Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hụt thanh khoản gần đây chỉ mang tính thời điểm

VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận khả quan; Thị trường 'trái phiếu thảm họa' sắp có đợt phát hành tăng đột biến; Thế giới đang ở 'điểm bùng phát' sau các khoản nợ của chính phủ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 25/10 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 69,65 – 70,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 1,8 USD xuống 1.970,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và dao động nhẹ quanh 1.970-1975 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.087 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.380 – 24.720 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 33.900 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích nhẹ lên trên 34.000 USD và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) đứng ở 83,74 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,12 USD (+0,14%), lên 88,19 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường dù tăng từ sớm, nhưng thanh khoản yếu và lực cầu dè dặt khiến đà tăng của VN-Index chỉ ở mức thấp.

Trong khi đó, lực bán một lại gia tăng sau thời điểm 14h, dù không mạnh như các phiên trước đó, khiến VN-Index nới đà giảm trước khi bị chặn lại ở ngưỡng 1.100 điểm. Thanh khoản dù cải thiện so với phiên hôm qua, nhưng vẫn đứng ở mức thấp, chỉ hơn 11.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 25,08 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 575,05 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/10: VN-Index giảm 4,24 điểm (-0,38%), xuống 1.101,66 điểm; HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,83%), xuống 227,01 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 85,57 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (24/10), khi những dự báo từ Verizon, Coca-Cola và những công ty khác đã thúc đẩy sự lạc quan về sức khỏe của doanh nghiệp Mỹ khi đối mặt với nền kinh tế chậm lại và lạm phát cao hơn.

Verizon tăng 9,2% sau khi nhà mạng không dây này nâng dự báo dòng tiền tự do trong năm, General Electric tăng 6,5% sau khi nhà sản xuất động cơ máy bay nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

Cổ phiếu Coca-Cola tăng 2,9% nhờ nâng triển vọng bán hàng trong năm nay, trong khi nhà sản xuất hàng công nghiệp 3M tăng 5,3% khi điều chỉnh nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

Kết thúc phiên 24/10: Chỉ số Dow Jones tăng 204,97 điểm (+0,62%), lên 33.141,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,64 điểm (+0,73%), lên 4.247,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,55 điểm (+0,93%), lên 13.139,88 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng tích cực của phiên đêm qua trên Phố Wall và kỳ vọng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,67% lên 31.269,92 điểm. Chỉ số Topix 0,61% lên 2.254,40 điểm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh của Nhật Bản đã diễn ra từ khoảng đầu tháng, nhưng tăng tốc vào tuần tới và đạt đỉnh vào giữa tháng 11.

Nhà sản xuất máy móc công nghiệp IHI Corp là cổ phiếu hoạt động hàng đầu trên Nikkei 225 với mức tăng 4,61%. Tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Screen Holdings, tăng 3,53%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi nước này thông qua việc phát hành thêm 1.000 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chủ quyền để hỗ trợ nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,40% lên 2.974,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,50% lên 3.504,46 điểm.

Các nhà phân tích cho biết, việc thúc đẩy gói kích thích tài khóa đã thể hiện cam kết của lãnh đạo nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5% gần như được đảm bảo.

Cổ phiếu cơ sở hạ tầng theo đó đã tỏa sáng, tăng 2,6%.

Việc phát hành thêm trái phiếu sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2023 của Trung Quốc lên khoảng 3,8% GDP từ mức mục tiêu 3%, Tân Hoa Xã cho biết.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000, Trung Quốc mở rộng thâm hụt ngân sách trong năm tài chính và là lần thứ tư trong lịch sử nước này phát hành trái phiếu đặc biệt.

"Nó đến với thị trường như một bất ngờ. Trung Quốc hiếm khi điều chỉnh ngân sách. Một phần số tiền huy động được sẽ được sử dụng vào năm tới, do đó điều này giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng sau quý IV". Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết.

Trong một tín hiệu mạnh mẽ khác về sự tập trung của Bắc Kinh vào việc phục hồi nền kinh tế và thị trường tài chính, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến ngân hàng trung ương trong 10 năm làm chủ tịch, Reuters trích dẫn các nguồn tin

Chứng khoán Hồng Kông tăng, cũng nhờ thông tin Trung Quốc phát hành hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,55% lên 17.084,33 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,94% lên 5.853,97 điểm.

Trong một diễn biến khác, Hồng Kông có kế hoạch cắt giảm thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán xuống 0,1% từ 0,13% để thúc đẩy thanh khoản thị trường, Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông John Lee cho biết hôm thứ Tư trong khi đưa ra bài phát biểu chính sách năm 2023.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin lao dốc sau khi công ty hàng đầu trong ngành LG Energy Solution (LGES) cảnh báo về nhu cầu suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,34 điểm, tương đương 0,85% xuống 2.363,17 điểm.

LGES cảnh báo về tăng trưởng doanh thu chậm hơn vào năm 2024, sau khi báo cáo lợi nhuận quý III tăng 40%, cùng với ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp bày tỏ sự thận trọng.

Cổ phiếu LGES giảm 8,70%, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022 và đánh phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/1/2022.

Các công ty cùng ngành khác như Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 7,19% và 5,67%, trong khi nhà sản xuất vật liệu pin POSCO Holdings giảm 6,01%.

Đi ngược xu hướng thị trường, LG Display tăng 5,45%, khi nhà sản xuất màn hình phẳng đánh dấu lợi nhuận tăng trở lại trong quý vừa qua, sau khi kinh doanh thua lỗ quý thứ sáu liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 25/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 205,57 điểm (+0,67%), lên 31.269,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,87 điểm (+0,40%), lên 2.974,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 93,80 điểm (+0,55%), lên 17.085,33 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,34 điểm (-0,85%), xuống 2.363,17 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận khả quan

Lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, lợi nhuận sẽ tích cực trong quý cuối năm khi triển vọng kinh tế sáng hơn, tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện…>> Chi tiết

- Thị trường “trái phiếu thảm họa” sắp có đợt phát hành tăng đột biến

Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong ba tuần đầu tháng 10 đạt 13.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với trong tháng 9..>> Chi tiết

- Thanh khoản “tụt áp”: Mừng hay lo?

Vấn đề thanh khoản mang tính thời điểm, khi thị trường bị chi phối bởi áp lực tỷ giá và lạm phát. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tín hiệu có thể điều chỉnh chính sách. Thị trường chứng khoán là thị trường kỳ vọng, khi nhà đầu tư chưa có điều gì để kỳ vọng trong ngắn hạn thì thị trường đi vào điều chỉnh và tích lũy là lẽ thường..>> Chi tiết

- Thế giới đang ở "điểm bùng phát" sau các khoản nợ của chính phủ

HSBC cảnh báo thế giới đang ở “điểm bùng phát” về nợ nần và có nguy cơ gây ra sự cân nhắc lại trên toàn cầu sau nhiều năm chính phủ vay mượn quá mức..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-hut-thanh-khoan-gan-day-chi-mang-tinh-thoi-diem-post332466.html