừng phạt liên tiếp của Mỹ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Iran sẽ giảm tới 9,5% trong năm 2019 thay vì 6% như dự đoán trước đó. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Iran sẽ gần bằng 0% trong năm 2020. IMF cũng dự báo, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran sẽ giảm còn 60,3 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 103,2 tỷ USD của năm ngoái và tiếp tục giảm còn 55,5 tỷ USD vào năm tới. Nếu muốn cân bằng ngân sách năm 2020, Iran sẽ cần giá dầu thô ở mức “không tưởng” 194,6 USD/thùng.

Những gì diễn ra đang đẩy JCPOA đến gần hơn bờ vực đổ vỡ. Điều này nếu xảy đến chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt giữa các nước, đặc biệt là trong khu vực, khiến vùng đất vốn luôn nóng bỏng này chìm sâu hơn vào bất ổn.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/thoa-thuan-hat-nhan-iran-ben-bo-vuc-do-vo-75551.html