Thịt thú rừng bán công khai tại chùa Hương

KTĐT - Những con thú đã được mổ, thui vàng, treo ngược trước cửa. Có khách hỏi mua, người bán sẽ mang dao ra xẻ thịt, mua chỗ nào, xẻ chỗ đó.

Cầm túi 'thịt nai' gần 2 kg mà chị vợ đi chùa Hương hôm khai hội (8/2) mua từ một quầy hàng ở bến đò Thiên Trù, anh Tuấn ở Định Công (Hà Nội) khẳng định, đó là thịt bê chứ không phải nai. Với mức giá chỉ 200.000 đồng một kg, anh Tuấn khẳng định, không thể mua được thịt nai xịn. Anh kể, thịt lợn mán, mường anh hay mua của người quen mang từ Hòa Bình xuống bán cũng đã xấp xỉ 200.000 đồng một kg. Vì thế, không thể có chuyện thịt nai rừng xịn mà giá chỉ 200.000 đồng. Đã thành lệ, chẳng năm nào đi hội chùa Hương mà du khách hành hương không bị chèo kéo, bị lừa mua về vài cân thịt thú rừng dởm. Ngày khai hội, con đường dẫn từ Bến Đục đến đền Trình mọc lên san sát những hàng bán thịt thú rừng. Tại bến đò Thiên Trù có ít nhất hơn chục quán kinh doanh mặt hàng này. Những con thú đã được mổ, thui vàng, treo ngược trước cửa. Có khách hỏi mua, người bán sẽ mang dao ra xẻ thịt, mua chỗ nào, xẻ chỗ đó. Các cửa hàng này không ghi mức giá cụ thể vì người chủ nhìn mặt khách để “quát” giá; giá thịt nai có thể bị đẩy lên 500.000 đồng một kg, thịt cầy 600.000-700.000 đồng. Giá bán phổ biến thịt nai từ 200.000- 300.000 đồng một kg, hoẵng rừng 400.000 đồng, cầy vòi 300.000- 350.000 đồng… Chị Thảo, kinh doanh hàng ăn tại bến đò Thiên Trù cho biết, các loại thịt thú rừng bán tại cửa hàng đều được săn về từ núi Hương Sơn nên tươi và nguyên chất. Dù vậy, theo tiết lộ của anh Tiến, cũng kinh doanh thịt thú rừng tại lễ hội chùa Hương, gần như không có thú rừng xịn. Hầu hết đều bán thú nuôi, nhiều hơn cả vẫn là hươu, nai nuôi nhốt. Anh này khẳng định, trong núi Hương Sơn không có nhiều thú đến mức đủ cung cấp cho các nhà hàng ở đây trong suốt 3 tháng diễn ra hội chùa Hương. Theo anh Tiến, bằng cách cắt bỏ đầu, thui vàng con thú và treo ngược lên, người bán vẫn có thể bịp được một số khách không rành về thịt rừng, với chiêu phổ biến nhất là lấy thịt bê giả thịt nai, hươu; thịt thỏ giả làm cầy vòi; chó giả hoẵng… Theo khẳng định của anh Tiến, bán hàng kiểu này thu siêu lợi nhuận. Bình thường thịt bê đắt nhất chỉ 200.000 đồng một kg, nhưng thành thịt nai thì có thể bán 300.000 đồng. Nếu gặp khách không biết, có thể nâng lên 400.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng mà khách vẫn móc ví trả tiền không đắn đo, cân nhắc. Tương tự, giá chó hơi chỉ khoảng 50.000 đồng một kg, thịt ra, thui vàng, lừa khách là thịt cầy, tiền lãi có khi đến cả chục lần. Do đánh trúng tâm lý “đi hội không tiếc tiền”, “tháng giêng là tháng ăn chơi”, các hàng thịt thú rừng làm ăn rất phát đạt. Theo anh Hoàng Lâm ở thôn Mễ Trì (Hà Nội), có kinh nghiệm mang lợn mán, lợn mường mạn Hòa Bình, Phú Thọ về Hà Nội bán, mua thịt thú rừng tại chùa Hương trong những ngày diễn ra lễ hội không khác gì “đem tiền ném qua cửa sổ”. Anh cho rằng, thịt thú rừng bán ở chùa Hương phần lớn là thịt dởm hoặc là thú nuôi. Dấu hiệu nhận biết thịt giả, thật, theo anh Lâm, là ở móng guốc, thớ thịt và lớp da con vật. Tuy nhiên, phải những người có kinh nghiệm ăn thịt thú rừng và chịu khó quan sát mới có thể phát hiện được. Do đó, anh Lâm khuyên những người đi hội chùa Hương không nên mua thịt ở đây về làm quà. Theo VnE

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=45&newsid=279842