Thọ Xuân nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản

Huyện Thọ Xuân có nhiều loại khoáng sản, trong đó tài nguyên cát, sỏi với trữ lượng tương đối lớn. Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, hạn chế thấp nhất việc xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai khoáng, huyện Thọ Xuân đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp, kiên quyết xử lý các cá nhân, tập thể không chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường. Qua đó, từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp.

Mỏ khai thác cát tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 7 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác và 11 bãi tập kết cát được Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết hợp đồng sử dụng đất, trong đó có 9 bãi tập kết đang hoạt động tại các xã: Xuân Hồng, Trường Xuân, Xuân Lai, Thọ Lập, Xuân Hòa, Xuân Tín, Thọ Hải và 2 thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân. Ngoài ra, trên địa bàn có 1 dự án khơi thông dòng chảy bảo vệ bãi sông đê tả sông Chu đoạn qua xã Phú Xuân và chống sạt lở bờ hữu sông Chu đoạn qua làng Kim Ốc, xã Xuân Hòa. Để đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp, huyện Thọ Xuân kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai dự án, thực hiện việc khai thác khoáng sản không tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân. Trường hợp phát hiện sai phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường, khai thác vượt trữ lượng cho phép, nếu doanh nghiệp không chủ động khắc phục kịp thời, huyện sẽ kiên quyết xử lý, báo cáo tỉnh không tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác và yêu cầu dừng hoạt động đối với những doanh nghiệp này. Trong năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đã xử phạt 2 trường hợp vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh khoáng sản trái phép với tổng số tiền gần 430 triệu đồng và yêu cầu phải cải tạo, phục hồi môi trường.

Huyện Thọ Xuân cũng đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, nếu cấp ủy, đơn vị nào lơi lỏng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản trái phép thì người đứng đầu cấp ủy, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhờ vậy, nhìn chung, hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Các phòng, ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; khoáng sản được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm cơ bản theo đúng quy định của pháp luật và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện, của tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Thông, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Minh Thông, xã Thọ Hải cho biết: "Trong quá trình khai thác chúng tôi cũng gặp những khó khăn do thiên tai làm thay đổi dòng chảy, mốc giới nhưng công ty vẫn khai thác cát theo đúng giấy phép được cấp của cơ quan chức năng. Trong quá trình hoạt động khai thác, thường xuyên tưới, phun nước trên đường tránh tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường, các phương tiện ô tô ra vào vận chuyển khoáng sản đã thực hiện chở đúng tải trọng, có biện pháp che chắn tránh rơi vãi, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân".

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, huyện Thọ Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đến các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên địa bàn.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tho-xuan-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-hoat-dong-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san/207999.htm