Thiếu nữ Huế & tết

'Tết' - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Nhịp sống Huế. Ảnh: Văn Trung

Tết ở xứ Huế quê tôi thường đến sớm với những bà mạ và con gái của họ. Ấy là có năm khi trời còn đang sùi sụt với những cơn mưa dầm tháng Chạp thì trong bếp, những bà mạ Huế đã bắt đầu thực hành giáo trình dạy làm món tết cho những cô con gái của mình. Với những bà mạ Huế, có con gái khéo nữ công gia chánh là một niềm tự hào, tự trong sâu thẳm tâm hồn bà cũng là một sự yên tâm về việc con gái mình sẽ biết chăm lo cho gia đình nhỏ sau này. Ngày tết, món nào được khen là mắt mạ vui mừng, hài lòng, mắt con sáng long lanh, e thẹn.

Có người từng thán phục “Mỗi bà mạ Huế là một quyển sách sống dạy nấu ăn” khi chứng kiến cảnh những bà mạ dạy con vào bếp. Tôi nhớ có năm, nhỏ bạn tôi - nàng Tôn Nữ của Huế xưa - kể chuyện nhà bạn đang làm món mứt hột sen khô. Đó là món mứt công kỹ nhất và dễ nản lòng nhất vì quá mệt: Hột sen phơi khô cả vỏ, lúc ấy vỏ sen sẫm màu cánh gián, cứng như gỗ, mạ bạn phải dùng dao nhỏ chặt hai đầu hột sen, lột vỏ ngoài, dầm nước rồi mới lột được lớp vỏ lụa bên trong và soi tim sen. Lại dầm nước tiếp rồi mới cho hột sen vào hấp chín, tiếp đến thật nhẹ nhàng cho chừng hai mươi hột vào nồi nước đường sên đang sôi, áo nhẹ một lớp đường trong, rồi gắp từng hạt ra chiếc đĩa, lắc qua, lắc về cho đường thấm vào hạt sen, rồi mới sấy. Công kỹ thế nhưng bù lại món mứt hạt sen khô ấy vừa thơm, vừa bùi, ăn vào như tan trong miệng.

Những bà mạ Huế thường dặn các cô con gái của mình làm các món tết càng phải đặt hết cái tâm của mình vào, không chỉ ngon mà còn phải đẹp, trước để dâng cúng ông bà, sau nữa đãi khách hay tặng bà con. Mạ tôi biết làm hàng chục loại bánh, mứt, biết làm chả, làm nem, tré, thịt bò kho, nấu thịt đông, rồi làm dưa món, hành dầm giấm… Ban ngày mạ tôi đi làm, tối về hay ngày Chủ nhật mới bày ra làm món tết, căn bếp nhỏ đỏ lửa cho đến khuya, thơm phức khi thì mùi mứt gừng, bánh thuẩn, khi thì mùi bò rim, heo dầm. Các anh tôi cũng xuống bếp phụ họa, chỉ là để được nếm thử món này, món nọ, cả mấy mạ con cứ thủ thỉ quanh cái bếp.

Tôi không biết mạ tôi lấy đâu ra sức lực mà làm việc cả ngày, không hề kêu mệt mà lại còn thấy mạ vui. Dù một năm làm ăn vất vả, có lúc thiếu thốn nhưng ngày tết đến cũng có đủ tiền để lo tết cho gia đình, bày biện món này, món nọ với bà con xóm giềng, như nụ cười của người nông phu quên bao mệt nhọc khi ngắm nhìn cánh đồng lúa chín trĩu hạt. Những mùa tết của tôi và các bạn bè tôi với mạ cứ thế trôi qua, từ lúc là cô bé con đến khi là thiếu nữ xuân thì vẫn học hoài một bài học nấu nướng. Nhưng có lẽ cái cảm xúc tết nhất mà các nàng thiếu nữ Huế đều mong chờ là được đi chợ tết với mạ. Tâm hồn thiếu nữ tươi mới, vui vẻ với không khí rộn rịp, đông đúc của chợ nên những lời mạ dặn nghe câu được câu mất. Hồi ấy, đi chợ tết là phải đi chợ Đông Ba.

Chợ Đông Ba những ngày tết người chen nhau đi. Tôi theo mạ đi bộ lên Đập Đá rồi từ đó đi đò qua chợ Đông Ba. Mạ tôi bắt đầu bằng việc mua những món khô trước, nào là nấm khô, măng khô, nếp, đậu các loại, miếng dong, phù chúc... Hết hàng gia vị là sang hàng chiếu và gối. Tôi thích mua chiếu. Tết đến thay chiếu mới, lại thêm chiếc gối mới có thêu hoa, chiếc giường gỗ trông sáng rỡ ra và thơm tho. Bây giờ giường có nệm trải ga chứ hồi ấy, chỉ có chiếu. Tôi nhớ những chiếc chiếu Quảng Nam ở giữa có hình bốn quả đào tươi, bốn góc trang trí hoa văn, trông là thấy cả mùa xuân về.

Con gái thì phải làm đẹp. Ngày tết thời ấy, thiếu nữ Huế chỉ mơ có bộ đồ mới, đôi guốc mới, chiếc kẹp tóc mới, còn vẻ đẹp là tự nhiên. Không có son phấn như bây giờ, chiều tối ba mươi, sau lễ cúng rước ông bà về nhà ăn tết, dọn dẹp xong xuôi, nhà cửa gọn gàng, thời gian chờ đón giao thừa là các bà mạ Huế nấu một nồi nước bồ kết, lá dứa và chanh để cho con gái gội đầu. Thiếu nữ Huế thường để tóc thề xõa ngang vai hoặc tóc dài đến lưng, gội nước bồ kết và chanh nên suôn, mượt, mềm mại, thơm dịu vô cùng. Có lẽ vì thế mà trong nhiều vẻ đẹp của thiếu nữ Huế, mái tóc mềm đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng đi vào thơ ca, nhạc, họa.

Mạ tôi thường bảo, con gái Huế nước da trắng ngần là nhờ uống nước sông Hương và rửa mặt bằng nước vo gạo, tóc đen huyền là nhờ gội đầu bồ kết. Có lần tôi cũng hỏi bà Lê Thị Dinh (1920 - 2021) - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, thì được bà cho biết, “Các bà hoàng triều Nguyễn, mắt phượng mày ngài, da trắng, tóc dài, tất cả đều là vẻ đẹp tự nhiên. Buổi sáng các bà cũng rửa mặt bằng nước lạnh, có thêm vài cánh hoa hồng”. Mạ tôi kể, thời của bà chưa có son môi, muốn cho môi hồng thì ngậm bao hương (tức là miếng giấy màu đỏ người ta dùng bó các bó hương), rồi dặn dò đầy ngụ ý “vẻ đẹp tâm hồn, tính tình lễ phép, lương thiện mới là vẻ đẹp của con gái Huế con ơi”.

Năm 1936, cách đây gần một trăm năm, họa sĩ Mai Trung Thứ đã vẽ bức tranh “Thiếu nữ Huế” với dáng người mảnh khảnh, đôi mắt to tròn có một chút trầm lặng và rụt rè, đôi mắt nhìn ươn ướt như sắp khóc, trong veo đến nỗi họa sĩ Trần Văn Cẩn nhận xét “Không ai vẽ thiếu nữ có đôi mắt đẹp và trong như dòng sông Hương tài bằng Mai Trung Thứ”. Vẻ đẹp ấy, cho đến hôm nay vẫn còn, khi nàng thiếu nữ vừa từ trong bếp phụ mạ trở ra, màu hồng cũng về liền theo trên má. Đó là đôi má hồng như cánh hoa đào, ửng trên làn da trắng ngần như hoa huệ. Đôi má hồng ấy cũng ửng lên một lần nữa trong làn nắng xuân, giấu kín niềm vui nhè nhẹ khi ngày mồng Một tết cùng mạ đi chùa lễ Phật, phát hiện có ánh mắt ai nhìn nên luống cuống, e thẹn trong tà áo dài lụa “Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Hàn Mặc Tử).

Một nụ hoa xuân vừa nở hòa trong một vườn hoa xuân của vạn vật, thiếu nữ Huế và tết, hai vẻ đẹp như ánh quang của mùa xuân. Dù tết Huế có năm mưa xuân bay bay, gió lạnh co ro cả phố phường thì vẫn có một ráng hồng nho nhỏ trên má, trong mắt của thiếu nữ xuân thì. Tết Huế muôn đời vẫn đẹp là vậy!

Nguyễn Khoa Diệu Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/thieu-nu-hue-tet-137624.html