Thiếu tướng Hồ Việt Lắm và 3 năm trong sào huyệt địch - kỳ 2: Ván cờ cao tay trong cuộc chiến chống bọn phản động Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh

Một ván cờ cao tay đã được những nhà lãnh đạo an ninh quốc gia chủ động bày ra để vừa đập tan âm mưu phá hoại của địch, vừa buộc chúng tung hết lực lượng về nước để ta “đón” vào trại giam, vừa khai thác lực lượng phản động còn ẩn lại trong nội địa. Để bảo đảm chiến thắng ngoạn mục trong “ván cờ” thú vị này, ta cần có những quân cờ xuất sắc, luồn sâu vào “ruột” của đối phương. Ông Hồ Việt Lắm đã được chọn vào vai trò nguy hiểm ấy với mật danh “Kinh Kha quốc nội NK.A2”.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm (ngoài cùng, bên phải) trong 1 buổi giao lưu “CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Ván cờ cao tay

Toàn bộ vụ xâm nhập đã được nhanh chóng báo cáo về trên. Máy điện đài và nhân viên viên điện đài của nhóm xâm nhập sau khi được Mười Lắm giáo dục, cảm hóa cũng được giao cho Bộ Nội vụ. Để rồi một “chuyên án”, sau nâng tầm lên thành “kế hoạch” mang tên “Kế hoạch CM-12” được những nhà lãnh đạo an ninh quốc gia vạch ra với mục tiêu “lưới” cho bằng hết lực lượng, phương tiện chống phá nước ta của bọn Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh.

Hai “đồng Chủ tịch” của cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh hí hửng nâng rượu sâm banh ở một nhà hàng sang trọng ở nước ngoài sau khi nhận được điện bức điện từ Cà Mau “đã xâm nhập an toàn”. Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh không thể biết rằng, toàn bộ nhóm xâm nhập đã bị bắt và 2 “đồng Chủ tịch” đang được “mời” vào chơi ván cờ mà cứ mỗi nước đi là mỗi lần Túy - Hạnh thua đau, nhưng lại không biết mình thua, cho tận tới ngày bị “chiếu bí” họ mới ngỡ ngàng nhận ra an ninh Việt Nam quá giỏi!

Lê Quốc Túy thuở nhỏ đi học tại Trường Tiểu học Hồng Ngự (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sau đó sang học tại An Giang. Hết tiểu học, Túy lên Sài Gòn học trung học tại Trường Pétrus Ký. Năm 1950, ông thi đậu tú tài 1. Năm 1953, sau khi thi trượt tú tài 2, Túy tình nguyện gia nhập không quân Pháp. Khoảng một năm sau, Túy được đưa đi đào tạo lớp phi công ở căn cứ 707 tại Marrakech (Maroc), thuộc địa của Pháp. Năm 1956, Lê Quốc Túy trở về Việt Nam và phục vụ tại Đệ nhất Phi đoàn Vận tải số 3 Tân Sơn Nhất.

Tháng 5.1958, Túy giải ngũ và làm huấn luyện viên phi công cho Nha Hàng không dân sự. Cuối năm 1958, Lê Quốc Túy cùng vợ và hai con xuất cảnh sang Pháp, rồi xin nhập quốc tịch Pháp và ở luôn bên Pháp. Sau đó, Túy có học thêm đại học và tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại Paris. Đầu năm 1975, Túy về miền Nam Việt Nam với ý định chen chân vào chính trường miền Nam trong giai đoạn rối ren chính trị, để rồi bị kẹt ở lại Sài Gòn khi quân Giải phóng tiến vào thành phố. Đến tháng 7.1975, Túy xuất cảnh trở lại Pháp vì mang quốc tịch Pháp.

Còn Mai Văn Hạnh xuất thân trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Lớn lên, Hạnh gia nhập lực lượng hải quân của quân đội Sài Gòn, mang lon trung úy. Rồi Hạnh sang Pháp, lấy vợ Pháp, nhập quốc tịch Pháp và đi học nghề lái máy bay, làm phi công cho Hãng Hàng không AirFrance của Pháp. Hạnh quen biết Túy trong thời gian học lái máy bay.

Sau ngày miền Nam giải phóng, một số tổ chức người Việt lưu vong âm mưu tổ chức lực lượng trở về chống phá cách mạng nước ta. Liên minh Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh là nổi bật hơn cả, chúng vận động được nhiều hậu thuẫn của các thế lực phản động khác. Nhiều nhóm phản động người Việt lưu vong khác quan tâm theo dõi kết quả của nhóm Túy - Hạnh, nếu xâm nhập về nước thuận lợi, họ sẽ hưởng ứng. Nhiệm vụ của toán “Minh Vương 2” là xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng ở trong nước theo kế hoạch “Hồng Kông 1”.

Cụ thể là sau khi đã xâm nhập Việt Nam thì tổ chức tiếp nhận người và vũ khí từ nước ngoài chuyển về các chuyến sau, đưa vũ khí đó về các địa bàn hoạt động. Toán này còn có nhiệm vụ tổ chức phá hoại, ám sát cán bộ ở các mục tiêu: trụ sở các cơ quan của Đảng, Chính quyền, công an, bộ đội, nhất là Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TPHCM, các cơ sở công nghiệp, điện, nước, kho xăng Nhà Bè, cầu cống, các trại cải tạo... Chúng dự kiến sẽ dùng tiền thuê bọn bụi đời, bọn tù được thả về, ngụy quân ngụy quyền cũ; giao vũ khí, mìn để bọn này làm những việc phá hoại. Do phạm vi, đối tượng đấu tranh của CM-12 đã vượt tầm cỡ một “chuyên án”, mặt khác, do các đối tượng đấu tranh lại không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn mang tính chính trị hết sức nhạy cảm, nên đến đầu tháng 6.1981, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng gọi đây là “Kế hoạch CM-12”.

Để thực hiện “Kế hoạch CM-12”, cần có sự phối hợp đồng bộ, tổ chức khoa học, giữ bí mật tuyệt đối từ cấp huyện, tới tỉnh và cấp Bộ. Trong đó, cần thiết phải chọn vài cán bộ cốt cán làm “người” của băng nhóm phản động để luồn sâu, nắm chắc từ trong ruột của chúng. Ông Mười lắm là 1 trong 2 cán bộ nói trên đã “hóa thân” thành “biệt kích phản động” với mật danh NK.A2 (Kinh Kha quốc nội số 2).

Hòn Đá Bạc, nơi ghi chiến công vang dội của ông Mười Lắm và đồng đội.

Những cú điện đài “như thật”

Ông Mười Lắm kể: “Sau khi tôi làm việc, động viên nhân viên điện đài của nhóm “Minh Vương 2”, chúng tôi đã bàn giao người và phương tiện cho Bộ tiếp tục khai thác, xử lý”. Nhân viên điện đài và nhiều đối tượng khác trong nhóm được ta đối xử tử tế, giáo dục lẽ phải, đã tự nguyện hợp tác với công an Việt Nam để “lấy công chuộc tội”. Trong số họ, nhân viên điện đài có vai trò rất quan trọng, suốt một thời gian dài sau đó giữ liên lạc trôi chảy với các “đồng Chủ tịch” giống như thật!

“Kế hoạch CM-12” đã được khởi động với phiên liên lạc đầu tiên của “Tổ đặc biệt” với “Trung tâm” vào lúc 21 giờ ngày 25.5.1981, bằng một bức điện ngắn có nội dung như sau: "Tất cả đều an toàn và công tác đang xúc tiến. Vũ khí đã chôn giấu xong. Cần thêm cán bộ thành và tiền bạc. Hẹn 20 giờ ngày 28.5.1981 lên máy". Trung tâm của địch cũng chuyển cho "Tổ đặc biệt" một bức điện: "Tàu đã về tới B. vô sự. Ngày giờ khởi hành chuyến thứ nhì sẽ cho biết sau. Tổng đài sẽ trực máy theo giờ quy định".

Vậy là “đầu đã xuôi”, nhóm Túy - Hạnh ở nước ngoài không mảy may nghi ngờ gì về chuyến đột nhập của đám thuộc hạ. Sau cuộc liên lạc giữa CM-12 và “Tổng hành dinh” đã được “nối”, ta chuẩn bị kế hoạch đón chuyến xâm nhập mới của địch. Kế hoạch được vạch ra rất khẩn trương và được báo cáo lên đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng. Lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu yêu cầu của Kế hoạch CM-12 là: Thu hút, bắt hết các lực lượng xâm nhập theo kế hoạch của ta. Đồng thời thông qua bọn Túy - Hạnh, ta sẽ phát hiện, bóc gỡ hết lực lượng phản động bí mật của chúng còn cài lại ở trong nội địa.

Từ công tác đấu tranh phản gián trong Kế hoạch CM-12 ta cần nắm cho được toàn bộ âm mưu của các thế lực thù địch với cách mạng nước ta. Bảo đảm an toàn tuyệt đối an ninh của đất nước, kiên quyết không để cho địch phá hoại. Trong khi đó, các yêu cầu của “chủ tịch” Lê Quốc Túy đều được “tổ công tác đặc biệt” thi hành một cách “nghiêm chỉnh” nhưng cũng làm cho Túy hiểu là không phải hoàn toàn dễ dàng.

Trong các bức điện gửi cho “Tổ đặc biệt”, Lê Quốc Túy cho biết ý đồ của bọn chúng là định cho 3 chuyến xâm nhập vào vùng biển Cà Mau trong tháng 9.1981 với khối lượng vũ khí khoảng 40-50 tấn. Ngày 25.8.1981, trung tâm địch gửi một bức điện hỏi “Tổ đặc biệt” là “trong đêm có thể đổ hai bãi cùng một lúc được không, khoảng 15 tấn 2 tàu”. Cũng trong bức điện này, chúng còn yêu cầu K64 chuẩn bị một địa điểm an toàn tạm trú cho “6 cán bộ thành”.

Tiếp theo, trong phiên liên lạc vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 31.8.1981, trung tâm địch thông báo cho “Tổ đặc biệt” 2 tàu xâm nhập sẽ khởi hành vào ngày 6.9.1981. Bằng các biện pháp nghiệp vụ độc lập, ta cũng nắm được quá trình chuẩn bị, tên tuổi cụ thể số “cán bộ thành” sắp xâm nhập và chỉ huy chuyến xâm nhập này là T.N.C, có ám danh là K19. Sau khi nghiên cứu kỹ, ta quyết định chọn các bãi đổ cho Kế hoạch CM-12 ở vùng phía tây mũi Cà Mau, nơi có nhiều luồng lạch và thường lặng sóng, chứ không sình lầy nhiều như vùng phía đông.

Qua một bức điện của Lê Quốc Túy gửi cho CM-12, hắn tỏ ra rất phấn khởi và rất muốn vào “quốc nội” để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của chúng. Ngày 10.5.1982, Lê Quốc Túy điện cho biết là: “C4 và C5 (tức Túy và Hạnh) sẽ vào cuối tháng với 12 K và 8,5 tấn phân gồm 630 cục đá. Chương trình 5 hôm, ngoài việc gặp với các tổ, mỗi tổ 3 giờ, phải dự trù nửa ngày cho C.5 S.G ( Lê Quốc Quân) và bác Tư (Huỳnh Vĩnh Sanh). Riêng cậu Út và thím Ba một ngày. Nếu có thể bố trí cho tổ N.C.B, A.Đ. và C.T lưu lại trong suốt thời gian nói trên. Sắp đặt không cho các tổ biết nhau. Sẽ xác định trước vài hôm ngày tới”.

Vậy là, ta đã “dụ” được các tên trùm phản động là Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đưa đầu về nước, theo cách bố trí “tiếp đón” của ta, do ông Trần Thế Phong (Tám Thậm, trong vai “Kinh Kha quốc nội” NK.A1) và Hồ Việt Lắm (Mười Lắm, trong vai “Kinh Kha quốc nội” NK.A2). Thậm chí, khi vào tới vùng biển Cà Mau, đích thân ông Mười Lắm đã cõng Mai Văn Hạnh qua mương sình lầy để đến điểm tạm trú. Các đồng chí lớn tuổi theo dõi cuộc đón tiếp từ xa sau đó đã “phân bì” với Mười Lắm: “Là đồng đội bao nhiêu lâu, tôi chưa được Mười Lắm cõng lần nào, vậy mà chú Mười lại nai lưng ra cõng tên trùm phản động”.

Kỳ cuối: Hạ màn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/van-co-cao-tay-trong-cuoc-chien-chong-bon-phan-dong-le-quoc-tuy-mai-van-hanh-377310.bld