Thiệt hại 1 nghìn tỉ USD/năm do người lao động bị trầm cảm, lo lắng

Trên toàn cầu, ước tính mất khoảng 12 tỷ ngày làm việc mỗi năm do trầm cảm và lo lắng. Điều này gây thiệt hại 1 nghìn tỷ USD/năm về năng suất lao động.

Bà Trần Huyền Nhung - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung.

Theo thống kê của WHO và ILO ước tính khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động được chẩn đoán rối loạn tâm thần vào năm 2019. Trên toàn cầu, ước tính mất khoảng 12 tỷ ngày làm việc mỗi năm do trầm cảm và lo lắng. Điều này gây thiệt hại 1 nghìn tỷ USD/năm về năng suất lao động.

Có 42% người lao động Việt Nam thường xuyên gặp căng thẳng. 22% công nhân cho biết cuộc sống cá nhân và gia đình là nguyên nhân chính gây căng thẳng tại nơi làm việc. Những nhân viên có con ở nhà báo cáo mức độ căng thẳng trong công việc và cuộc sống cao hơn 40%. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có 15% người sử dụng lao động ưu tiên phúc lợi của người lao động.

Trầm cảm cũng là một trong năm căn bệnh được WHO cảnh báo gây cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực Châu Á. Đặc biệt trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.

Mở đầu buổi thảo luận, khi được hỏi về cảm xúc với công việc hiện tại, đa số các khách mời cho biết bản thân cảm thấy khá áp lực, mệt mỏi, chán nản và tiêu cực.

Chia sẻ về chủ đề này, Tiến sĩ Steve Phạm - Chủ tịch sáng lập ESI cho biết, sau dịch Covid-19, số lượng người Việt Nam gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khoảng 19%. Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức ưu tiên lựa chọn tập trung vào môi trường làm việc hạnh phúc thay vì môi trường có hiệu suất cao.

Đa số khách mời tham gia phiên thảo luận cảm thấy mệt mỏi, áp lực với công việc hiện tại

"Nền tảng xây dựng môi trường hạnh phúc xuất phát từ sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Mỗi cá nhân phải hiểu được bản thân, nhận diện được cảm xúc. Từ đó, chúng ta sẽ tự tin hơn, rèn luyện để có sức bật về mặt tinh thần", tiến sĩ Steve Phạm nhấn mạnh.

Tại sự kiện, bà Lesley Miller, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) cũng đã giới thiệu chương trình sức khỏe tâm thần dành cho cha mẹ và thanh thiếu niên tại nhà máy sản xuất.

Chương trình nhằm cải thiện sự tự tin của cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy con cái và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, xây dựng sự hiểu biết và kỹ năng của cha mẹ và của trẻ (0-8 tuổi). Thông qua đó, chương trình tập trung vào sự an toàn và hành vi của trẻ em, chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận diện sớm, ngăn ngừa bạo lực gia đình. Và từ đó, chương trình còn giúp cải thiện sự tự tin của cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy con cái và hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, Trạm Tâm lý Tâm Nhung của Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung cùng các chuyên gia tâm lý từ các viện, trường đã triển khai hỗ trợ nhóm cho đội ngũ công nhân viên về các chủ đề liên quan tới áp lực tâm lý xoay quanh cuộc sống, đặc biệt là gánh nặng của người phụ nữ trong gia đình.

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Theo bà Trần Huyền Nhung, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung, đây là hoạt động phi lợi nhuận, nhằm giúp cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Từ đó, người dân và bản thân người lao động có hành động phòng ngừa tốt hơn và tìm kiếm tham vấn, điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn đầu. Điều này còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình họ, giảm thiểu các biến chứng do các rối loạn tâm thần gây ra.

Kết thúc phiên thảo luận, các chuyên gia nhấn mạnh cần có những hành động hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ, bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần.

Phiên thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động do Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và Beluxcham phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung tổ chức chiều 30/11.

Sự kiện thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khỏe tâm thần nằm trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Vương quốc Bỉ, Việt Nam với Vương quốc Luxembourg.

Bài, ảnh: Cao Như Quỳnh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thiet-hai-1-nghin-ti-usd-nam-do-nguoi-lao-dong-bi-tram-cam-lo-lang-20231130160431803.htm