Thiệu Hóa nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thiệu Hóa hiện có 22 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh phát triển số lượng, huyện Thiệu Hóa đã và đang khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ... góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm cơm cháy Ánh Dương tại xã Tân Châu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Đối với huyện Thiệu Hóa, Chương trình OCOP bước đầu đã khai thác được tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, là tấm vé thông hành để vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Một số sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên hiện đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, như: cơm cháy Ánh Dương, dưa vàng Vạn Hà, gạo Vân Đài, bánh đa Ngọc Nhạn; hay như sản phẩm trống đồng Toàn Linh, trống đồng Bảy Châu còn được xem là sản phẩm mang giá trị văn hóa, truyền bá đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc được gắn sao, được sự khuyến khích, hỗ trợ của huyện, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư, không ngừng thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm.

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Trọng Thọ, xã Tân Châu đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm cơm cháy truyền thống của gia đình thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm cơm cháy Ánh Dương, anh Thọ cho biết: “Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, tôi đã thay đổi nhận thức trong sản xuất, chuyển đổi từ làm thủ công sang đầu tư máy móc nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Với nguyên liệu từ gạo nếp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt độ dẻo nhất định, sau đó đưa vào phòng tách ẩm để sản phẩm dễ bảo quản, sử dụng phương pháp sấy bằng ánh nắng mặt trời, hệ thống sấy khép kín bằng hơi nước điều hòa để không còn phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo vệ sinh và chất lượng hơn. Ruốc ăn kèm được làm từ thịt sạch có nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định chất lượng. Cơm sau khi sấy khô được đưa vào nồi chiên chuyên dụng để không bị ngấm dầu và sản phẩm được đóng gói bằng túi nilon chuyên dụng dùng cho thực phẩm ăn liền, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nhờ tự động hóa trong quá trình sản xuất và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, quy mô sản xuất đã được mở rộng, không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, sản phẩm cơm cháy Ánh Dương còn được người tiêu dùng cả nước tin dùng.

Sản phẩm dưa baby Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, hiện nay nhiều sản phẩm trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Đức Hùng cho biết: Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện khảo sát, xác định được 26 sản phẩm có thế mạnh thuộc 4 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; thảo dược; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn. Vì vậy, ngay khi xác định, huyện đã chú trọng tuyên truyền, quảng bá về Chương trình OCOP để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích các xã, đơn vị, cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, thế mạnh của địa phương, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Đối với các sản phẩm đã được gắn sao, các chủ thể cần mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì sản phẩm... bảo đảm thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ các chủ thể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, trao đổi mua bán sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định; nhất là thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp cho các sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thieu-hoa-nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop/190481.htm