Thiêng liêng lá cờ Tổ Quốc!

(VnMedia) - Mỗi lần đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng một niềm xúc động và lòng tự hào khôn xiết về Tổ Quốc thân yêu của mình.

Ra đời vào năm 1941, suốt 70 năm qua, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành một biểu tượng gắn liền với những biến cố thăng trầm của lịch sử, thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng không ít vinh quang, hào hùng của dân tộc ta. Lá cờ thắm máu biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã trở thành hồn thiêng sông núi, là biểu tượng tinh thần thiêng liêng, thôi thúc mỗi người nghĩ về Tổ Quốc, nghĩ về trách nhiệm công dân đối với đất nước và dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh thiêng liêng, thấm đẫm máu xương của bao thế hệ người Việt trong suốt chiều dài đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Quốc kỳ Việt Nam, còn gọi là Cờ đỏ sao vàng, có ngôi sao vàng 5 cánh đặt giữa nền đỏ hình chữ nhật. Chiều rộng lá cờ bằng 2/3 chiều dài. Năm đỉnh của ngôi sao nằm trên một đường tròn có tâm ở chính giữa lá cờ và bán kính bằng 1/3 chiều rộng (2/9 chiều dài) lá cờ. Màu đỏ nền cờ tượng trưng dòng máu đỏ, màu vàng ngôi sao tượng trưng cho dân tộc Việt Nam da vàng, và năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lá cờ này xuất hiện lần đầu tiên tại Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, và sau đó trở thành lá cờ của Việt Minh. Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình. Nó được công nhận là quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa theo sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ngày 5/9/1945, và được Quốc hội khóa 1 năm 1946 khẳng định lại. Cờ đỏ sao vàng tung bay chiến thắng trên nắp hầm giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.( Ảnh: tư liệu quân đội) Lá cờ đỏ sao vàng trong nhiều thập kỷ qua luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Chiều ngày 7/5/19954, trên nóc hầm của tướng Đờ Caxtơri, lá cờ đó đã tung bay kiêu hãnh, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước. Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ đó lại phất phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lật đổ hoàn toàn chế độ tay sai đế quốc Mỹ ở Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc sẽ trường tồn với non sông gấm vóc Việt Nam mãi mãi. Lễ Thượng cờ 6h sáng và Hạ cờ vào 21h tối hàng ngày tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước Lăng Bác Hồ toát lên sự hùng tráng, trang nghiêm và xúc động. Ở hải đảo xa xôi, hình ảnh lá cờ Tổ quốc nổi bật sắc đỏ in trên nền trời như một ấn chỉ thiêng liêng. Chính lá cờ ấy cùng với cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Lá Cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trên nền trời xanh thẳm ở nơi biên cương, địa đầu cực Bắc của tổ quốc thuộc đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là biểu tượng thiêng liêng, xác định chủ quyền dân tộc. Màu cờ đỏ sao vàng bay phấp phới ở đất mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc gợi cho mỗi công dân Việt Nam niềm xúc cảm dạt dào. Tự hào lá cờ Tổ Quốc tung bay tại điểm cực Nam của trái đất. (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=58&newsid=242677