Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tàu ngầm mini sát thủ

Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các tàu ngầm tấn công mini với tiềm năng xuất khẩu toàn cầu, một loại vũ khí được coi là 'sẽ thay đổi cuộc chơi'.

Mặc dù nhỏ hơn và có tầm hoạt động kém hơn các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm mini cực kỳ hiệu quả trong các hoạt động ven biển vì chúng có từ tính và âm thanh nhỏ hơn, có thể bị che khuất bởi tiếng ồn xung quanh chẳng hạn như giao thông vận tải biển.

Tàu ngầm mini của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Bài liên quan

Tàu ngầm Nga va chạm với tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh ở Bắc Đại Tây Dương

Nga thử tên lửa siêu thanh Tsirkon mới từ khinh hạm và tàu ngầm

Nhật Bản, Mỹ tập trận chống tàu ngầm đầu tiên ở Biển Đông

Hải quân Nga tập trận săn tàu ngầm địch khi tàu chiến NATO vào Biển Đen

Khi bắt đầu được sản xuất trong năm nay, STM500 mini sub sẽ là chiếc tàu ngầm nhỏ nhất do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Nó có trọng lượng choán nước khi chìm là 540 tấn, chiều dài 42 mét. Tốc độ tối đa của tàu là 18 hải lý/giờ, tốc độ hành trình là 5 hải lý/giờ và có thể lặn sâu tới 250 mét.

Tàu ngầm mini sẽ có phạm vi hoạt động 3.500 hải lý khi chạy bằng động cơ diesel và 75 hải lý khi chạy bằng pin. Lớp tàu này có thể được trang bị một hệ thống động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP), khi kết hợp với động cơ diesel có thể mở rộng phạm vi hoạt động lên 4.000 hải lý.

Chúng có thể được lắp nhiều loại sonar khác nhau tùy theo nhu cầu. Tàu ngầm mini cũng có thể được trang bị kính tiềm vọng quang điện tử và ăng ten hỗ trợ tác chiến điện tử (ESM).

Loại tàu mini này được thiết kế để chứa 18 thủy thủ đoàn và một đội đặc nhiệm gồm 6 người, chìm trong nước trong 30 ngày và mang theo 4 ống phóng ngư lôi, cùng 8 ngư lôi hạng nặng hoặc tên lửa hành trình.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang vận hành 12 chiếc tàu Type 209 và đang trong quá trình đóng các tàu ngầm loại Reis hiện đại hơn. Tầu ngầm Reis được trang bị AIP với pin nhiên liệu hydro, giúp tăng đáng kể khả năng lặn.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ba thành viên NATO cùng với Romania và Bulgaria có thể triển khai hợp pháp tàu ngầm ở Biển Đen. Điều 12 của Công ước Montreux cấm các cường quốc không thuộc Biển Đen triển khai tàu ngầm trong khu vực.

Hạm đội Biển Đen của Nga có số lượng lớn tàu chiến hoạt động trong khu vực này. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất có thể kiểm tra hoạt động triển khai lực lượng hải quân của Nga từ Biển Đen vào Địa Trung Hải.

Các tàu ngầm mini cũng sẽ có khả năng được bán cho các quốc gia muốn tuân thủ các tiêu chuẩn của NATO nhưng thiếu ngân sách để mua các thiết bị đắt tiền hơn do Mỹ hoặc phương Tây sản xuất, chẳng hạn như Philippines và Ukraine.

Mặc dù Philippines từ lâu đã phụ thuộc vào Mỹ với tư cách là nhà cung cấp quân sự truyền thống của mình, nhưng có chi phí cao. Ngoài ra, những hạn chế khác trong việc mua bán thiết bị quân sự buộc nước này phải dựa vào các nhà cung cấp khác như Hàn Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một khái niệm tàu ngầm được đề xuất cho hải quân Philippines là Tàu ngầm tấn công nước nông (SWATS). Chiếc tàu ngầm được đề xuất này được thiết kế để hoạt động ở vùng nước cực kỳ nông để phòng thủ bờ biển và có thể phục kích các lực lượng hải quân thù địch.

Hải quân Ukraine đã mất phần lớn trang bị của mình trong quá trình Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và hiện vẫn đang dựa vào hỗ trợ từ Mỹ để tân trang lại lực lượng quân sự của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nâng cấp tàu ngầm Agosta-90B của Pakistan và đang đóng bốn tàu hộ tống MILGEM cho Islamabad. Trong tương lai, Pakistan cũng có thể chọn mua tàu ngầm mini ST500 của Thổ Nhĩ Kỳ, điều có thể tạo tiền lệ mua sắm cho các quốc gia hồi giáo trong khu vực như Bangladesh và Indonesia.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tho-nhi-ky-san-xuat-tau-ngam-mini-sat-thu-post179606.html