Thiêng liêng lễ khai bút đầu Xuân

Đầu Xuân, những người có học thường khai bút đón mừng năm mới. Theo phong tục Việt Nam, khai bút đầu Xuân chọn ngày giờ tốt sẽ nhận được mọi điều tốt lành, song đôi khi khai bút mang tính chất tượng trưng. Nét chữ đầu Xuân viết lên giấy hồng điều… Lễ khai bút đầu xuân Quý Tỵ này mới diễn ra tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, Hải Dương mang đậm ý nghĩa tôn vinh sự học.

Lễ khai bút ở đền thờ Chu Văn An

Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng

Theo đúng nghi thức truyền thống vốn có ở nơi này, tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức sự kiện văn hóa lớn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, nghiên cứu lịch sử văn hóa, các thế hệ thầy và trò cả nước, đông đảo du khách thập phương. Triển lãm "Văn Miếu Quốc Tử Giám với Thầy giáo Chu Văn An” trưng bày 300 hiện vật, tranh tái hiện sống động cuộc đời, sự nghiệp Chu Văn An cùng những bước thăng trầm của giáo dục nước nhà gắn liền với Văn Miếu Quốc Tử Giám, kéo dài tới ngày 5 - 4.

Cùng ngày 6 tháng Giêng, TP. Hải Phòng tổ chức lễ Khai bút Xuân Quý Tỵ 2013 tại Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Tại lễ hội, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Chủ tịch Hội thư pháp thành phố Hải Phòng khai bút hai bức thư pháp có chữ Đức và Tài. Hai bức thư pháp này đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trao tặng em Phạm Đăng Huy, người giành Huy chương Vàng môn Hóa học Quốc tế năm 2011-2012 và em Phan Thị Hà Thanh, vận động viên thể dục dụng cụ giành nhiều Huy chương Vàng quốc tế.

Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, sinh năm 1292, ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sống vào cuối thời Trần, dù đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan, mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch... Tài năng và đức độ của thầy Chu vang xa, khiến học trò nhiều nơi tới bái sư, trong số đó có nhiều người thành đạt, sau làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát...

Đến đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám để dạy thái tử và tham gia vào công việc củng cố triều Trần đang có nguy cơ bị suy vong. Đến đời vua Dụ Tông, triều chính thối nát, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian thần. Vua không chấp thuận nên ông từ quan, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi) và dạy học, viết sách. Ông mất tại đây vào ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) thọ 79 tuổi...

Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi ông "học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông”…

Tôn vinh sự học

Khai bút đầu xuân là nét đẹp văn hóa dân tộc khẳng định truyền thống hiếu học và mang ý niệm tâm linh. Đó là lúc tĩnh tâm viết những dòng khai bút tràn trề sinh lực, ước mong một năm mới thành công, nhiều may mắn.

Trước đây những danh sĩ thường khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu Xuân bày tỏ nguyện vọng, ý chí của mình. Khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, người ta hướng tới điều tốt lành, tôn vinh chữ nghĩa, đề cao sự học. Những bài thơ khai bút được viết lên giấy hồng điều hoặc trên giấy hoa tiên - giấy có vẽ hoa. Viết xong, danh sĩ treo bài thơ lên tường để thưởng Xuân. Những người có chức vụ... thì có lệ khai ấn và khai triện. Đóng dấu vào những giấy tờ công văn cầu mong thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Lễ này thường được cử hành vào ngày khai hạ, mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Các quan võ lại có tục khai kiếm. Những người dân thường tùy theo nghề nghiệp làm lễ cúng các vị tổ của mỗi nghề, vào ngày 9 tháng Giêng.

Lễ khai bút Xuân Quý Tỵ ở Hải Dương năm nay được mở đầu với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính - Học - Thuần - Hành (Đạo học có chính thì thực hành mới thông), với 10 chữ Quốc ngữ: Tâm - Đức - Chí - Nghĩa - Trung / Tài - Minh -Trí - Thành-Vinh. Nét văn hóa đẹp khai bút và xin chữ đầu Xuân có từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học và duy trì đến nay. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy thường được thấy thăm hỏi, trò chuyện…Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với ý nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm.

Điều đặc biệt nữa là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu thường dùng để viết chữ. Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa…

Tại Lễ khai bút, để tôn vinh đạo học của Hải Dương, Hà Nội, thị xã Chí Linh và huyện Thanh Trì, Trung tâm hỗ trợ thủ khoa Việt Nam và các tổ chức và cá nhân hảo tâm đã tuyên dương và trao thưởng mỗi suất 1 triệu đồng cho 8 giáo viên giỏi, 6 thủ khoa kỳ thi ĐH CĐ 2012-2013 và 56 học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và cấp tỉnh, thành phố năm học vừa qua.

Phương Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61244&menu=1423&style=1