Thiếu nhân viên y tế trường học

Tại hội nghị liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn Đồng Nai trong tình hình mới vừa qua, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang bị thiếu nhân viên y tế.

Không những thế, nhiều nhân viên y tế không đạt các điều kiện theo yêu cầu dẫn đến trường không được trích lại khoản tiền bảo hiểm y tế (BHYT) để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Nhân viên kiêm nhiệm y tế trường học

* Trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu trường học thiếu nhân viên y tế trường học, thưa ông?

- Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 916 trường học từ mầm non đến THPT với hơn 700 ngàn trẻ em, học sinh. Tuy nhiên, hiện chỉ có 587 nhân viên y tế chuyên trách làm việc tại các trường học cả công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, có 79 đơn vị hợp đồng với nhân viên các trạm y tế xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ y tế trường học; các đơn vị còn lại do giáo viên, nhân viên của nhà trường làm kiêm nhiệm. Như vậy, còn 250 trường học các cấp chưa có nhân viên y tế trường học chuyên trách.

* Theo ông, nguyên nhân vì sao các trường không tuyển được nhân viên y tế trường học?

- Trước hết là do thu nhập của nhân viên y tế trường học rất thấp, chỉ vài triệu đồng/tháng, không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống cơ bản của cá nhân nhân viên y tế trường học, chưa nói đến gia đình họ. Trên địa bàn tỉnh có nhiều trường học có số lượng học sinh rất đông, lên đến cả ngàn, vài ngàn em nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế trường học, phải lo rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh, áp lực rất lớn. Thu nhập thấp, trong khi trách nhiệm cao khiến nhiều người không mặn mà dự tuyển vị trí nhân viên y tế trường học hoặc có người vào làm được một thời gian ngắn thì nghỉ, gây nhiều khó khăn cho nhà trường.

* Cụ thể nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học là gì, thưa ông?

- Hàng ngày, nhân viên y tế phải theo dõi sức khỏe của học sinh, kiểm tra an toàn vệ sinh trường học, các bếp ăn bán trú (nếu có), khám sức khỏe định kỳ (cân, đo chiều cao, thị lực cho học sinh). Qua khám sức khỏe để phát hiện học sinh bị giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Đặc biệt, nhân viên y tế có nhiệm vụ thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho học sinh khi học sinh bị tai nạn thương tích, bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng…; tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể…

56% số trường học không được trích lại kinh phí từ nguồn BHYT

Ông có thể cho biết, việc thiếu nhân viên y tế trường học gây ra những hậu quả gì và các trường đang gặp khó khăn ra sao đối với công tác này?

- Không có nhân viên y tế chuyên trách hoặc nhân viên y tế không đạt chuẩn đều ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chăm sóc sức khỏe của học sinh trong trường. Đáng lưu ý, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT có nội dung liên quan đến sử dụng nguồn BHYT trích lại đang gây nhiều khó khăn cho các trường học.

Cụ thể, theo Điều 34 Nghị định 146, cơ sở giáo dục được cấp kinh phí từ nguồn quỹ BHYT để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu khi đáp ứng đủ một số điều kiện. Trong đó điều kiện bắt buộc là có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đối chiếu với số lượng nhân viên y tế các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có 44% số trường học đáp ứng đủ yêu cầu và được cấp kinh phí, còn lại 56% số trường học không được trích lại kinh phí từ nguồn BHYT. Do đó, việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh còn hạn chế, nhất là việc khám, phân loại sức khỏe của học sinh.

Vậy Sở GD-ĐT có giải pháp hay kiến nghị gì để giải quyết vướng mắc này?

- Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tăng cường rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống nhân viên y tế trường học theo kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình Sức khỏe học đường phù hợp với thực tế từng trường học và từng khu vực của tỉnh. Mục tiêu nhằm đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và học sinh.

Khám sức khỏe ban đầu cho học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa)

Khám sức khỏe ban đầu cho học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa)

Bên cạnh đó, đề nghị Sở Y tế hỗ trợ, triển khai các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học chuyên trách và kiêm nhiệm.

Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế làm công tác y tế trường học. Qua đó đảm bảo đời sống cho họ, để họ an tâm công tác và thu hút những người có trình độ chuyên môn ứng tuyển vào vị trí này, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của học sinh.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Ngày 23-12-2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng đề án và phê duyệt vị trí việc làm. Sở Nội vụ đề nghị các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm “Y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, tức là xếp nhân viên y tế trường học chung với các vị trí: thư viện, kế toán, văn thư... sẽ được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định. Các địa phương kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định hiện hành để nhân viên trường học, văn thư, kế toán… có thể được trở thành viên chức, được hưởng lương, phụ cấp như giáo viên.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202402/thieu-nhan-vien-y-te-truong-hoc-31e4619/