Thị trường ô tô tiếp tục sụt giảm

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama), trong tháng 5-2012, sản lượng bán hàng của toàn thị trường đã sụt giảm 2% so với tháng 4-2012 và giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kết 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng bán hàng đã giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn Vama lo ngại, nó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến Chiến lược Quy hoạch Phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

Sức tiêu thụ xe ôtô từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh,

bất chấp mọi nỗ lực kích cầu của nhà sản xuất

Ảnh: Hoàng Long

Tín hiệu phục hồi nhỏ nhưng vẫn thấp

Theo đánh giá của Vama, trong quý 1-2012, thị trường ô tô sụt giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp bị phá sản ngày càng tăng. Với các công ty đang hoạt động, lượng hàng tồn kho ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sang đến quý 2, trong tháng 4, sản lượng bán hàng của toàn thị trường lại sụt giảm 24% so với tháng trước và giảm 46% so với tháng 4-2011.

Tổng kết thị trường 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng bán hàng sụt giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xe ô tô con giảm 47%, trong khi xe tải giảm 35%. Sản lượng xe lắp ráp trong nước giảm 3% và xe nhập khẩu tăng 3%.

Như vậy, dấu hiệu trên cho thấy sự phục hồi rất nhỏ của thị trường, song, đặt ở tương quan với kết quả năm ngoái, những con số này vẫn ở mức thấp hơn nhiều. Thị trường ô tô đang ổn định ở mức bán ra thấp, đồng nghĩa với việc số lượng xe năm nay có thể sẽ kết thúc chỉ với 80.000 xe, tương tự với xu hướng đã được đưa ra trong tháng 4.

Kiến nghị hủy bỏ phí hạn chế phương tiện cá nhân

Lý giải những nguyên nhân dẫn đến sự đóng băng của thị trường ôtô thời gian qua, Vama cho rằng, những khó khăn chung của nền kinh tế cùng mức lệ phí trước bạ quá cao ở Hà Nội (20%) và TP. Hồ Chí Minh (15%). Đặc biệt, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân "sẽ được ban hành” ở mức cao so với khả năng chi trả của người dân đã ảnh hưởng tới tâm lý người mua. Thị trường sẽ tiếp tục đóng băng và tụt dốc nếu Chính phủ không có tuyên bố rõ ràng hơn về loại phí này.

Bởi thế, để cải thiện thị trường ô tô, Vama kiến nghị Chính phủ hủy bỏ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân. Liên quan tới lệ phí trước bạ, cần giảm mức lệ phí này xuống một tỷ lệ hợp lý hơn, áp dụng đồng đều trên cả nước (5%, tương tự mức lệ phí trước bạ 2% áp dụng đồng đều cho xe tải). Việc áp dụng mức lệ phí này sẽ tránh được việc các tỉnh, thành cố gắng tăng thu thuế bằng việc thu hút đăng ký xe dựa trên mức lệ phí thấp.

Trước đó, trong tháng 5, Vama cũng đã có văn bản gửi lên Văn phòng Quốc hội và các bộ ngành có liên quan, đề xuất các giải pháp để vực dậy thị trường ô tô Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ cần tuyên bố sẽ không đề xuất bất kỳ loại phí ô tô nào trong thời gian tới, tức là Chính phủ cần hủy bỏ phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tạm ngừng thực hiện phí bảo trì đường bộ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy cầu tiêu dùng như năm 2009.

Bằng cách thực hiện các giải pháp này, theo Vama, thị trường ô tô sẽ lấy lại được mức tăng trưởng hàng năm trung bình 5-10%, tăng thu ngân sách nhà nước, giúp Chính phủ cân đối ngân sách hiện tại. Ngoài ra, các giải pháp này sẽ làm người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng rằng, họ sẽ không bị đánh thuế trong một vài năm tới. Các nhà sản xuất phụ tùng gốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động và có thể thuê thêm lao động vì lợi ích của toàn thể nền kinh tế.

Nguyễn Nga

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51658&menu=1434&style=1