Thiếu nghiêm trọng nhân lực ngành công nghệ vi mạch

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đã chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư, đặc biệt là ngành công nghệ vi mạch. 'Với sự bùng nổ của ngành công nghệ vi mạch, dẫn đến nhu cầu lao động về ngành này rất lớn, trong khi chúng ta chỉ đáp ứng chưa tới 10%. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng kịp thời cho ngành này là hết sức quan trọng', ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội truyền thông - Điện tử TP Hồ Chí Minh nhận định.

Liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch, hiện có nhiều tập đoàn lớn đang chuyển hướng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là tập trung nhiều ở TP Hồ Chí Minh như: Intel, Ampere Computing, Marvell Technology, Synopsys (Mỹ); BridgeTek, Faraday Technology (Đài Loan)… Ngành công nghiệp này cần số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản tại các trường đại học, cao đẳng… Tuy nhiên, hiện có rất ít trường đào tạo về ngành này, nên có sự chênh lệch lớn giữa nguồn cung nhân lực và nhu cầu của DN.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng hiện tại nhân lực chỉ đáp ứng dưới 20%. Riêng kỹ sư ngành thiết kế vi mạch, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 người.

Trước sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực để cung ứng cho các DN ngành công nghệ vi mạch, một số trường đại học, cao đẳng cũng đã đưa ngành này vào chương trình đào tạo. Đầu tháng 9/2023, Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thông báo thành lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến đón sinh viên vào năm tới; Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, đã có ngành thiết kế vi mạch và đang xây dựng chương trình đào tạo mục tiêu đến năm 2027 đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư công nghệ vi mạch…

Ông Nguyễn Chí Thành – Phó Trưởng phòng nghề nghiệp – Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, UBNDTP Hồ Chí Minh đã ban hành 21 văn bản chỉ đạo điều hành, trong đó có 2 chương trình dài hạn. Và mới đây nhất ngày 29/6/2023 UBND Thành phố cũng ban hành Quyết định 2673 về tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng nhu cầu tái cấu trúc cơ cấu các ngành kinh tế Thành phố đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Theo Quyết định 2673, thì có 8 lĩnh vực được ưu tiên để đào tạo, trong đó có lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa, là những lĩnh vực có liên quan đến công nghệ vi mạch.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, mục tiêu đến 2030 Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều cam kết tham gia vào lĩnh vực này.

Tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thiết kế vi mạch (SCDC) sẽ có vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới. Định hướng SCDC sẽ phối hợp với khoảng 20 trường đại học với các DN vi mạch để thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo kỹ sư có chuyên môn, kỹ năng cao, nhằm đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của các DN công nghệ vi mạch.

T. Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/thieu-nghiem-trong-nhan-luc-nganh-cong-nghe-vi-mach-i710482/