Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ hơn về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Sau khi phản đối Phần Lan và đặc biệt là Thụy Điển trở thành thành viên NATO trong nhiều tháng, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã có dấu hiệu nhượng bộ hơn dưới áp lực từ Mỹ.

Ảnh minh họa: Hurriyetdailynews.com

Ảnh minh họa: Hurriyetdailynews.com

Thổ Nhĩ Kỳ đã có lập trường hòa giải hơn đối với đơn gia nhập NATO của Thụy Điển sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Mevlüt Cavusoglu thảo luận về khả năng mua máy bay F-16 của Mỹ hôm 20/2.

“Nhiều cuộc họp sẽ được tổ chức với Thụy Điển và Phần Lan về tư cách thành viên NATO”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

“Đây là một thông điệp rất đáng hoan nghênh và tốt đẹp từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Ngoại trưởng Phần Lan Tobias Billström nói, trong khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông mong muốn “quay lại các cuộc đàm phán này càng sớm càng tốt”.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, đặc biệt với lý do Thụy Điển từ chối dẫn độ các thành viên của phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí gần đây tuyên bố không ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển sau vụ đốt kinh Koran vào tháng 1 ở Stockholm. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Phần Lan Tobias Billström cho biết tiến trình gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu "đã bị đình trệ".

Trong Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào cuối tuần qua, ông Kristersson đã gặp người đồng cấp Phần Lan, Sanna Marin, người mà theo ông, đã nhắc lại mong muốn Phần Lan và Thụy Điển cùng nhau gia nhập NATO.

Ảnh hưởng của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi ý định sau khi Mỹ tăng áp lực lên Ankara để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO càng sớm càng tốt.

Như ông Kristersson đã chỉ ra, các quốc gia NATO khác ủng hộ cực kỳ mạnh mẽ việc Thụy Điển gia nhập NATO và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bày tỏ sự ủng hộ “vững chắc” đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Sự hỗ trợ này đã được Ngoại trưởng Blinken lặp lại trong cuộc họp báo chung của ông với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/2. Ông Blinken nêu rõ: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO càng sớm càng tốt", đồng thời cho biết thêm rằng “việc mở rộng NATO với sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan không phải là vấn đề song phương”.

Các cuộc thảo luận giữa ông Blinken và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu xoay quanh việc bán máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù ông Cavusoglu phủ nhận rằng các cuộc đàm phán này có bất kỳ ảnh hưởng nào đến nhượng bộ mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết đơn xin NATO của Thụy Điển.

Ông Cavusoglu nói: “Sẽ không đúng đắn và công bằng nếu đặt hai vấn đề độc lập trở thành điều kiện của nhau”, đồng thời cho biết thêm rằng “chúng tôi không thể mua F-16 trong những điều kiện này”.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tìm cách nâng cấp phi đội F-16 sau khi bị chặn tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu F-35 thế hệ tiếp theo liên quan đến thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đảm bảo rằng thỏa thuận F-16 là “rất quan trọng đối với khả năng tương tác và phối hợp đang diễn ra trong NATO cũng như vì lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Tuyên bố trên lặp lại quan điểm từ Nghị sĩ Nghị viện châu Âu của Thụy Điển Evin Ircin. Khi được hỏi liệu Mỹ có nên tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển đang bị đình trệ do Ankara hay không, bà Ircin trả lời: “Chắc chắn rồi. Đó là lợi ích của Mỹ, của tất cả các quốc gia thành viên EU, và cuối cùng, đó cũng là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Euractiv.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-nhuong-bo-hon-ve-viec-thuy-dien-va-phan-lan-gia-nhap-nato-20230221162806919.htm