Thợ săn và cộng sự đại bàng trên thảo nguyên Mông Cổ

Ở một vùng đất xa xôi thuộc phía tây Mông Cổ, vẫn còn những người đàn ông rong ruổi trong những cuộc đi săn trên lưng ngựa, trên tay anh ta là một chú chim đại bàng.

Mang đại bàng đi săn sói ở Mông Cổ Ở tỉnh Bayan Olgii, phía tây Mông Cổ, truyền thống huấn luyện và mang đại bàng đi săn đã kéo dài hàng ngàn năm và vẫn được duy trì đến ngày nay.

Những đỉnh núi băng của rặng Altai đã biến tỉnh Bayan Olgii, phía tây Mông Cổ, thành một chốn bất khả xâm phạm, nơi cuộc sống hiện đại không thể tìm thấy lối vào. Tộc người Kazakhs chiếm phần đông trong dân số tỉnh Bayan Olgii. Cuộc sống trên lưng ngựa với sự trợ lực của chim đại bàng giúp họ sống sót ở một nơi biệt lập và mùa đông lại cực kỳ khắc nghiệt như thế này. Những chuyến đi săn trên thảo nguyên hoang dã tưởng chỉ còn thấy trong tiểu thuyết vừa được nhiếp ảnh gia người Mỹ Dave Stamboulis thu lại trong ống kính của mình.

Truyền thống đi săn cùng đại bàng đã có từ 6.000 năm nay ở Trung Á. Cách đây gần 1.000 năm, Thành Cát Tư Hãn rồi Hốt Tất Liệt đều nuôi hàng ngàn con chim đại bàng săn mồi và những chuyến đi săn cùng đại bàng của họ đã được nhà thám hiểm người Italy Marco Polo ghi chép lại tỉ mỉ.

Đại bàng là một sinh vật rất độc lập và dữ dội, vì vậy để đại bàng phục tùng chủ, chúng phải được huấn luyện từ nhỏ. Đại bàng nhỏ hiền lành, ít hại trẻ em hay cừu. Tuy nhiên, để săn được những sinh vật tinh ranh như cáo, người ta cần đến bản năng giết chóc của một đại bàng lão luyện. Đặc biệt, đại bàng cái mới chính là những thợ săn xuất sắc nhất: chúng hung hãn và nặng hơn những con đại bàng đực.

Trong những cuộc đi săn, đại bàng sẽ đậu lên tay trái của chủ trong lúc anh ta rong ruổi trên lưng ngựa. Trải qua nhiều năm huấn luyện, sự kết nối giữa người chủ và đại bàng bền chặt đến nỗi chỉ một cử động nhỏ bên cánh tay trái cũng báo cho người chủ biết chú chim đã đánh hơi thấy gì đó.

Con mồi chủ yếu trong những chuyến đi săn này là cáo thảo nguyên - chúng sẽ cho những bộ lông giữ ấm cực tốt, hoặc sóc chuột - để lấy cả lông và thịt. Một số lúc khác, đại bàng sẽ hạ cả cú, sói và cả báo tuyết. Phần lớn các chuyến đi săn sẽ diễn ra vào mùa đông, thời điểm đại bàng đói bụng nhất và cơ thể chúng cũng ít mỡ thừa.

Đại bàng rất được các thợ săn người Kazakhs tôn trọng. Chim đại bàng không phải công cụ đi săn của người Kazakhs, chúng là cộng sự, là bạn đồng hành. Tất cả đại bàng đều được thả về tự nhiên sau 10 năm "phụng sự".

Hơn thế nữa, công việc huấn luyện đại bàng được xem là nghi lễ trưởng thành cho mọi người đàn ông trong tộc này, là truyền thống truyền qua hàng chục thế hệ và trở thành niềm tự hào của các dòng họ.

Mùa thu hàng năm, các thợ săn sẽ tụ tập về thủ phủ Olgii của tỉnh để tham gia lễ hội đại bàng.

Tuy nhiên, những cuộc vui như thế này, lẫn truyền thống đi săn cùng đại bàng đang ngày một khan hiếm hơn. Đồng cỏ ở Mông Cổ bị thu hẹp nhiều trong những năm gần đây, động vật hoang dã để săn đang ít đi trong các hoạt động du lịch đang tác động đến cuộc sống của người dân.

Việc đi săn đại bàng được duy trì chủ yếu để đáp ứng nhu cầu lấy lông thú sưởi ấm qua mùa đông, phần khác để tiếp nối truyền thống và niềm kiêu hãnh của những người Kazakhs.

Phương Thảo
Ảnh: BBC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tho-san-va-cong-su-dai-bang-tren-thao-nguyen-mong-co-post685498.html