Thiêng liêng hai tiếng quê hương

Có những khoảnh khắc muốn gục ngã nhưng rồi chàng trai trẻ lại đứng lên đi tiếp, bởi ở đó có trái tim thắp lửa cho giấc mơ 'làm gì đó cho quê hương'.

Đánh đổi

Gương mặt của người đàn ông 40 tuổi trước mắt tôi không khác nhiều so với 4 năm trước khi anh lần đầu trở về Việt Nam để tìm kiếm ứng viên sang Mỹ làm tiến sĩ và tham gia công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mang tên mình. Chỉ có ánh mắt năm xưa dường như tỏa ra ánh nhìn tự tin, ấm áp và mạnh mẽ hơn. Cũng phải thôi, thời gian 4 năm với đời người không dài, nhưng với cuộc đời của một nhà khoa học thì nó thực sự “nhiều chuyện”. “Tôi đã từng tưởng như trắng tay, không phải là tiền, mà là những nỗ lực bền bỉ cùng đồng nghiệp đã thực sự thất bại mà mình không tin nổi”, với li cà phê, nhấp một ngụm, Hùng nói với tôi. Tôi “đọc” trong mắt anh một quãng dài quá khứ đang hiện về…

TS Nguyễn Đăng Hùng (Đại học Central Florida - Mỹ) là nhà khoa học người Việt có những dấu ấn đáng tự hào khi đó, bởi anh đã xuất bản hơn 30 công trình khoa học và nhận nhiều giải thưởng của Hiệp hội Huyết học, Hiệp hội phát triển Khoa học và Bộ Y tế Mỹ. Năm 2019, ở tuổi 36, với những kết quả nghiên cứu góp phần đẩy lùi căn bệnh ung thư, sau 7 năm làm việc tại Mỹ, anh được phong Giáo sư y học và làm chủ một phòng thí nghiệm độc lập do Chính phủ Mỹ bảo trợ. Nhưng để có những thành quả đó, nhà khoa học trẻ tuổi Việt Nam được phong giáo sư tại Mỹ đã trải qua những năm tháng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thậm chí có lúc tưởng như tuyệt vọng.

GS Hùng và cộng sự tại phòng thí nghiệm mang tên anh ở Mỹ.

Năm 2012, sang xứ sở cờ hoa, chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Hùng mang theo ước vọng hiện thực hóa giấc mơ được đào sâu nghiên cứu các liệu pháp chữa ung thư. Nhưng thực tế phũ phàng hơn tưởng tượng. Ngày đó áp lực công việc rất lớn mà lương thấp, hai vợ chồng phải thuê chung nhà với người bạn Hàn Quốc để tiết kiệm chi phí. Hùng thường xuyên đóng đô ở phòng thí nghiệm từ 8h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Chả thế mà Hương Ly - vợ anh nhớ cả đời câu nói của chồng khi cô có dấu hiệu sắp sinh con đầu lòng: “Chờ anh tiêm nốt cho con chuột để xong thí nghiệm đã, không lại lỡ mất thời gian” rồi Hùng dập máy luôn. Tủi thân vì không có chồng bên cạnh vào thời khắc quan trọng, nhưng Hương Ly hiểu công việc và tính cách của chồng nên… bỏ qua. “Có những lúc, tôi muốn đầu hàng và khuyên anh quay trở về Hàn Quốc vì ở đó cuộc sống, kinh tế thuận lợi cho cả hai vợ chồng và việc nghiên cứu với anh Hùng cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Nhớ nhất giai đoạn tôi gần sinh con cũng là lúc anh Hùng gặp trục trặc trong nghiên cứu, “tối hậu thư” của chủ phòng labo là cắt toàn bộ chế độ bảo hiểm chỉ trong 1 tuần. Lúc ấy trên đất Mỹ, chi phí cho một ca sinh không bảo hiểm là quá sức với gia đình mình”, Ly hồi tưởng.

Nhưng Hùng nhớ nhất là cú vấp chỉ sau đó một năm khiến anh buồn, hoang mang khi dự án mà anh và các cộng sự đang tham gia nghiên cứu vắc xin ngừa ung thư… hết kinh phí. Đủ các trạng thái tâm lí dồn dập đến khi anh và đồng nghiệp có thể phải rời nước Mỹ trong vòng một tháng sau đó nếu không có nơi cấp ngân sách cho nghiên cứu. Rối bời vì mọi việc quá bất ngờ. Nhưng Hùng không cho phép mình dừng lại. Ngay lập tức, anh quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang liệu pháp ung thư miễn dịch tại Hollings Cancer Center, một trong những Trung tâm nghiên cứu về ung thư lớn ở Mỹ thuộc trường đại học Nam Carolina. Liệu pháp rất mới khi đó - một sự lựa chọn liều lĩnh mà anh coi như canh bạc cuộc đời.

Gia đình nhỏ của GS Nguyễn Đăng Hùng.

Năm xưa, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, chàng trai quê Thái Nguyên nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc cho chương trình đào tạo tiến sĩ tại xứ sở Kim chi. Tại đây Hùng đạt những thành tích nghiên cứu nổi bật được giới khoa học đánh giá rất cao. “Bạn phải có khát vọng và đam mê cùng một niềm tin sắt đá rồi bạn sẽ thành công. Không ai nhìn vào những lần bạn ngã, mà họ chỉ thấy những lần bạn thành công, nên vững tin, không sợ thất bại là điều kiện cần…, may mắn sẽ chỉ đến với ai dám thử thách mà thôi”, Hùng luôn nghĩ thế từ khi còn là chàng sinh viên trường Dược. Cho đến giờ khi đã là giáo sư với những thành công nhất định ở môi trường khoa học lớn nhất thế giới Hùng vẫn trung thành với quan điểm đó. Với Hùng, đó là kim chỉ nam soi đường…

Khát khao phụng sự quê hương

Không nói nhiều về những thành công của mình khi tôi hỏi, Hùng trải lòng về khát khao được cống hiến cho quê hương. Hơn 10 năm xa xứ, chìm trong những nghiên cứu, Hùng luôn đau đáu giúp đỡ Việt Nam phát triển các liệu pháp tế bào chống ung thư và nhận thấy chuyển giao công nghệ về phương pháp điều trị ung thư mới nhất từ Mỹ về Việt Nam rất khó, nhưng đưa bác sĩ Việt Nam sang để đào tạo rồi trở về ứng dụng cho bệnh nhân ung thư là điều có thể.

“Tôi mong muốn đưa các tiến sĩ Việt Nam tới Mỹ học sau tiến sĩ và nghiên cứu điều trị ung thư trong vòng từ 2-10 năm. Chúng tôi muốn đào tạo hệ thống nhân lực các bác sĩ thay vì chỉ đào tạo cho các bác sĩ về phương pháp điều trị. Bởi phương pháp thì có thể lạc hậu theo thời gian, nhưng nếu có hệ thống nhân lực, thì sẽ làm chủ được việc cập nhật được kĩ thuật y khoa mới để điều trị cho bệnh nhân ung thư Việt Nam. Không chỉ nghiên cứu đào tạo ở Labo Hùng Nguyễn, ứng viên sẽ còn có các phòng labo do các nhà khoa học y sinh gốc Việt khác hỗ trợ”, GS Nguyễn Đăng Hùng không giấu khát vọng của mình. Dường như áp lực công việc không khiến người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé ấy mệt mỏi. Anh vẫn miệt mài tìm kiếm sự hợp tác để xây dựng ngân hàng tế bào gốc cũng như áp dụng những phương pháp mới cho điều trị ung thư ở Việt Nam.

“Không ngại dấn thân, không sợ thất bại” - đó là quan điểm sống của nhà khoa học trẻ Nguyễn Đăng Hùng, bởi anh tâm niệm “nếu không làm ý tưởng sẽ mãi là ý tưởng, cơ hội sẽ vượt qua và bạn sẽ ân hận khi người khác hiện thực hóa nó. Hãy cứ lao vào làm và không được từ bỏ”.

Trong một lần trò chuyện với tôi, dược sĩ Phan Văn Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty CVI, người gắn bó với GS Hùng từ thời sinh viên, bộc bạch: “Rất ít giáo sư người Việt được cấp ngân sách chủ trì một phòng thí nghiệm riêng ở Mỹ. GS Hùng đã làm được điều ấy chỉ sau thời gian không dài đến Mỹ. Điều tôi đặc biệt trân quý Hùng, không chỉ bởi tài năng và sự đam mê, nghiêm túc và đột phá trong nghiên cứu khoa học, mà bởi chính tấm lòng, tâm huyết và mong muốn đồng hành, trợ giúp các nhà khoa học trẻ, vì sự phát triển của khoa học của Việt Nam. Hùng luôn trăn trở và chia sẻ sẵn sàng dành học bổng sau tiến sĩ cho các học viên Việt Nam, học xong và về lại nước nhà làm việc, sẵn sàng kết nối, cung cấp thông tin khoa học, định hướng nghiên cứu cho các nhà khoa học, các công ty tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan”.

Khoa học thực thụ là cuộc kiếm tìm không hạn định. Nhà khoa học thực thụ là kẻ quên mình. Họ tận hiến, và với GS Nguyễn Đăng Hùng, tôi nghĩ đến dòng máu Việt đang chảy trong anh không ngừng nghỉ, vẫn réo gọi anh như từng réo gọi những con dân đất Việt suốt mấy nghìn năm qua, là có đi đâu, làm gì, thì nơi chôn rau cắt rốn mãi là chốn thiêng liêng để trở về.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieng-lieng-hai-tieng-que-huong-post1604729.tpo