Thịt của đá

Thư nhanh chóng chìm vào giấc mộng. Trong giấc mộng đẹp, Thư thấy mình được con khỉ đột dẫn đường xuống Tat Bân. Thư nhanh chóng lấy được sằn chíu sá đem về. Thư leo trở lại trên ngọn núi. Đứng trên ngọn núi cao nhất Thư khum hai bàn tay lại đưa lên miệng hét một câu thật lớn 'Tôi lấy được tim gan của trời rồi'.

Ông Cóc Loòng bị bệnh viện tỉnh trả về làm những người trong họ Lưu ai nấy đều mang vẻ mặt đưa đám. Đã từ lâu ông Loòng không chỉ là con dòng họ Lưu, ông đã trở thành người con chung của cả làng Nà Luông. Vào ngày Tết, căn nhà sàn năm gian của ông không đủ chỗ để chân, tiếng cười nói đông không kém gì phiên chợ cuối năm. Giờ ông bệnh tật thì ai chẳng lo lắng.

Xen lẫn trong những câu hoảng hốt vô nghĩa, bi quan là những câu chuyện tính toán của những con người có kiến thức. Phải chữa trị cho bố Loòng thế nào đây? Bệnh viện đã trả về, thuốc nam thuốc bắc liệu có còn tác dụng? Lời của vị bác sĩ vẫn còn văng vẳng bên tai Thư trước khi đưa bố ra viện.

“Về nhà bác Loòng muốn ăn gì thì cố mà mua, làm cho bác ăn. Đừng nên tiếc gì với bác”. Thư hiểu ý của bác sĩ. Bác sĩ đã nói vậy thì nhất định bố sẽ không còn sống được bao nhiêu lâu nữa. Nhưng Thư là người không dễ dàng chấp nhận sự thật đau lòng này. Còn nước còn tát. Biết đâu lại có cây thuốc thần dược nào đó…

Thư bàn với những người trong dòng họ để thống nhất cách chữa trị cho bố. Thư tuy là con nuôi nhưng anh là người có kiến thức hiểu biết hơn hẳn những người con nuôi của ông Loòng, được ông tin tưởng lắm. Thư biết căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối thì liệu có thuốc gì để chữa trị khỏi. Người ta mách cho cây thuốc nào, những người con của ông cũng tìm cho bằng được để ông uống thử.

Minh họa: Đỗ Dũng

Gần đây có người mách với Thư “đã cho ông ăn sằn chíu sá chưa?”. Thư lắc đầu không hiểu sằn chíu sá là cái gì. Nó trông ra sao? Nó có phải là cây thần dược chữa bách bệnh không? Nhưng rồi Thư biết sằn chíu sá không phải là cây thảo dược. Nó là thứ hiếm, Thư chỉ nghe nói, chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy. Nó là thịt của đá. Và thứ thịt này chỉ xuất hiện sau cú sét đánh vào tảng đá lớn làm nó nứt đôi. Từ trong kẽ nứt một thứ dẻo như kẹo mềm màu đỏ đùn ra. Đó chính là thịt của đá.

Xong không phải hòn đá nào bị sét đánh trúng nứt ra đều có thịt của đá. Thịt của đá đùn ra từ kẽ nứt ở mặt lưng chừng núi. Con người có thể nhìn thấy nhưng rất khó lấy được. Ngay cả loài khỉ, vượn giỏi leo trèo mà chưa qua được chỗ có thịt đá xuất hiện. Không có loại thang nào đủ dài để cho con người có thể trèo lên lấy thịt của đá được. Lấy đắng lình còn dễ hơn cả trăm lần lấy thịt của đá. Có phải vì thế mà người đời gọi thứ thịt đá kia là thịt, là máu, là gan của trời, những người đang mang trong mình trọng bệnh chỉ cần ăn vài lát thịt của đá đem hầm với nấm thì sẽ khỏi bệnh.

Sằn chíu sá là loại thịt hiếm có trên đời. Và không phải ai cũng có cơ duyên nhìn thấy. Ngay cả bác Vài, người chuyên tìm những điều kỳ lạ sau những trận mưa lớn, lốc to, sấm chớp mấy chục năm nay mà chưa bao giờ có được một mẩu thịt của đá. Và bác Vài cũng chưa nghe được ở chỗ nào có sằn chíu sá. Bây giờ có người mách với Thư loại thịt gan của trời kia, anh như người đang khô khát bỗng dưng nhìn thấy nguồn nước trước mặt mình.

Sằn chíu sá hiện đang xuất hiện trên ngọn núi nào? Thư hỏi người đứng trước mặt mình. Người đó nói với Thư sằn chíu sá hiện đang có trên núi Phả Đin. Thư hỏi người đàn ông có mái tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, núi Phả Đin ở chỗ nào. Nhưng người đàn ông thoát tục kia đã bước đi thật xa. Thư vùng vằng chạy theo người đàn ông nhưng vấp phải cành cây chắn ngang trước mặt, ngã dúi dụi. Cú ngã đau làm anh tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ này đã mở ra cho Thư một cuộc hành trình tìm kiếm đầy gian lao thử thách ở phía trước.

*

Đứng trước ngọn núi cao chót vót, bốn bề vách đá dựng đứng, anh thấy mình thật nhỏ bé. Đây đúng là ngọn núi mà Thư thấy trong mơ. Một ngọn núi cách xa những bản làng. Nó cao và chiếm một khoảng không gian rộng lớn. Thư đi một vòng quanh quả núi vừa mất đúng một buổi sáng. Thư đã cố ngẩng hết mặt mức có thể, nhưng dường như ngọn núi vẫn trên đỉnh đầu mờ trong sương.

Thư không thể nào tin nổi kết quả xét nghiệm máu của bố nuôi mình. Những khối u ác tính trong máu đã được tiêu trừ. Ông Loòng giờ đã khỏe mạnh như bao người khác. Hằng ngày nhà ông lúc nào cũng đông khách, người đến cân mệnh, người đến xem ngày cưới, xem ngày động thổ làm nhà, cải táng mồ mả. Cái nghề xem số, cân mệnh, tính toán hạn cho con người, cách giải hạn cho con người không phải ai cũng có thể học được. Thư là người có căn. Nó là thằng nhanh nhạy, biết tính toán. Nó chỉ xem ông vài lần là biết bấm đốt trên đầu ngón tay, đọc khẩu quyết như đọc thuộc lòng mà đôi khi không cần phải nhẩm đi nhẩm lại. N

hưng nó đang làm công việc nhà nước, không biết nó có chịu theo cái nghề của ông không? Ông chưa thăm dò ý kiến của nó. Nó cũng chưa bao giờ hỏi ông hoặc có thái độ muốn học hỏi những điều ông tâm huyết cả đời. Như thế lại hay. Bởi làm việc này cần những người vô tư, độ từ bi bác ái càng cao thì việc xem càng chính xác. Người càng có thiện tâm càng phát huy được trí tuệ do trời phú mà có được cơ may cứu nhân độ thế.

- Thư à, bố đã xem qua tất cả những người con người cháu trong dòng họ Lưu, nhưng không ai có thể thay thế cái việc của bố đang làm.

- Không có người có thể kế thừa di nguyện của bố được sao?

- Có, trong số những con nuôi của bố, có một người bố có thể tin tưởng giao trọng trách lớn.

- Là ai có được cơ duyên kế thừa việc cứu nhân độ thế của bố thế?

- Người đó chính là con đấy Thư ạ.

- Là con sao?

- Phải.

- Nhưng con…

- Bố biết con đang làm công việc nhà nước. Con là người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, không mấy tin vào những chuyện duy tâm. Nhưng ranh giới giữa duy tâm và duy vật chỉ mỏng như tờ chỉa ra thôi con ạ. Có việc người cho đó là duy tâm, người cho đó là duy vật.

- Điều đó con biết bố ạ.

- Bố chỉ nói với con vậy thôi. Bây giờ con còn làm việc. Nhưng con vẫn có thể xem cho người ta vào những ngày nghỉ mà.

Ông Loòng trở về từ cõi chết, những người trong dòng họ Lưu rất cảm kích Thư. Họ coi Thư như người thân, máu mủ ruột rà. Thư thấy trong lòng như có hàng trăm hàng ngàn bông hoa nở rộ. Nhưng để chữa khỏi bệnh cho bố nuôi, những người trong dòng họ Lưu đã không biết Thư đã suýt bị Diêm Vương sai dạ xoa đón đường. Nhớ lại buổi đi lấy sằn chíu sá, Thư thấy toàn thân nổi gai ốc.

*

Ngày đầu thu, nắng như dát vàng trên mặt đất. Thư cùng nhóm người ưa mạo hiểm bắt đầu leo lên ngọn núi Phả Đin. Cuộc hành trình chậm hơn nhiều so với dự tính. Những mỏm đá răng mèo không thể đâm thủng đôi giày ba ta được thiết kế đặc biệt cho việc leo núi cao hiểm trở. Đế giày làm bằng chất liệu xốp pha với cao su tự nhiên làm tăng độ bền, độ co giãn của giày. Dẫu đá có nhọn hơn cả khéo mèo cũng không thể đâm thủng đế giày dày gần hai đốt ngón tay, mặt đế đầy những chiếc gai sẵn sàng bám chặt vào những kẽ đá. Khi những người vần được sáu cuộn dây cáp lên tới ngọn Phò Phùa thì mặt trời đã chếch về tây.

- Lên người không thì đến đỉnh từ đời nào rồi - Một người nói.

- Phải, tại mấy cuộn dây cáp này nên mới lên núi chậm hơn cả rùa bò trên thành xi măng trơn trượt - Một người khác nói.

- Cuộn dây cáp này đâu có nặng lắm đâu - Một người khác nữa tỏ ra mình vẫn là người khỏe mạnh.

- Các anh đều là những nhà leo núi chuyên nghiệp mà không hiểu chuyện sao? Cuộn dây cáp không nặng, nhưng chúng ta khuân nó lên núi thì phải nặng gấp mấy lần đi trên đất bằng.

- Vẫn là anh Thư là người sành sỏi nhất. Bọn em tuy leo núi chuyên nghiệp nhưng không thể sánh với con ma núi như anh được.

- Ma với quỷ gì ở đây. Mọi người không thấy con ma đói đang hành chúng ta à?

- Mày nhắc đến tao thấy không chịu được rồi. Chúng ta ăn cơm thôi. Với đà này không chừng chúng ta qua đêm trên núi mất.

Thư cùng những người bạn giở cơm nắm, bánh mỳ quệt bơ sữa, xúc xích ra ăn. Ở trên ngọn núi cao chót vót bốn bề gió lộng không khí thật khoáng đạt. Không gian như được trải rộng, con người cảm thấy mình thật nhỏ bé trước cảnh núi non hùng vĩ. Họ quây quần bên nhau vừa ăn vừa nói chuyện phiếm. Tiếng cười nói vui vẻ, họ không biết được rằng nhiệm vụ nặng nề, khó khăn vất vả gian lao đang đợi họ ở phía trước.

Ôi! Chúng ta đang ngồi ở đâu đây? Thư khẽ thốt lên. Và những người bạn thân của anh cũng ngạc nhiên không kém gì anh. Trước mặt họ là một chiếc bàn đá hoa cương tròn nhẵn như một cái nong lớn. Và dưới chân của họ là những chiếc ghế đá nhẵn thín như hằng ngày vẫn có người ngồi vậy. Có người há hốc mồm trước cảnh lạ. Ở trên đỉnh núi cao chót vót mà lại có được mâm ghế đá, thật không thể nào tưởng tượng được. Những con người trần tục, trong mỗi người ngầm toan tính dự định hơn thiệt trong cuộc sống bỗng chốc thoát tục trở thành những vị thần tiên ung dung tự tại. Những chuyện đời thường đã được gạt bỏ sau lưng. Giờ đây họ đang trong Tiên cảnh. Và trong tâm khảm của mỗi người chỉ ước khung cảnh này kéo dài, kéo dài mãi mãi…

Nhìn theo phía phát ra tiếng động, Thư nhìn thấy một chú khỉ đột to như con chó Mích Ky Bớt (con chó lai của nhà Thư) đang nhởn nhơ nhìn các anh. Có lẽ mùi thức ăn thơm lừng đã thu hút con vật đang đói tiến lại gần. Không ngần ngại Thư tiện tay ném quả táo về phía con khỉ đột. Con khỉ nhanh như chớp, nó vung tay một cái, quả táo đã nằm gọn trong tay rồi. “Giỏi quá. Nhanh quá. Xuất sắc quá. Cứ y như con vật được luyện tập thường xuyên vậy”. Tất cả cùng thốt lên đầy vẻ thán phục.

“Này ăn nữa nè. Ăn rồi nhớ dẫn đường cho bọn tao con đường ngắn nhất, dễ nhất đến Tat Bân nhé”. Thằng Nhíu miệng nói tay ném những quả táo xanh về phía con khỉ. Đôi tay của con khỉ như chiếc rổ lớn. Bạn của Thư ném bao nhiêu táo, thức ăn về phía vực mà không hề rớt rát ra ngoài, dù chỉ một mẩu nhỏ. Con khỉ sau khi đón nhận những món quà từ tay những người bạn, nó vẫn nhẩn nha đùa nghịch trên một cái cây lớn. Có lẽ con vật này hiểu được lời nói của con người. Ăn no nó có thể đi nơi khác tìm một cái hang đá nào đó để nghỉ ngơi. Đằng này nó vẫn đợi bọn Thư, không những thế nó còn chăm chú theo dõi bọn của Thư đang nối những cuộn dây cáp lại với nhau.

Khi bọn người Thư nối xong những cuộn dây cáp đã gần hết buổi chiều. Vậy là không thể xuống Tat Bân được nữa. Đêm nay bọn người Thư phải qua đêm trên núi rồi. “Thôi chú mày mai dẫn đường bọn tao nhé. Bây giờ muộn rồi, bọn tao không thể xuống đó được nữa. Tối nay chú mày lại đến nhé, bọn tao mời chú mày ăn cùng”. Thằng Hưởng nói với chú khỉ đột. Con Khỉ như biết nghe tiếng người, nó liền rung cành cây mấy cái rồi nhảy một cái liền biến mất tăm.

Ông mặt trời lăn vòng cuối cùng xuống ngọn núi xa phía tây, bóng tối ập đến nhanh như một ngọn gió. Bọn người Thư đưa thức ăn ra phía mỏm đá xa cho con khỉ rồi quây quần bên mâm đá ăn bữa tối. Mấy người nhanh chóng tìm được một chiếc hang đá gần ngọn núi. Lạ chưa, trong hang đá vừa vặn tám chiếc giường đá. Như có ai đó biết có đoàn leo núi đến đã khéo sắp đặt vậy. Một đêm trên những chiếc giường tiên thật ngon giấc. Không thể làm gì với bóng tối ken dày trong hang đá ấm, bọn người Thư đi ngủ sớm hơn mọi ngày.

Thư nhanh chóng chìm vào giấc mộng. Trong giấc mộng đẹp, Thư thấy mình được con khỉ đột dẫn đường xuống Tat Bân. Thư nhanh chóng lấy được sằn chíu sá đem về. Thư leo trở lại trên ngọn núi. Đứng trên ngọn núi cao nhất Thư khum hai bàn tay lại đưa lên miệng hét một câu thật lớn “Tôi lấy được tim gan của trời rồi”.

Tiếng thét của Thư làm những người bạn tỉnh giấc. Thư cũng kịp tỉnh cơn mộng đẹp. Ngoài kia bóng tối vẫn đang bao phủ. Những cơn gió vẫn thổi ù ù làm lung lay những cành cây, kẽ lá ngoài cửa hang. Những người bạn lại đặt lưng trên chiếc giường đá ấm. Nhưng chẳng ai có thể ngủ say được nữa. Nghe tiếng trở mình của những người bạn Thư biết điều đó. Và anh tự trách mình. Giá như anh không hét lên có lẽ đêm nay sẽ là đêm ngon giấc, đêm có giấc mộng đẹp của những người bạn đồng hành. Nhưng làm sao Thư có thể kiểm soát được bản thân trong giấc mộng?

Và ánh bình minh cũng chậm chạp bò đến trong hang. Họ nhanh chóng thu dọn túi ngủ chuẩn bị ăn sáng để còn leo xuống Tat Bân. Họ lấy đồ ăn sáng trong túi ra bày trên mâm đá hoa cương. “Chú khỉ hôm qua đâu rồi nhỉ?”. “Ừ đúng rồi, nó đi đâu rồi?”. Bọn người Thư đang bàn tán rôm rả, không biết chú khỉ đột đã đi đâu thì bất chợt có tiếng động của lá trên cây Phăng Phia. “Chú mày đây rồi. Ăn sáng rồi dẫn bọn tao xuống Tat Bân nhé”. Thằng Hưởng vừa nói vừa ném thức ăn, hoa quả cho con khỉ.

Một mỏm đá hình cối xay đã được bọn người Thư chọn làm nơi cuốn dây cáp. Sau khi kiểm tra sự an toàn tuyệt đối, Thư buộc dây cáp vào ngang bụng, thắt dây bảo hiểm cho chắc chắn. Con khỉ đột dường như cũng biết được con người đã sẵn sàng, nó lập tức nhảy hai cú tìm nơi trượt xuống cái Tát phẳng lỳ, họa hoằn chỉ có vài chỏm đá nhỏ nhô ra để làm nơi cho con người bám vào. Từng vòng, từng vòng sợi dây cáp được mấy người chầu chực bên cối đá trên đỉnh núi nhẹ nhàng cơi lỏng. Người ta dùng tiếng hú thay cho những câu hỏi. Hú một tiếng để hỏi có an toàn không, hai tiếng hú có nghĩa sắp đến nơi chưa, ba tiếng hú lấy được thịt của đá, bốn tiếng hú mấy người dùng lực kéo thật mạnh, thu hồi dây cáp kéo Thư lên.

Thời gian trôi đi, mấy người chầu chực quanh cuộn dây cáp chỉ nghe được một, hai tiếng hú đáp lại. Cuộn dây cáp cuốn quanh mỏm đá chắc chỉ còn lại mấy vòng mà Thư vẫn chưa báo mình đã đến nơi thịt núi đùn ra. Con khỉ đột dẫn đường thoắt ẩn thoắt hiện, có lúc tưởng như nó đã bỏ rơi Thư một mình trên cái Tát phẳng. Rặt một màu đá trắng, nhẵn thín. Song ở trên cái Tát dài tám dặm này lại có vài ba con đường mà lũ khỉ thường xuyên qua lại. Chứng kiến những con khỉ đuổi nhau trên Tát người ta cảm thấy năng thua thỉu (như ngàn cân treo sợi tóc), sơ sểnh một cái là thịt nát xương tan.

Con khỉ đi đâu rồi nhỉ? Thư đang nhẩm tính không biết trượt theo hướng nào để đến nơi có thịt của đá, bỗng từ trong một cái khe núi khẹc khẹc khẹc vọng ra, rồi cái đầu con khỉ đột ló ra nhìn anh như cười như đang muốn nói với anh điều gì đó. Hóa ra ở ngay giữa cái Tát lại có một khe đá. Sâu trong đó là một cái hang đá rộng lớn. Ba tiếng khẹc khẹc khẹc của con khỉ đột ngay trước mặt làm Thư giật mình. Mỏm đá anh bám tay vào không chịu được lực lớn đã bứt ra khỏi đá mẹ. Theo quán tính, Thư lăn về phía con khỉ đột, sợi dây cáp căng ra hết mức. Thư lắc đi lắc lại như quả lắc đồng hồ. Thư không biết phải làm thế nào để giữ nguyên một chỗ. Mặc dù mặc mấy cái áo, nhưng những cú đu đưa lăn mình vào đá làm mình anh đau nhức nhối.

Thư không dám nhìn xuống chân núi, dưới anh là vực sâu hun hút. Không thể nghĩ sâu xa hơn được nữa, Thư rút con dao giắt trong người ra lựa một khe đá cắm thẳng vào, khi đó cả người và sợi dây cáp mới chần chừ dừng lại. Những người bạn ở trên núi hú nhiều lần mà không thấy tiếng hú đáp lại. Họ lo sợ thật sự. Song họ không thể trượt xuống theo đường dây cáp. Dây cáp không chịu được sức nặng của hai người. Nếu có chịu được thì những người còn lại sẽ không thể kéo được hai người lên cùng một lúc được. Họ đành phải chờ đợi trong lo âu.

Hú hú hai tiếng cất lên. Những người bạn mới thấy yên tâm. Cách hang đá mười sải tay là đến nơi có sằn chíu sá. Nhưng giờ Thư đang ở trước cái khe chỉ đủ thân người lách qua để vào cái hang đá rộng lớn. Mình Thư dẻo và khéo như một chú tắc kè hoa, sau vài động tác anh đã vào được trong hang. Và anh đã giật mình đến kinh ngạc, không ngờ trong hang lại có ánh sáng. Mà anh không biết ánh sáng bắt nguồn từ đâu rọi tới. Những giường đá, ghế đá, bàn đá muôn hình muôn vẻ hiện ra trước mắt. Đây là không gian thực hay ảo?

Thư dụi mắt, mọi vật lại hiện lên rõ mười mươi. Trên những cái giường đá, Thư còn thấy huyết lình chất đống, có cái mới, có cái đã đen bởi nhuốm màu thời gian. Thứ này quả là hữu dụng, anh lấy dao tách lấy huyết lình bám trên giường đá bỏ vào trong túi nải. Con khỉ đột khẹc khẹc ngoài cửa hang như giục anh đến nơi có thịt của đá. Thư cảm thấy tiếc nuối, trước khi ra khỏi miệng hang Thư còn ngoảnh đầu lại ba lần. Nơi đây đẹp đấy nhưng anh sẽ không còn có dịp quay lại lần thứ hai. Đây là chuyến đi mạo hiểm nhất trong đời của Thư. Sau này mỗi lần có dịp nhớ lại, anh đều thấy rùng mình.

Thư đã nhìn thấy sằn chíu sá gần lắm. Anh cẩn thận nhấc từng tý một theo đường xiên parabol chúc xuống. Càng gần đến nơi, những mỏm đá nhô ra cũng ít dần, thành thử Thư rất khó khăn trong việc lấy thứ mà người đời nói là thịt là gan là tim của trời này. Nhưng rồi anh cũng đến được nơi cần đến. Tìm được điểm tựa chắc chắn, thắp hương, cầu khấn thần linh, anh nhẹ nhàng rút con dao đã cong vênh méo mó ra để rạch lấy sằn chíu sá. Và lạ chưa, đường dao ngọt của anh đi đến đâu, một dòng máu đỏ chảy ra đến đó. Thư lấy ba miếng thịt lớn bỏ vào trong túi nải. Nhìn lại thịt của đá chỉ còn loang loáng dính chặt vào khe nứt của tảng đá trắng trơn. Bốn tiếng hú được Thư dùng hết sức gọi lớn. Những người bạn chỉ cần nghe vậy dùng hết sức thu dây cáp về.

*

Ké Cóc Loòng đã có thể đi lại được như người bình thường. Ké ăn hết ba miếng thịt của đá hòa với huyết lình hầm với thịt gà mái tơ cảm thấy trong người có một sức mạnh phi thường. Soi trong máu ké không còn phát hiện những tế bào ung thư. Họ muốn lấy sằn chíu sá để nghiên cứu. Nhưng phần thịt của đá Thư lấy về ké Loòng đã ăn hết. Muốn có chỉ còn cách quay lại núi Phả Đin. Nhưng ai là người có cái mật, cái gan to như quả bí đao dám mò xuống Tat Bân lần nữa?

Bây giờ Thư cùng đoàn người hơn hai chục người với những phương tiện máy móc hiện đại đứng dưới chân núi Phả Đin. Trước khi leo lên núi, có người trong đoàn lấy ống nhòm ra ngắm ngọn núi thiêng sừng sững trước mặt với cảnh đẹp mê hồn.

- Anh Thư ơi, thịt của đá nằm ở vị trí nào vậy? Có người hỏi Thư.

- Ở cái Tat cao nhất, dài nhất, rộng nhất, phẳng nhất ấy. Thư trả lời.

- Đâu, sao không nhìn thấy?

- Đưa ống nhòm đây xem nào.

Thư để hai mắt vào ống nhòm hướng vào Tat Bân. Vị trí anh lấy sằn chíu sá đây rồi. Nhưng thịt của đá đã biến mất không để lại vết tích. Khe nứt của đá cũng đã liền một khối, y như vết thương con người qua thời gian đã liền miệng vậy. Thư hú hú vài tiếng cũng không thấy tiếng con khỉ đột đáp lại. Đoàn người buồn bã ra về. Mỗi người một tâm trạng. Chỉ có Thư là người đang bước chân đi cảm giác vừa thực vừa mơ ảo.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/thit-cua-da-i727396/