Thiết bị tiết kiệm điện - trò lừa đảo

Gần đây, người sử dụng mạng internet, mạng xã hội liên tục nhận được quảng cáo giới thiệu về các loại thiết bị có thể tiết kiệm tới 43% tiền điện hằng tháng. Tin vào những lời quảng cáo sai sự thật này, nhiều người đã rơi vào cảnh mất tiền oan. Để tránh bị lừa đảo, người tiêu dùng cần cảnh giác không mua thiết bị tiết kiệm điện, đồng thời các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, từ đó có căn cứ xử phạt đối với hành vi quảng cáo vượt quá tính năng của sản phẩm.

Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả.

Thổi phồng công dụng

Chị Lê Thu Hương, ở chung cư Intracom Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nghe lời quảng cáo trên mạng xã hội, chị đã mua một thiết bị tiết kiệm điện. Tuy nhiên, sau khi dùng thử 1 tháng tiền điện của gia đình chị vẫn không giảm so với tháng trước. “Tôi cố dùng thêm 1 tháng nữa nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi...”, chị Lê Thu Hương nói.

Hiện thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo nhiều nhất là “Electricity saving box” trên website “thietbitietkiemdien.net”. Theo quảng cáo, thiết bị có khả năng tiết kiệm tới 42% điện năng tiêu thụ với điều hòa; 45% với bàn là; 43% với tủ lạnh… Để giảm giá khi vào hè, thiết bị này được khuyến mại, giảm tới 50% còn 490.000 đồng/sản phẩm… Vậy nhưng, trên thực tế, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã kết luận sản phẩm này không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới, ngoài thiết bị Electricity saving box, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… cũng rao bán rất nhiều thiết bị tiết kiệm điện khác như: Tụ bù tiết kiệm điện, bộ tiết kiệm điện, hộp tiết kiệm điện… giá từ 40 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.

Về những sản phẩm trên, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, quảng cáo thiết bị tiết kiệm đến 40% lượng điện năng tiêu thụ là hoàn toàn bịa đặt. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và chỉ giảm một phần hao phí. “Tôi từng mua một thiết bị tiết kiệm điện gần 300 nghìn đồng, tiến hành nghiên cứu thì phát hiện bên trong chỉ có một bảng mạch nhỏ gắn đèn LED và một vài tụ điện trở, hoàn toàn không có các tính năng như lời quảng cáo”, PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết.

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, trên thị trường có nhiều loại sản phẩm bị thổi phồng công dụng tiết kiệm điện năng. Đến nay, Bộ Công Thương chưa công nhận sản phẩm nào đạt hiệu quả tiết kiệm điện. Năm 2020, có một công ty nước ngoài đề nghị Bộ Công Thương công bố chất lượng sản phẩm có khả năng tiết kiệm 20% điện. Bộ Công Thương đã giao Sở Công Thương Hà Nội tiến hành thử nghiệm sản phẩm tại 100 nhà dân ở Hà Nội. Kết quả thử nghiệm cho thấy, thiết bị này chỉ giảm 4-6% lượng điện năng tiêu thụ.

Người tiêu dùng nên thận trọng với những thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Sẽ xử lý nghiêm những quảng cáo sai sự thật

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, hiện các cơ quan chức năng chưa có đủ hành lang pháp lý để xử lý vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, bổ sung quy định nhằm xử phạt nghiêm khắc hành vi quảng cáo vượt quá tính năng của sản phẩm tiết kiệm điện. Dự kiến cuối tháng 4-2021, Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, rồi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

“Trong thời gian này, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không mua những thiết bị tiết kiệm điện, tránh mất tiền oan", ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.

Để ngăn chặn hành vi lừa bán thiết bị tiết kiệm điện, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Nguyễn Trọng Bình cho biết, lực lượng quản lý thị trường các quận, huyện, thị xã thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở bán thiết bị điện tử không có kiểm định, đặc biệt là thiết bị tiết kiệm điện. Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến khích người tiêu dùng tố giác các hành vi quảng cáo bán hàng, như các thiết bị tiết kiệm điện sai công dụng trên mạng xã hội. Cục sẽ vào cuộc kiểm tra, thu giữ các sản phẩm không được kiểm định và không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm để người tiêu dùng không bị lừa đảo, mất tiền oan.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, những thiết bị được quảng cáo có thể tiết kiệm điện đều là lừa đảo. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công tơ điện, làm cho công tơ điện chạy chậm lại thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, EVN khuyến cáo, khách hàng sử dụng điện không mua và không sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc của đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ban-doc/996975/thiet-bi-tiet-kiem-dien---tro-lua-dao