Thị trường Tết: Giá cả bình ổn, sức mua khởi sắc

Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, người dân đã bắt đầu mua sắm chuẩn bị đón tết, nên sức mua tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa, tiện ích… đang tăng dần.

Người dân mua sắm tại gian hàng tết của HTX phường 1 - TP. Mỹ Tho ngày 23-1. Ảnh: MINH THÀNH

Ngoài các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa tết, thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng bắt đầu tung ra thị trường cuối năm nhiều combo mới, lạ, đẹp mắt.

BẮT ĐẦU NHỘN NHỊP

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Đây là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao nên các nhà cung ứng tung ra thị trường ra lượng hóa lớn. Theo nhận định chung, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân hạn chế chi tiêu nên chủ yếu mua sắm những nhóm hàng thiết yếu. Dù vậy, mãi lực thị trường cũng đã bắt đầu tăng khi những ngày tết đang đến gần.

Cô Đỗ Thị Kim Phụng (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) cho biết, dù khó khăn nhưng cô cũng cố gắng mua các hàng hóa thiết yếu phục vụ mấy ngày tết nhưng số lượng có hạn chế hơn mọi năm. Hiện giá cả các mặt hàng không tăng, nên cô cũng yên tâm mua sắm.

Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức đoàn kiểm tra tại Co.opmart Gò Công.

Thị trường hàng hóa đã bắt đầu sôi động trở lại sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sức mua tăng, chủ yếu là nhóm quà tết gồm các hàng hóa thiết yếu được đóng gói, phục vụ khách hàng là doanh nghiệp đặt hàng tặng nhân viên, người lao động.

Theo ông Phạm Chí Công, Giám đốc Co.opmart Gò Công, sức mua tại siêu thị đã tăng từ 10% - 15% so với cùng kỳ. Năm nay, lượng khách hàng đặt gói quà tặng công nhân tăng 100% - 150%, mỗi gói quà có giá trị từ 250 - 350 ngàn đồng. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, siêu thị áp dụng biện pháp phân luồng, trong một khung giờ khách hàng vào siêu thị không quá 40 người, thường xuyên khử khuẩn…, nên khách hàng cũng yên tâm khi mua sắm.

Nhằm thu hút khách hàng, các siêu thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang áp dụng các chương trình khuyến mại; đồng thời, duy trì hình thức bán hàng qua mạng, qua điện thoại, hỗ trợ chi phí giao hàng tận nơi, linh hoạt hình thức thanh toán (tiền mặt hoặc chuyển khoản) nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm tết an toàn và tiện lợi. Như thông lệ hằng năm, thời điểm này lượng khách đến mua sắm tại HTX TM-DV Phường 1 (TP. Mỹ Tho) đã tăng đáng kể.

Ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc HTX TM-DV Phường 1 cho biết, lượng khách hàng đến mua sắm đã tăng so với 2 tuần trước. Hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trên thị trường được cửa hàng bán giá thấp hơn từ 5%. “Bên cạnh cung ứng tại các cửa hàng trực thuộc, HTX TM-DV Phường 1 còn tổ chức vận chuyển các chuyến hàng hóa thiết yếu đến vùng sâu, vùng xa, từ 1 - 2 chuyến xe tải 7 tấn/ngày, để người dân có thể mua sắm được các mặt hàng chất lượng, giá tốt”- ông Huỳnh Kim Tuấn cho biết.

Một trong những nét mới trong thị trường hàng hóa tết năm nay là sự lên ngôi của các sản phẩm Việt, đặc biệt là nhóm các sản phẩm OCOP. Quan sát thị trường cho thấy, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng của các đơn vị phân phối lớn, đặc biệt là sản phẩm OCOP của Tiền Giang đã góp mặt phần nhiều trong các giỏ quà tặng.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn, đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm yến với quy mô lớn, cho biết, nhiều sản phẩm được chế biến từ tổ yến, được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, trở thành các sản phẩm chính trong các giỏ quà xuân Nhâm Dần 2022 và được phân phối ở nhiều tỉnh, thành nhờ các doanh nghiệp đặt làm quà biếu tết. “Đây là kênh quảng bá, tiêu thụ quan trọng, nhất là đối với các sản phẩm được chứng nhận OCOP của công ty” - ông Bùi Băng Sơn cho biết.

KHÔNG LO THIẾU HÀNG

Theo đánh giá chung của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng những ngày gần đây tình hình thị trường hàng hóa có dấu hiệu khả quan hơn. Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, hiện thị trường tết đã bắt đầu sôi động. Sức mua tăng từ 25% - 35% so với các ngày trước, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại khu vực TP. Mỹ Tho, sức mua hàng hóa tăng từ 30% - 45%, đặc biệt nhóm mặt hàng thường dùng làm quà tết đã tăng từ 45% - 60%.

Nhân viên siêu thị chuẩn bị hàng hóa cuối năm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, không để thiết hụt nguồn hàng, các đơn vị kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn lực để cung ứng. Trao đổi gần đây, Phó Giám đốc Co.opmart Mỹ Tho Phạm Đức Phương cho biết, thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2022, siêu thị đang triển khai dự trữ tại siêu thị và ở kho của hệ thống, với lượng hàng tương đương với Tết Nguyên đán năm 2021.

Nhìn chung, nguồn cung ứng hiện tương đối ổn định, chỉ riêng mẫu mã, bao bì hàng hóa phục vụ tết dường như nhà cung ứng tung ra ít hơn năm trước, nhất là đối với nhóm hàng bánh kẹo, nhưng nhóm hàng hóa thiết yếu thì đầy đủ chủng loại và phong phú về mẫu mã. Siêu thị không rút hàng ồ ạt, mà trữ sẵn lượng hàng ở kho của hệ thống, nhu cầu hàng hóa đến mức nào thì đảm bảo cung ứng đến đó” - bà Phạm Đức Phương cho biết.

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tết người dân vào dịp cuối năm, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời gian thực hiện từ ngày 3-1 đến ngày 2-3-2022, với nhóm các mặt hàng chủ yếu như: Gạo, đường các loại, dầu ăn, thịt gia súc gia cầm…

Ngoài ra, kế hoạch dự trữ còn tính toán đến một số sản phẩm khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt… Để đánh giá đúng diễn biến tình hình thị trường những ngày giáp tết, mới đây Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện Kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết tại các doanh nghiệp, HTX tham gia bình ổn giá.

Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết, hầu hết các đơn vị đã dự trữ đủ lượng hàng hóa theo kế hoạch của UBND tỉnh; trong đó, có hơn 95% hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa. Riêng các siêu thị, bên cạnh dự trữ tại kho còn dự trữ tại các kho của công ty mẹ tại TP. Hồ Chí Minh.

“Giá bán tại các cửa hàng của các đơn vị thấp hơn từ 5% - 10% so với giá bán trên thị trường đối với hàng hóa cùng loại, cùng quy cách đóng gói. Các đơn vị đã chấp hành tốt quy định đăng ký giá, niêm yết giá đầy đủ, chi tiết từng mặt hàng tại nơi bày bán hàng hóa và bán theo giá niêm yết, có treo băng rôn thông tin về điểm bán hàng bình ổn tại các điểm bán hàng và tại nơi bày bán hàng hóa thiết yếu phục vụ tết” - đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết.

LÝ OANH - A.P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202201/thi-truong-tet-gia-ca-binh-on-suc-mua-khoi-sac-943237/