Thiết lập những 'vùng xanh' trong phòng, chống ma túy

Thời gian gần đây, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả, tạo nên những 'vùng xanh' trong phòng, chống ma túy.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội tham gia lao động trị liệu. Ảnh: Hà Hiền

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, quý I-2024, tệ nạn ma túy diễn biến rất phức tạp. Lực lượng công an cả nước đã phát hiện hơn 9.400 vụ việc với gần 15.000 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng gần 86% số vụ việc và hơn 79% số đối tượng so với quý IV-2023. Tại Hà Nội, lực lượng công an khám phá hơn 1.100 vụ, bắt giữ gần 1.700 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy.

Số lượng vụ việc về ma túy được phát hiện ngày càng nhiều một mặt phản ánh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy ngày càng hiệu quả, nhưng mặt khác lại cho thấy, “nguồn cung” cũng như “nhu cầu” sử dụng ma túy tăng lên. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Hà Nội là địa bàn có số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy lớn với khoảng 17.000-18.000 người có hồ sơ quản lý, đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 10% tổng số đối tượng thuộc diện quản lý của cả nước.

Sử dụng ma túy khiến không ít người đánh mất tuổi trẻ, tương lai, để lại hậu quả nhức nhối cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, công tác vận động, đưa người nghiện, người sử dụng ma túy đi điều trị cai nghiện tập trung nhằm giảm tác hại do ma túy lại khó thực hiện. “Khó khăn lớn nhất là nhiều cá nhân che giấu tình trạng nghiện của bản thân, nhiều gia đình không chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đưa người thân đi cai nghiện”, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật nói.

Do nhiều nguyên nhân, trong quý I vừa qua, Hà Nội chỉ tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 5 người. Việc đưa người nghiện, người sử dụng ma túy đi cai nghiện tập trung tuy khả quan, nhưng vẫn còn ít so với tổng số người đang có hồ sơ quản lý (đưa gần 1.100 lượt người đi cai nghiện tập trung).

Nhiều giải pháp mới

Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngoài những giải pháp đã triển khai, điểm mới là, năm nay, các bên chú trọng thiết lập những “vùng xanh”, địa bàn “sạch” ma túy. Theo hướng này, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm (Ban Chỉ đạo 89) các địa phương được củng cố, kiện toàn. Thành viên Ban Chỉ đạo 89 là những người có trách nhiệm, uy tín, biết cách ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để hoạt động, giúp phát hiện từ sớm, phòng ngừa từ xa các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.

Việc xây dựng mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng được các ngành, địa phương quan tâm nhân rộng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội), thông qua mạng lưới hơn 100 mô hình điểm, gồm hơn 6.000 điểm kết nối đến tổ dân phố, khu dân cư... trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng chức năng tiếp nhận từ người dân nhiều thông tin quan trọng, làm căn cứ điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý không ít vụ việc tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, trong đó có những vụ việc liên quan đến ma túy.

Cũng tại cộng đồng, các bên đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng mô hình “Tổ dân phố, khu dân cư không ma túy”, “thôn không ma túy”. Phấn đấu đến cuối năm, khu vực thành thị có 10% tổ dân phố, khu dân cư xây dựng mô hình này, còn khu vực nông thôn có ít nhất 20% thôn, làng xây dựng mô hình, tiến tới hình thành các xã, phường, thị trấn không ma túy...

Chung tay tạo dựng “vùng xanh” về ma túy, năm 2024, tất cả cơ sở giáo dục từ bậc trung học cơ sở trở lên trên địa bàn Hà Nội tiến hành tuyên truyền phòng, chống ma túy đến học sinh, sinh viên. Ngoài ra, các nhà trường cũng phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết “3 không với ma túy” (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy)... “Việc đưa kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy đến với học sinh, sinh viên là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh nhận định.

Giải pháp quan trọng khác nhằm thiết lập “vùng xanh”, hình thành địa bàn “sạch” ma túy là các ngành, địa phương quan tâm phòng, chống tái nghiện bằng cách bảo đảm 100% người sau cai nghiện có nhu cầu sẽ nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt. Đặc biệt, những người có nhu cầu về việc làm, nếu đáp ứng được các điều kiện, họ sẽ là đối tượng ưu tiên giới thiệu việc làm hoặc vay vốn ưu đãi để tạo việc làm...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thiet-lap-nhung-vung-xanh-trong-phong-chong-ma-tuy-663030.html