Thị trường ôtô Việt Nam bập bềnh sương khói

Thành tích lại được ghi nhận, khó khăn lại được đặt ra, giải pháp lại được đề cập, nhưng dường như câu chuyện ôtô và thị trường ôtô Việt Nam vẫn ở dạng “khói tỏa ngàn sương”.

Tại Hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Quốc tế Việt Nam (VIMS 2016), những vấn đề xoay quanh đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và chống gian lận thương mại trong bối cảnh ngành kinh doanh và sản xuất ô tô ở Việt Nam một lần nữa được đặt lên bàn họp và tranh luận.

Có sự lạc quan xen lẫn lo ngại. Lạc quan là bởi thị trường 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ghi nhận tăng trưởng khá tốt. Toàn thị trường đạt lượng tiêu thụ 214.398 xe các loại, tăng 31% so với cùng kỳ. Song, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập báo Hải Quan, đánh giá: thị trường vẫn có vẻ bất ổn vì chịu nhiều áp lực hơn do sự thay đổi chính sách quản lý.

Nhưng sau đó, các nhà quản lý lại khẳng định: các định hướng và các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô của Chính phủ đã dần phát huy được hiệu quả. Thể hiện ở việc Huyndai Thành Công đầu tư thêm nhà máy ôtô tại Ninh Bình, Công ty CP ôtô Trường Hải với dự án mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích 210 ha, với số vốn 749 tỷ đồng, Mercedes-Benz xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất xe thương mại Fuso.

Trong khi đó, cái “hiện đại” của công nghiệp ôtô, hay giá trị thực tế của nó, không nên được đo lường bằng số khu công nghiệp hay nhà máy. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, “Không thể hiểu công nghiệp hóa là máy móc, công nghiệp hóa là khu công nghiệp, công nghiệp hóa là thu hồi đất cho khu công nghiệp. Không thể hiểu công nghiệp hóa thì tất yếu phải có khu công nghiệp”, mà phải là một quá trình tổ chức dựa vào hàm lượng tri thức nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, biểu hiện ra ngoài bằng mức độ chấp nhận của thị trường với sản phẩm.

Chính các nhà sản xuất và nhập khẩu phân phối, hiểu rõ thị trường hơn cả, vẫn luôn tiếc nuối: Thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé. Thị trường “hấp dẫn đối với các hãng xe lớn trong những năm gần đây” thì có đấy, nhưng liệu có còn sức thu hút đó trong tương lai?

Bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, thừa nhận: xu hướng giảm nhập khẩu ôtô diễn ra (giảm 7,3% về số lượng xe nhập khẩu, và giảm 16,9% về trị giá xe) dường như là một bước đi thận trọng của các nhà nhập khẩu trước tình hình chính sách đang diễn ra với nhiều biến động với những sự điều chỉnh về chính sách thuế của Chính phủ như Thuế xuất nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ôtô.

Chốt lại là những câu hỏi quen thuộc:

- Tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới?

- Lượng xe nhập khẩu có tăng nhanh trong bối cảnh thuế nhập khẩu ôtô giảm mạnh theo các cam kết hội nhập quốc tế?

- Các chính sách quản lý đã tác động tới thị trường trường ôtô Việt Nam ra sao? Cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh gì để hỗ trợ thị trường phát triển?

Một số đã được trả lời. Chẳng hạn câu hỏi thứ hai, bà Vũ Thị Ánh Hồng đã trình bày trong bài phát biểu: Bức tranh nhập khẩu chung trong 9 tháng giảm, nhưng từ các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Indoensia…) lại tăng, nhờ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đó là nguy cơ có thực và đang diễn ra rồi, chứ không còn ở mức áp sát. Hay chuyện chính sách đã tác động ra sao cũng ẩn hiện trong nhận định của lãnh đạo Hải quan.

Câu hỏi chưa kịp trả lời, và khó trả lời nhất, là thứ ba. Bởi phân tích thì nhiều, khuyến nghị cũng không ít, nhưng lần nào hội họp, vẫn cứ phải hỏi lại. Bất chợt, lại nhớ đến câu nói của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Đề nghị nói đúng nói trúng, chứ đừng nói hay.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/otoxemay-tin-tuc/thi-truong-oto-viet-nam-bap-benh-suong-khoi