'Thiên đường an toàn' gục ngã, số ca Covid-19 ở Hàn Quốc phá kỷ lục

Kiribati, quốc đảo từng được coi là một trong số ít 'thiên đường an toàn không Covid-19' trên Trái đất suốt 2 năm qua, vừa bị mất danh hiệu khi liên tục ghi nhận ca mắc mới.

Bất chấp sự càn quét của virus SARS-CoV-2 khắp toàn cầu, Kiribati trong giai đoạn 2020 - 2021 không ghi nhận bất kỳ ca mắc nào do tọa lạc ở nơi xa xôi giữa Thái Bình Dương và nhà chức trách đã cho áp các lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Từ tháng 3/2020, quốc đảo chỉ có dân số xấp xỉ 140.000 người này đã cho đóng cửa biên giới.

Quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Kiribati không còn "miễn nhiễm" với Covid-19 khi đầu tháng 1 năm nay, quốc đảo bắt đầu tái mở cửa cho đi lại xuyên biên giới. Chính quyền đã cho phép Giáo Hội Mormon thuê một máy bay đưa 54 công dân, chủ yếu là các nhà truyền giáo hồi hương. Hơn 1/2 trong số họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, dù trước đó đã xét nghiệm kiểm dịch 3 lần âm tính ở đảo Fiji lân cận và thực hiện cách ly cũng như xét nghiệm bổ sung khi về đến nhà.

Tính đến ngày 30/1, số ca mắc mới đã tăng vọt lên 181 người. Để ứng phó, Chính phủ Kiribati ban hành sắc lệnh thảm họa, triển khai phong tỏa tới nhiều hòn đảo thuộc đất nước.

Tổng thống Taneti Maamau cam kết, chính phủ của ông sẽ sử dụng mọi nguồn lực để cải thiện tình hình, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng. Cho đến nay, mới 33% dân số Kiribati hoàn thành các mũi tiêm vắc xin cơ bản, 59% được tiêm ít nhất một liều.

Đài ABC trích dẫn lời tiến sĩ Api Talemaitoga, chủ tịch một mạng lưới các bác sĩ bản địa đảo Thái Bình Dương ở New Zealand cho biết, Kiribati chỉ có một số ít giường chăm sóc tích cực (ICU) và trước đây phải gửi những bệnh nhân ốm yếu nhất đến Fiji hoặc New Zealand để điều trị. Vì vậy, các chuyên gia e ngại đại dịch sẽ gây quá tải, dẫn đến nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế quốc gia của quốc đảo này.

Ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc chạm đỉnh

Theo hãng thông tấn Yonhap, số ca mắc mới ở Hàn Quốc hôm 30/1 lên tới 17.532 trường hợp, mức cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới tại nước này xô đổ các kỷ lục thiết lập trước đó, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên gần 829.000 trường hợp, bao gồm 6.732 bệnh nhân tử vong.

Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại dịp cuối tuần và nghỉ Tết nguyên đán (từ 31/1 - 2/2) để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhà chức trách cảnh báo, nếu mọi người lơ là các biện pháp phòng chống dịch, số ca mắc mới có thể tăng vọt lên 100.000 người/ngày trong vài tuần tới.

Hôm 29/1, Hàn Quốc cho trình làng một hệ thống ứng phó virus đã được sửa đổi nhằm chống lại làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron.

Khoảng 250 trạm xét nghiệm được thiết lập tại các trung tâm y tế cộng đồng và các bệnh viện lớn đã bắt đầu cung cấp cả các bộ tự xét nghiệm nhanh Covid-19 và xét nghiệm PCR. Mọi người có thể chọn loại xét nghiệm nào tùy thích. Song, những người trên 60 tuổi hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao được ưu tiên xét nghiệm PCR.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, các biện pháp trên nhằm giảm thiểu số ca bệnh nặng và tử vong vì dịch, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng quá tải và sụp đổ của hệ thống y tế quốc gia. Hệ thống ứng phó cải tiến sẽ được triển khai rộng khắp toàn quốc sau 3 ngày nghỉ Tết nguyên đán.

Theo KDCA, 86% trong tổng số 52 triệu dân toàn quốc đã hoàn thành các liều vắc xin cơ bản và 53% được tiêm mũi tăng cường.

Israel vượt đỉnh điểm của làn sóng Omicron

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 30/1 tuyên bố, nước ông bắt đầu nhìn thấy điểm kết thúc của làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra.

Phát biểu trong cuộc họp nội các hằng tuần được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, ông Bennett nói, quốc gia Do Thái bắt đầu chứng kiến xu hướng ổn định dần của đợt bùng phát vì Omicron. Song, ông cảnh báo mọi người nên lạc quan thận trọng vì Israel vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trong các bệnh viện và số ca mắc mới rất cao.

Tân Hoa xã dẫn thông báo trước đó của Bộ Y tế Israel cho hay, hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 (hệ số R) lần đầu tiên trong nhiều tháng đã giảm xuống dưới mức 1. Hệ số R từng lên tới mức 2,12 hồi giữa tháng 1 nhưng đã giảm xuống còn 0,95 hôm 30/1.

Nhà chức trách thống kê, kể từ đầu dịch, quốc gia có 9,45 triệu dân này đã ghi nhận gần 2,8 triệu ca mắc, bao gồm 8.658 trường hợp thiệt mạng. 67% dân số toàn quốc đã hoàn thành tiêm chủng và 56% được tiêm các mũi vắc xin tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 31/1 (giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 đã tấn công 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 375 triệu người, bao gồm xấp xỉ 5,7 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, hơn 296,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 75,6 triệu ca mắc, hơn 907.000 bệnh nhân không qua khỏi. 64% người dân ở xứ sở cờ hoa đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và 26% được tiêm mũi tăng cường.

- Philippines đã lên kế hoạch tái mở cửa biên giới từ tháng 2, cho phép du khách từ ít nhất 150 quốc gia, tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, nhập cảnh mà không cần cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ. Theo Thứ trưởng Y tế Philippines, biến thể Omicron có tỷ lệ lây nhiễm ở nước này "thậm chí có thể cao hơn ở những quốc gia Manila đang hạn chế đi lại" và hầu hết các ca mắc là do lây lan trong cộng đồng chứ không phải do người nhập cảnh.

- Bộ Y tế Ấn Độ ngày 30/1 cho biết, chỉ trong vòng một năm, nước này đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho hơn 705 triệu người, tương đương 75% dân số trên 18 tuổi. Thủ tướng Narendra Modi khẳng định đây là mốc đánh dấu thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia, dù kết quả trên vẫn chậm hơn so với mục tiêu ban đầu do chính phủ đặt ra là hoàn thành chủng ngừa cho 100% dân số trưởng thành (950 triệu người) vào tháng 12/2021.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tinh-hinh-covid-19-the-gioi-31-1-thien-duong-an-toan-guc-nga-812859.html