Thiếu cát san lấp các dự án hạ tầng trọng điểm: Hậu quả đã được dự báo trước

Việc thiếu cát san lấp đã được cảnh báo nhiều năm nay. Bởi, các mỏ cát dùng để san lấp các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong nước ngày càng cạn kiệt, hết trữ lượng khai thác.

Hậu quả đã được dự báo trước

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào cuối tuần trước, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong vùng đang chậm tiến độ, do thiếu cát san lấp.

“Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua thành phố có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị một số địa phương phối hợp với các Bộ, địa phương có nguồn cát trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để được hỗ trợ nguồn vật liệu cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường.

Trên thực tế, việc thiếu cát san lấp đã được cảnh báo nhiều năm nay. Bởi, các mỏ cát dùng để san lấp các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong nước ngày càng cạn kiệt, hết trữ lượng khai thác. Ngay cả một trong những mỏ cát lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long cũng không còn nhiều dư địa sau nhiều năm khai thác gần như triệt để.

Việc thiếu cát san lấp không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ của đường Vành đai 3 TP.HCM, nhìn rộng ra cả nước nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự, như dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Tháp Mười - Cao Lãnh,....

Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại diện đơn vị thi công dự án này tiết lộ, việc thiếu cát san lấp đã khiến tiến độ dự án chậm hơn 8%.

Việc thiếu cát san lấp đã khiến tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chậm hơn 8%. Ảnh: TBTC

Theo HoREA, trong nội dung công hàm 008 được Văn phòng Thương vụ đại sứ Campuchia gửi tới Bộ Xây dựng, phía Campuchia đang quản lý khối lượng cát lớn thuộc lưu vực sông Mekong, với trữ lượng cát có thể khai thác trong 1 năm đạt 100 triệu m3.HoREA kiến nghị có thể chuyên chở cát từ Campuchia bằng đường thủy để chi phí nhập khẩu hợp lý, giao nhận tại phao số 0 tại cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và cửa khẩu Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang).

Thông tin từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai các dự án đường cao tốc với tổng cộng 463 km đường chạy qua 10 tỉnh, cần khoảng 54 triệu m3 cát san lấp. Tuy nhiên, trữ lượng cát hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cho các dự án đường cao tốc.

Bên cạnh đó, tại TP.HCM, tính riêng dự án Vành đai 3 đã cần khoảng 9,3 triệu m3 cát san lấp, riêng năm 2024 cần 6,4 triệu m3 cát san lấp. Nhưng vì lý do thiếu cát san lấp nên các nhà thầu chỉ tập trung thi công hạng mục đường công vụ và cầu trên tuyến.

Đề xuất các phương án tìm kiếm nguồn cát khác đề bù đắp thiếu hụt

Trước thực trạng này, các Bộ, ngành địa phương đang tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế, như nhập khẩu cát từ quốc gia khác hoặc khai thác cát từ biển với trữ lượng dồi dào.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất phương án nhập khẩu cát từ Campuchia để thi công các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

“Hiện nay rất cần bổ sung thêm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia đi đôi với khai thác nguồn cát sông Cửu Long một cách hợp lý để đảm bảo tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm” - ông Châu nói.

Ông Châu đề cập tới một số dự án cần được ưu tiên trước, như Vành đai 3, đường Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, 3 tuyến cao tốc trục ngang ở Đồng bằng sông Cửu Long như Hồng Ngự - Trà Vinh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

“Trước thực trạng khan hiếm cát san lấp cao tốc tại phía Nam hiện nay và để tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá cát lên cao, HoREA đề nghị nên giao một đơn vị quân đội có chức năng làm kinh tế ở phía Nam làm đầu mối để mua cát với số lượng lớn, ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả hợp lý” - ông Châu nhấn mạnh.

Liên quan tới đề xuất này, trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2024, PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng cát xây dựng khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, trong đó có xây dựng đường giao thông đang diễn ra.

“Hiện nay trên cả nước đồng loạt xây dựng nhiều dự án cao tốc khiến tình trạng thiếu cát càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khu vực phía Nam” - PGS.TS Lê Trung Thành nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, cát xây dựng có 2 loại, một loại sử dụng trong xây dựng các dự án dân dụng và công nghiệp, do Bộ Xây dựng quản lý. Loại cát còn lại dùng trong xây dựng công trình giao thông, được Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Cát cho xây dựng dân dụng, công nghiệp để làm bê tông thì có chất lượng tốt hơn, giá đắt hơn, còn cát đắp nền đường cho các dự án giao thông có chất lượng thấp hơn, giá rẻ hơn.

Việc nhập khẩu cát từ Campuchia về làm đường cao tốc đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn bạc, thống nhất. Việc nhập khẩu cát thì nên nhập khẩu loại nào.

Cũng theo ông Thành, cát dùng cho làm bê tông phục vụ dự án dân dụng, công nghiệp thì trước nay đã nhập rồi. Cát từ Campuchia chủ yếu là những loại cát tốt, giá cao, phục vụ dự án dân dụng, công nghiệp là chính.

“Nếu dùng cát này với số lượng lớn để san lấp nền móng cho dự án giao thông với số lượng lớn thì chắc chắn tốn nhiều chi phí, do đó cần cân nhắc” - ông Thành nói.

Hiện nay, các Bộ, ngành liên quan đang bàn bạc, thống nhất, nhưng quan điểm của Bộ Xây dựng là cần cân nhắc được - mất khi nhập khẩu cát loại tốt từ Campuchia vì liên quan đến chi phí.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho rằng, việc tìm các nguồn vật liệu thay thế cát trong công trình giao thông cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh những tác động môi trường, nhất là với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

“Về lâu dài, chúng tôi đề xuất phương án làm dự án giao thông sử dụng ít cát. Đơn cử, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ họ đã làm, đó là xây dựng cao tốc bằng cầu cạn. Việc này không chặn dòng chảy, hạn chế tác động đến các yếu tố môi trường. Đặc biệt, đầu tư cao tốc bằng cầu cạn có thể cao hơn, nhưng chi phí bảo dưỡng cầu cạn trong suốt vòng đời dự án thấp hơn, việc thi công cũng nhanh hơn” - PGS.TS Lê Trung Thành nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-cat-san-lap-cac-du-an-ha-tang-trong-diem-hau-qua-da-duoc-du-bao-truoc-post294735.html