Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội

VN-Index giảm không đáng kể; Chống thao túng ngân hàng, chỉ dựa vào luật là chưa đủ; 'Chợ' trái phiếu đông dần; Dòng tiền 'nhập cuộc' mạnh hơn; Thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/1 giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 73,70 – 76,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 26,3 USD xuống 2.028,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và giảm nhẹ về gần 2.020 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,41 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.017 đồng/USD, tăng 30 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.360 – 24.700 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 43.400 USD thì sang phiên hôm nay đã đảo chiều giảm nhẹ và về gần 42.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,66 USD (-2,28%), xuống 70,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,62 USD (-2,07%), xuống 76,67 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Các nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn đang xoay vòng hỗ trợ cho thị trường. Sau dòng bank và thép, các cổ phiếu chứng khoán đua nhau nổi sóng giúp VN-Index nhanh chóng bật tăng lên gần 1.170 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán dần gia tăng về cuối phiên, khiến VN-Index lùi về tham chiếu, giằng co và rung lắc trước khi đóng cửa mất điểm nhẹ.

Thanh khoản là điểm tích cực nhờ dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,81 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 138,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/1: VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,05%), xuống 1.162,53 điểm; HNX-Index đứng giá tham chiếu 229,5 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 86,96 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (16/1), ảnh hưởng lớn từ cổ phiếu ngân hàng sau diễn biến trái chiều từ Goldman Sachs và Morgan Stanley khiến các nhà đầu tư thận trọng về sức khỏe của thị trường.

Goldman Sachs báo cáo lợi nhuận quý IV tăng 51%, nhờ tận dụng sự phục hồi của thị trường và giá cổ phiếu nhích 0,7%. Tuy nhiên, Morgan Stanley lại thông báo lợi nhuận giảm, trong khi doanh thu vượt kỳ vọng, giá cổ phiếu giảm hơn 4,1% trong phiên này.

Thêm vào sự thận trọng của thị trường, Thống đốc Fed Christopher Waller đã có phát biểu mới nói rằng, Fed không nên vội vàng cắt giảm lãi suất mặc dù ông tự tin hơn về việc lạm phát đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 2%.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Dow Jones giảm 231,86 điểm (-0,62%), xuống 37.361,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,85 điểm (-0,37%), xuống 4.765,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 28,41 điểm (-0,19%), xuống 14.944,35 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp, sau khi đạt mức đỉnh 34 năm trước đó.

Chỉ số Nikkei 225 khởi động tăng khi đồng yên yếu hơn thúc đẩy cổ phiếu nhiều nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ số đã đảo chiều sau khi tăng tới 1,83% với áp lực chốt lời gia tăng mạnh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 35.477,75 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,3% xuống 2.496,38 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật đã lóe lên những dấu hiệu cảnh báo. Chỉ số sức mạnh tương đối RSI đã tăng cao tới 74,61 điểm vào thứ Hai, cao hơn nhiều so với mức 70 điểm báo hiệu tình trạng quá mua, trước khi lùi xuống 69,11 điểm trong phiên hôm nay.

"Thị trường Nhật Bản đã có một hoạt động rất mạnh mẽ kể từ đầu năm. Vì vậy, việc chốt lời là điều tự nhiên", Shinji Abe, chiến lược gia tại Daiwa Securities, cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, khi một loạt dữ liệu kinh tế được công bố gây thất vọng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,09% xuống 2.833,62 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,18% xuống 3.330,88 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế quý IV/2023 của Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 5,3% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò. GDP tăng 5,2% cho cả năm 2023.

Trong khi đó, đợt bán tháo hôm nay cũng tiếp diễn, khi dữ liệu được công bố cho thấy Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức từ áp lực giảm phát và khủng hoảng bất động sản.

Sự sụt giảm của giá nhà trở nên tồi tệ hơn, với giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc đã giảm 0,45% trong tháng 12/2023, so với mức giảm 0,37% của tháng 11/2023. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015. Thị trường nhà cũ cũng không khá hơn khi giá giảm 0,79%.

Thị trường tiếp tục giảm ngay cả sau khi Bloomberg đưa tin vào cuối ngày rằng, Trung Quốc đang xem xét phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ cái gọi là “trái phiếu có chủ quyền đặc biệt”, khi các nhà chức trách tìm kiếm thêm vốn để tài trợ cho các nỗ lực vực dậy nền kinh tế.

Triển vọng thị trường còn trở nên phức tạp hơn, do sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thể làm bùng phát căng thẳng Mỹ-Trung. Donald Trump báo hiệu rằng ông sẽ một lần nữa biến lập trường của mình về Trung Quốc thành một phần quan trọng trong chiến lược tranh cử của mình.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng, khi dữ liệu tăng trưởng quý IV đáng thất vọng của Trung Quốc làm quan ngại thêm lo lắng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,71% xuống 15.276,90 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,94% xuống 5.132,82 điểm.

Khối ngoại bán ròng hơn 13 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) cổ phiếu trên bảng điện tử, mức cao nhất trong hơn một năm.

Với các chỉ số quan trọng ở Hồng Kông gần như đã xóa sạch tất cả những gì đạt được kể từ cơn sốt mở cửa trở lại vào cuối năm 2022, các nhà giao dịch hoang mang tự hỏi đáy đang nằm ở đâu. Trong khi một số người chỉ ra định giá thấp đang là lý do cho một đợt phục hồi ngắn hạn, nhưng tâm lý thị trường quá yếu đến nỗi những nỗ lực kích thích không đủ để thu hút lực cầu.

Chỉ số Hang Seng là chỉ số chính hoạt động kém nhất trên toàn cầu trong năm nay với mức giảm đã vượt quá 10%.

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, sau bình luận của những quan chức Fed đã làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất sớm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 61,69 điểm, tương đương 2,47% xuống 2.435,90 điểm.

Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 141,43 điểm (-0,40%), xuống 35.477,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 60,37 điểm (-2,09%), xuống 2.833,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 589,02 điểm (-3,71%), xuống 15.276,90 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 61,69 điểm (-2,47%), xuống 2.435,90 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chống thao túng ngân hàng, chỉ dựa vào luật là chưa đủ

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định ngăn sở hữu chéo, chống thao túng, lũng đoạn ngân hàng, song nhiều ý kiến vẫn hết sức băn khoăn..>> Chi tiết

- "Chợ" trái phiếu đông dần

Sai phạm về trái phiếu doanh nghiệp được xử lý, “chợ” trái phiếu ra đời, công cụ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định tốt hơn…>> Chi tiết

- Dòng tiền “nhập cuộc” mạnh hơn

Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm tới nay, cho thấy dòng tiền đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư..>> Chi tiết

- Thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ

Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã kết thúc năm 2023 với mức giảm giá nhà mới tồi tệ nhất trong gần 9 năm, bất chấp nỗ lực hỗ trợ của chính phủ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-dong-tien-da-tich-cuc-hon-trong-viec-tim-kiem-co-hoi-post337939.html