Thị trường việc làm Mỹ hạ nhiệt, báo hiệu nền kinh tế chững lại

Các nhà tuyển dụng ở Mỹ chỉ bổ sung thêm 150.000 việc làm mới trong tháng 10, mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tăng lên 3,9%, đồng thời tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng chậm lại, báo hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại.

Thị trường việc làm ở Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, với các nhà tuyển dụng chỉ bổ sung thêm 150.000 việc làm mới trong tháng 10, chỉ bằng một nửa so với tháng 9. Ảnh: AP

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 3-11, các công ty tuyển dụng thêm 150.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 10, chỉ bằng một nửa số việc làm mà họ bổ sung trong tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng trước tăng lên mức 3,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm kể từ tháng 4. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 4,1% so với một năm trước, giảm so với mức tăng 4,3% trong tháng 9. Tốc độ tăng lương đã chậm lại kể từ tháng 3-2022, khi mức tăng lương hàng năm ở mức gần 6%. Số người Mỹ đang làm việc hoặc đang tìm việc giảm nhẹ trong tháng 10 lần đầu tiên kể từ tháng 4.

Môi trường tuyển dụng hiện cũng rất khác so với hai năm trước. “Tôi ngạc nhiên vì mức độ trì trệ của trường việc làm”, Mark Dunning, 37 tuổi, ở Green Bay, bang Wisconsin, người đã mất việc nhân viên kinh doanh tại một công ty tiếp thị hồi tháng 9, nói. Lần cuối cùng tìm việc vào năm 2021, Dunning nhận được rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn trong tuần đầu tiên nộp đơn.

Các số liệu suy yếu nói trên có thể là bằng chứng mạnh mẽ hơn, cho thấy chi phí vay cao đã làm chậm nền kinh tế, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xem xét kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, hôm 2-11, Fed quyết định giữ nguyên biên độ lãi suất 5.25-5.5%. Đây là lần thứ hai liên tiếp Fed tạm dừng tăng lãi suất sau khi tăng 11 đợt, bao gồm 4 đợt trong năm 2023.

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động có thể xoa dịu những lo ngại rằng. hoạt động mua sắm mạnh mẽ của người tiêu dùng trong mùa hè này sẽ khiến tốc độ tuyển dụng hoặc tiền lương tăng tốc trở lại.

Báo cáo việc làm giúp kéo dài đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 5% trong tuần này lên 34.061,32 điểm, đánh dấu thành quả tăng điểm hàng tuần tốt nhất trong một năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chứng kiến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3, đóng cửa ở mức 4,557% hôm 3-11. Lợi suất trái phiếu giảm khi giá tăng.

Doanh nghiệp Mỹ đang giảm tuyển dụng trong bối cảnh vĩ mô và địa chính trị bất ổn, với lãi suất cao, lạm phát dai dẳng và chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ có ba khu vực gồm chính phủ, y tế, giải trí và khách sạn, đóng góp gần như toàn bộ số việc làm tăng thêm trong tháng 10.

“Tháng 10 có thể là bước ngoặt đối với nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu lao động suy yếu và tăng trưởng tiền lương chậm lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại khá đáng kể”, Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của Nationwide, bình luận.

Bostjancic dự báo, kinh tế Mỹ có thể trải qua một đợt suy thoái trong nửa đầu năm tới. Trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal tháng trước, các nhà kinh tế cho rằng xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ năm tới là 50/50

Báo cáo việc làm củng cố thêm các dấu hiệu khác về sự hạ nhiệt của nền kinh tế Mỹ trong mùa thu. Theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), hoạt động sản xuất ở Mỹ giảm trong tháng 10, chấm dứt ba tháng tăng trưởng. Trong khi đó, hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ tăng trưởng chậm hơn. Số người Mỹ tiếp tục xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng trước tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4, một dấu hiệu cho thấy họ mất nhiều thời gian hơn để tìm việc làm mới.

Theo CME Group, các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai đã giảm đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa. Dữ liệu giao dịch của họ cho thấy, xác suất để Fed tăng lãi suất thêm một đợt nữa đã giảm xuống khoảng 10% vào hôm 3-11 từ 26% vào hôm 2-11. Họ cũng bắt đầu dự đoán Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5-2023 thay vì tháng 6.

Hồi tháng 9, các quan chức Fed dự báo đến cuối năm, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ đạt 3,8 % nhưng dữ liệu thực tế trong tháng 10 đã vượt mức này. Điều đó có nghĩa là Fed có thể tập trung xác định thời điểm giảm lãi suất trong năm tới, thay vì cân nhắc có nên tăng lãi suất nữa hay không, Neil Dutta, chuyên gia kinh tế tại Công ty nghiên cứu Renaissance Macro, nhận định.

Nền kinh tế Mỹ ở thời kỳ hậu đại dịch chứa đầy những bất ngờ. Hồi đầu năm 2023, nhiều chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ trải qua một cơn suy thoái vào giữa năm nay. Thay vào đó, GDP của Mỹ tăng với tốc độ 4,9% trên cơ sở hàng năm trong quí 3, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021. Nhiều nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại, còn 1% trong quí hiện tại.

Thị trường việc làm Mỹ có thể suy yếu hơn nữa vào năm 2024. Số lượng nhân viên mới được tuyển dụng và số người tự nguyện bỏ việc đã giảm kể từ đầu năm ngoái. Số người bị sa thải vẫn giữ tốc độ ổn định, theo Bộ Lao động Mỹ. Các dữ liệu đó cho thấy thị trường lao động đang bắt đầu đóng băng, với tỷ lệ luân chuyển lao động ít hơn. Sự không chắc chắn về tương lai khiến người sử dụng lao động và người lao động quyết định rằng thời điểm hiện tại không phải là lúc để thực hiện những thay đổi lớn.

Các doanh nghiệp Mỵ cho biết môi trường tuyển dụng hiện nay dễ dàng hơn so với năm 2021 hoặc 2022. “Năm ngoái, thị trường lao động rất chặt chẽ. Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng năm nay, mọi chuyện đã khá hơn”, Nick Payzant, người sở hữu Cerna Healthcare, một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, có trụ sở ở California, nói.

Kể từ khi Covid-19 ập đến, Payzant ước tính, anh đã phải tăng lương khoảng 5 đô la, lên từ 18-20 đô la/giờ để tuyển dụng nhân viên mới.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-viec-lam-my-ha-nhiet-bao-hieu-nen-kinh-te-chung-lai/