Thiêng liêng ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung

Tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung, sáng 28-8 (nhằm ngày 28-7 Âm lịch năm Kỷ Hợi), tại An Khê trường (Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo), Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 227 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung.

Về dự lễ có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Rah Lan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Auyn H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo thị xã An Khê và 16 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh; lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thị xã An Khê, đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cùng đông đảo người dân thị xã An Khê.

Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 227 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Ngọc Minh

Tưởng nhớ, ghi ơn

Chứng kiến cảnh hai tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn phân tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài, nhân dân cơ cực, đất nước lầm than, năm 1771, ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã hiệu triệu nhân dân phất cờ khởi nghĩa. Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân được xây dựng ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, nay thuộc các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê. Dưới sự chỉ huy thiên tài của vua Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan hai triều đại phong kiến, 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh, thu giang sơn về một mối. Công cuộc kiến thiết đất nước còn dở dang thì ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đột ngột băng hà khi mới 39 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại An Khê trường. Ảnh: Ngọc Minh

Vào ngày 28-7 Âm lịch hàng năm, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân An Khê tề tựu về An Khê trường cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của triều đại Tây Sơn, tưởng nhớ, tri ân vị Anh hùng áo vải và văn thần võ tướng. Ông Đinh A Muốc-Bí thư Chi bộ làng Pơ Nang (xã Tú An, thị An Khê) bày tỏ: "Chúng tôi tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Khê. Nhân ngày giỗ Vua, chúng tôi đại diện cho hệ thống chính trị và nhân dân làng Pơ Nang về dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Hoàng đế Quang Trung đã có công đánh giặc ngoại xâm, lập lên những chiến công vang dội non sông, kiến thiết đất nước. Phát huy truyền thống, nhân dân làng Pơ Nang luôn đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) về dự lễ giỗ vua Quang Trung, ông Bùi Văn Mỹ-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn-chia sẻ: "Nnhững năm gần đây, từ chủ trương cho phép tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung, tỉnh Bình Định tiến hành tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ vào ngày 29-7 Âm lịch. Tây Sơn Thượng đạo tự hào là vùng đất ba anh em nhà Tây Sơn gầy dựng phong trào, dấy binh khởi nghĩa. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Tây Sơn Tam kiệt, đặc biệt là công đức của vua Quang Trung, Đảng bộ và nhân dân thị xã An Khê tổ chức giỗ Vua rất trang trọng, theo nghi thức truyền thống của địa phương”.

Thành kính cúng Vua

Ngày giỗ Vua, khuôn viên An Khê trường rực rỡ cờ hoa. Từ sáng sớm, từng dòng người tấp nập đổ về đây để tưởng nhớ công đức vua Quang Trung và các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu và nhân dân kính dâng những lẵng hoa tươi thắm trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Tại điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, sau hai hồi chiêng, trống, Ban nghi lễ thực hiện nghi thức cúng Vua theo nghi lễ truyền thống; tiến hành dâng các lễ vật, hương, đăng, trà, quả...Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố cùng nhân dân lần lượt thành kính dâng hương.

Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung diễn ra trang nghiêm, thành kính theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Nhân Ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, đông đảo nhân dân về dâng hoa, dâng hương, dâng những lễ vật tự tay làm, thể hiện tấm lòng thành. Bà Nguyễn Thị Tho (phường An Phú, thị xã An Khê) chia sẻ: “Nhớ công đức của vua Quang Trung, chị em chúng tôi có làm 200 chiếc bánh ít lá gai để dâng lên Vua cùng các văn thần võ tướng. Của ít nhưng lòng nhiều, mỗi người một chút, đóng góp ngày giỗ Vua”. Dịp này, UBND xã Cửu An dâng các loại trái cây đặc sản của địa phương; các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã An Khê cũng góp công, góp của để ngày giỗ Vua thêm phần chu toàn. Anh Bùi Anh Duy-chủ đại lý phân phối nước giải khát Mỹ Kiều bộc bạch: "Ngày giỗ Vua, tôi cùng các anh em trong giới doanh nghiệp ở thị xã An Khê lòng thành người góp công, người góp của để ban tổ chức có thêm nguồn kinh phí mua sắm lễ vật; tổ chức lễ giỗ Vua ngày càng trang trọng hơn. Thông qua đó, thể hiện trách nhiệm của những người con An Khê trong những ngày lễ trọng của địa phương; thể hiện sự hiếu kính, hàm ơn, tự hào về những giá trị truyền thống và lịch sử hào hùng ông cha”.

Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung là hoạt động truyền thống thể hiện nét văn hóa của con người An Khê. Lễ giỗ Vua không chỉ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân An Khê trước công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung mà còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta, chung tay xây dựng quê hương; quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo tới bạn bè bốn phương.

Ngọc Minh

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1381/201908/thieng-lieng-ngay-gio-hoang-de-quang-trung-5647430/