Thị trường nhạc số (kỳ 2 & hết): Manh nha việc thu tiền người dùng nhạc số

Thị trường nhạc số đang lao đao với chính mình khi mà thời kỳ vàng của quảng cáo, của doanh thu từ nhạc chuông, nhạc chờ đang xuống dốc. Chiến dịch “Nghe có ý thức” thu phí tải nhạc khởi xướng từ năm 2012 đến giờ đã thất bại.

Tuy vậy, vẫn đang tồn tại một xu hướng mới mà mở đầu là XMusic, một ứng dụng nghe nhạc mới của Nhaccuatui. Theo đó, mỗi tháng, ứng dụng này sẽ thu một khoản phí từ người dùng và bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm những bài hát mình yêu thích và tin tưởng rằng, nhạc mình nghe chắc chắn đã có bản quyền.

Điều này người dùng tại Việt Nam không lạ với những ứng dụng nghe nhạc như Apple Music, Spotify… và hiện có nhiều nghệ sĩ Việt có mặt tại những ứng dụng nghe nhạc hiện đại này (chưa hẳn 100% có bản quyền).

Ông Hồ Trí Quyền, giám đốc của dự án XMusic cho rằng, dù thị trường đang rất biến động nhưng Nhaccuatui cùng XMusic vẫn tin rằng một lối đi chuyên nghiệp đang dần thành hình và việc người nghe bỏ tiền để nghe nhạc chắc chắn sẽ đến trong thời gian sắp tới, dù rằng người dùng chấp nhận trả tiền hiện chỉ chiếm chưa đến 1% số người xài miễn phí!

XMusic, một ứng dụng nghe nhạc có trả phí của Nhaccuatui

“Khá khó khăn để thay đổi quan niệm phổ biến ở Việt Nam rằng “âm nhạc cần phải được miễn phí” nhưng chỉ có cách này chúng tôi mới tạo ra lớp công chúng mới, vừa để đảm bảo có nhạc hay và phù hợp để thưởng thức, vừa tôn trọng bản quyền nghệ sĩ, vừa có ngân sách để duy trì và quan trọng hơn, tạo nên những lớp nghệ sĩ mới có chất lượng để người dùng có thể tin rằng tiền nào của nấy.

Tiền bản quyền chiếm phần lớn chi phí vận hành, bên cạnh chi phí về đường truyền và lưu trữ tăng (người dùng có yêu cầu cao hơn về chất lượng nhạc), chi phí nhân sự (biên tập, thiết kế, kỹ thuật đều cần được đầu tư để có sản phẩm chất lượng và thu hút) nên không thể nào đặt gánh nặng lên phần doanh thu quảng cáo. Chúng tôi tin rằng âm nhạc hay cần được trả tiền để thưởng thức. XMusic hoàn toàn không có quảng cáo và toàn bộ doanh thu đều đến từ người dùng” - ông Hồ Trí Quyền chia sẻ.

Hơn nữa, thị trường Việt Nam với những khác biệt so với quốc tế cũng đầy thách thức với các ứng dụng nghe nhạc quốc tế. Guvera sau một giai đoạn ngắn thử nghiệm đã rút lui nhanh chóng.

Thị trường nhạc số (kỳ 1): Từ sự thoái trào của nhacso.net

Việc trang nghe nhạc trực tuyến nhacso.net tuyên bố đóng cửa hôm 4/10 không làm nhiều người quá bất ngờ. 11 năm tồn tại, từ vị trí 'lá cờ đầu', trang web này tới lúc phải rút lui khi thị trường nhạc số có những bước phát triển chóng mặt.

Deezer gần như chưa có bất cứ động thái nào xâm nhập thị trường Việt Nam. Spotify vẫn chưa sử dụng được tại Việt Nam và người dùng muốn sử dụng ứng dụng này cần vài thủ thuật đổi IP sang các quốc gia đang sử dụng để đăng ký.

Việt Nam có dân số trẻ và luôn muốn nghe nhạc miễn phí nên Spotify chẳng bận tâm đến Việt Nam mà đánh chiếm các thị trường khác như Indonesia, Nhật… Hiện tại chỉ có Apple Music là ứng dụng nghe nhạc quốc tế đang có “khách” tại Việt Nam nhưng lượng khách chủ yếu vẫn đến với Apple Music để nghe nhạc tiếng Anh.

Nhưng bao giờ thì những XMusic, Apple Music hay Spotify thành công tại Việt Nam thì vẫn còn là một câu hỏi lớn. Các ứng dụng nghe nhạc “made in Việt Nam” sẽ có cơ hội phát triển vì hiểu thị trường hơn nhưng chỉ khi các trang nghe nhạc “không có tóc” (nhạc không bản quyền, bất hợp pháp) không còn tồn tại.

Hiện giờ, không chỉ một mình nhacso.net mà còn rất nhiều trang nhạc khác đang lao đao nếu lao vào cuộc chiến nhạc số với chi phí bản quyền quá nặng trong tay.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/thi-truong-nhac-so-ky-2-het-manh-nha-viec-thu-tien-nguoi-dung-nhac-so-n20161007065649208.htm