Thịt nhập lậu khiến người chăn nuôi gặp khó

Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã chi 1,15 tỉ USD để nhập khẩu thịt, sản phẩm từ thịt, trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng này chỉ đạt 88,95 triệu USD, chưa kể số lượng thịt nhập lậu tràn vào trong nước. Điều này đã khiến thị trường thịt lợn trong nước có biến động, lượng thịt tiêu thụ chậm. Dự báo, Tết Nguyên đán sắp đến, giá thịt lợn khó tăng mạnh, gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỉ USD, tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong khi đó, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt trong 10 tháng năm nay tăng 20,3% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ đạt 88,95 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt trâu, bò tươi đông lạnh…

Thịt lợn nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu đang khiến người chăn nuôi trong nước cạnh tranh khó khăn. Ảnh minh họa.

Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu thịt, sản phẩm từ thịt với giá trị nhập khẩu cao gấp 12,7 lần so với xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, thịt lợn đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, với 6 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 14.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 33,88 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với tháng 10/2022. Thống kê trong 10 tháng qua, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 95.400 tấn, trị giá 239,37 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) dự báo, tổng sản lượng thịt lợn trong năm nay ước đạt 4,5 triệu tấn. Mặc dù nhập khẩu thịt lợn liên tục tăng trong những tháng vừa qua nhưng ghi nhận từ tháng 5/2023 đến nay, lượng nhập khẩu trung bình chỉ chiếm 3 - 4% so với tổng sản lượng sản xuất của cả nước. Đây là con số nhỏ và chưa đủ sức để tác động lên giá lợn hơi và giá thịt heo trong nước.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn về số liệu thì đúng là lượng heo nhập khẩu chiếm dưới 5% sản xuất trong nước thì không thể ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương chỉ mới thống kê hàng nhập khẩu chính ngạch. Còn thực tế có cả heo nhập lậu từ Lào, Campuchia, Thái Lan đã từng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

Ngoài ra, khi heo nuôi trong nước đã đủ cung cấp cho thị trường mà hàng nhập khẩu vẫn đổ về, dù tỉ trọng ít cũng khiến mặt bằng giá xuống thấp. Theo ông Đạt, ngành chăn nuôi heo năm nay khó khăn, giá bán thường xuyên dưới giá thành do sức mua yếu. Các trại nuôi cũng rất vất vả trong phòng chống dịch bệnh, chủ yếu là tả heo châu Phi gây ra hao hụt lớn, đẩy giá thành tăng cao. Đặc biệt, hiện thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng thịt heo đã về 0% và chỉ 2 năm nữa, gần như toàn bộ chủng loại heo nhập khẩu sẽ về 0% nên sức ép cạnh tranh rất lớn. "Chúng ta cần chặn đứng nguồn thịt heo nhập lậu. Đối với hàng nhập khẩu chính ngạch cũng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng”, TS Đạt nêu.

Mới đây, ngày 18/1, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT về tình hình heo nhập lậu qua biên giới. Hiệp hội cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo nhập lậu vào trong nước thông qua một số cửa khẩu biên giới Tây Nam và Đông Nam Bộ. Theo tính toán, lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng heo trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg heo nhập lậu khiến người chăn nuôi trong nước cạnh tranh khó khăn, phải bán dưới giá thành, ngoài ra còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẩn thiết kiến nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để ngăn chặn nguồn heo nhập lậu trong thời điểm tiêu thụ cao điểm cuối năm và hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh lây lan.

Trong khi thịt lợn nhập về tăng, trên thị trường, lượng lợn đang được tiêu thụ khá chậm, mức giá thịt lợn hơi cả nước đang ở mức gần 53.000 đồng/kg, trong đó giá heo hơi tại miền Bắc đang tăng cao hơn. Mức giá này được cho là tăng, nhưng sức mua thấp, nguồn cung - cầu trong nước cũng đang cân bằng, thậm chí cung đang vượt cầu nên trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giá thịt lợn khó tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, lượng heo nhập lậu từ Campuchia cũng đang về rất nhiều, cạnh tranh với thị trường nội địa khiến cho giá heo khó có thể tăng lên được.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích: "Cả năm 2023 vừa qua, trừ mỗi tháng 6 là giá heo tương đối tốt, còn lại 11 tháng thì giá heo hơi dưới 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, những trại heo chăn nuôi bình thường cũng đã lỗ rồi, những trại bị dịch bệnh đe dọa lại càng khó khăn hơn. Khoảng 1 tuần nay, giá heo hơi đang tăng lên khá tốt, đây được xem là cơ hội để tạo động lực cho người chăn nuôi có thể duy trì sản xuất".

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thit-nhap-lau-khien-nguoi-chan-nuoi-gap-kho-i720902/