Thiết xa bom cảm tử MT-LB của Nga 'đáng gờm' khi tham chiến

Xe bọc thép MT-LB được cải tạo thành 'xe bom cảm tử', tiếp tục được Quân đội Nga sử dụng để tấn công các vị trí kiên cố của Ukraine.

Theo thông tin từ trang Telegram "Mèo Kherson đặc biệt" vào ngày 21/12/2023, Quân đội Nga tiếp tục sử dụng "xe bom cảm tử" được điều khiển từ xa để tấn công các hỏa điểm kiên cố của Ukraine; giống như “xe bom cảm tử” của phiến quân IS tại Trung Đông, nhưng khác là không có người lái.

Phương tiện dùng để làm xe bom cảm tử chính là xe bọc thép chở quân đa năng MT-LB do Liên Xô phát triển, được quân Nga cải tiến biến thành phương tiện vận hành từ xa nhờ trang bị UAV VT-40FPV. UAV được gắn ở mặt trước của MT-LB và cung cấp hỗ trợ camera để lái đến mục tiêu.

Người biến những chiếc MT-LB thành “xe bom cảm tử” là những người lính Nga thuộc biệt đội Sudoplatov, mô tả nó như một loại ngư lôi tự hành trên đất liền (SST) chứa đầy chất nổ.

Liên quan đến các vụ tấn công cảm tử bằng xe MT-LB trước đó, chiếc xe này đã chở ít nhất 2 tấn thuốc nổ, đó có thể là bom, đạn pháo và thuốc nổ; biến nó thành quả bom khổng lồ, có sức công phá cực mạnh.

Theo các nguồn tin của Nga, chiếc xe bom tự sát MT-LB này, đã được sử dụng tại một khu vực “không xác định” trên chiến trường Ukraine, như một phần của "kế hoạch ngày tận thế", nhằm phá hủy một vị trí kiên cố của Quân đội Ukraine.

Một số đơn vị chiến đấu của Nga đang ngày càng sử dụng nhiều phương tiện MT-LB làm nền tảng để chế tạo vũ khí cảm tử. Tính cơ động cao, khả năng việt dã trên mọi địa hình và có thể mang theo lượng thuốc nổ lớn của loại xe bọc thép đa năng này khiến nó trở thành một loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm.

Việc kết hợp giữa UAV VT-40FPV và xe bọc thép MT-LB sẽ nâng cao hơn nữa khả năng chiến đấu, đơn giản hóa việc tự động di chuyển đến mục tiêu và tăng tốc độ di chuyển. Nếu xe không thể đến được nơi dự kiến, nhưng vụ nổ vẫn có thể sẽ gây sát thương với quân Ukraine.

Việc Quân đội Nga sử dụng “xe bom cảm tử” đã gây ra nhiều ý kiến trái ngược trên chiến trường; có thể nói, việc phát minh “xe bom cảm tử” này do các phiến quân IS Trung Đông thực hiện, khi sử dụng xe ô tô chất đầy thuốc nổ làm vũ khí mở cửa, do họ không có hỏa lực như pháo binh, xe tăng hoặc không quân.

Nhưng với Quân đội Nga, một quân đội được đánh giá có sức mạnh đứng thứ hai thế giới, tại sao phải sử dụng “xe bom cảm tử” như của phiến quân ở Trung Đông? Có phải Quân đội Nga thiếu hỏa lực hay vì lý do gì mà phải sử dụng loại hỏa lực “cực đoan” như vậy?

Trước đây, một số đơn vị của Nga đã cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng cách điều khiển các phương tiện cảm tử mang chất nổ như xe bọc thép MT-LB xông thẳng vào vị trí trận địa phòng ngự kiên cố của Ukraine.

Đầu tiên, người lái điều khiển xe bọc thép xác định hướng di chuyển, sau đó dùng gậy gỗ giữ chân ga để duy trì tốc độ cho xe. Khi đến gần mục tiêu, người lái nhảy ra khỏi xe và để cho xe tiếp tục lao về phía mục tiêu.

Tuy nhiên, những chiếc MT-LB đặc biệt này thường gặp phải mìn chống tăng và bị kích nổ trước khi đến đích. Mặc dù vậy, binh lính Nga sẵn sàng áp dụng các “biện pháp cực đoan”, sử dụng xe bọc thép chở lượng lớn thuốc nổ, có thể là thuốc nổ khối hoặc đạn pháo.

Nhưng theo các chuyên gia phân tích, việc áp dụng các chiến thuật này trong cuộc xung đột hiện nay phản ánh sự thay đổi chiến thuật của Quân đội Nga, có thể là do tình trạng thiếu phương tiện chiến đấu được báo cáo.

Các trường hợp sử dụng xe bọc thép chở quân BTR-50 thời Stalin, nguyên mẫu BTR-90 trong bảo tàng và xe tăng T-80 thời Liên Xô, cũng như việc thu hồi gần một nửa số xe tăng thời Liên Xô từ các cơ sở lưu trữ quân sự ở phía Đông Siberia, làm nổi bật xu hướng này.

Nhưng một số phân tích lại cho rằng, ý tưởng cải tiến phương tiện cơ giới thành xe bom điều khiển từ xa của Quân đội Nga, đã bắt nguồn từ chiến trường Syria. Do đó, kinh nghiệm chiến đấu thực tế là rất quan trọng đối với bất kỳ quân đội nào của một quốc gia lớn.

Nga sử dụng "xe bom cảm tử" gần Avdiivka. Nguồn: k.sina.cn.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/thiet-xa-bom-cam-tu-mt-lb-cua-nga-dang-gom-khi-tham-chien-1944717.html