Thị trường ngũ cốc hiện như một 'thùng thuốc nổ'

Căng thẳng leo thang tại Ukraine và những biến động khôn lường của thời tiết là những mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động thương mại ngũ cốc toàn cầu.

Vận chuyển lúa mỳ lên tàu hàng tại cảng quốc tế Rostov-on-Don để chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự báo về tình hình thị trường ngũ cốc thế giới, nhật báo Le Figaro của Pháp cảnh báo việc Nga chặn xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen, cùng những căng thẳng leo thang tại Ukraine và những biến động khôn lường của thời tiết vẫn là những mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động thương mại ngũ cốc toàn cầu.

Ngũ cốc một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc xung đột ở Ukraine. Trước khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu dầu hướng dương, đứng thứ tư về xuất khẩu lúa mỳ và ngô. Giữa tháng Bảy, Nga đã chấm dứt thỏa thuận tồn tại gần một năm qua về bảo đảm một hành lang an toàn hàng hải cho việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen.

Thỏa thuận ngũ cốc, được ký kết giữa Ukraine và Nga dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc vào tháng 7/2022 sau một loạt các cuộc đàm phán khó khăn. Thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine, với khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trong gần một năm qua thông qua thỏa thuận này. Nhưng ngày 17/7 vừa qua, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận trên, với cáo buộc phương Tây đã gây trở ngại cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Tình hình căng thẳng ở Biển Đen đã khiến hoạt động giao dịch ngũ cốc trên thị trường quốc tế trở nên bấp bênh. Trước cuộc xung đột, cả Ukraine và Nga cùng chiếm một tỷ lệ bằng nhau, tương đương 25% trong tổng xuất khẩu lúa mỳ thế giới. Năm 2022, sản lượng ngũ cốc của Ukraine đã giảm xuống khoảng 53 triệu tấn, tức là giảm hơn 40% so với mức kỷ lục trong năm 2021.

Rất may là tác động của các cuộc tấn công mới đối với giá ngũ cốc vẫn còn yếu. Giá của nhiều nông sản đã giảm mạnh kể từ đầu năm, Samy Chaar - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Lombard Odier - nhận xét. Giá lúa mỳ và dầu hướng dương đã giảm 20% kể từ tháng Giêng và giảm gần 40% so với mức đỉnh vào tháng 5/2022, khi giá 1 tấn lúa mỳ vượt mức 400 euro (434,6 USD). Trước khi thỏa thuận bị chấm dứt vào giữa tháng Bảy, lúa mỳ mềm có giá 230 euro/tấn tại châu Âu. Từ đó đến nay, giá mặt hàng này tăng chưa đến 7 euro/tấn.

Có thể nói tình hình hiện tại đã rất khác so với thời điểm nổ ra cuộc xung đột vào tháng 2/2022. Cơn sốt ngũ cốc được nhanh chóng dập tắt nhờ việc sắp xếp lại hoạt động trên thị trường lương thực. Theo ông Samy Chaar: “Tình hình đã thay đổi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Các hoạt động giao thương đã được nhanh chóng tổ chức lại một cách hiệu quả”.

Ukraine đã phát triển các tuyến đường vận chuyển mới bằng đường sông, đường sắt và đường bộ, thông qua cái gọi là hành lang “đoàn kết”. Nếu như trước cuộc xung đột, 90% nông sản của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen, thì cách đây một tháng, con số này chỉ là 40%. Các cảng của Ukraine trên sông Danube, trước đây chiếm 1/4 lượng ngũ cốc xuất khẩu, đã trở thành tuyến đường chính để vận chuyển ngũ cốc ra ngoài, với ngũ cốc được chất lên sà lan và vận chuyển đến cảng Constanta của Romania.

Việc tăng sản lượng ở các quốc gia khác cũng góp phần bù đắp cho sự sụt giảm trong xuất khẩu của Ukraine. Thu hoạch lúa mỳ trong mùa vụ 2023-2024 tại châu Âu và Nga dự kiến sẽ rất tốt. Theo ông Arthur Portier, chuyên gia tại công ty tư vấn Agritel, Nga xuất khẩu 4,5 triệu tấn lúa mỳ mỗi tháng nhờ những mùa vụ bội thu, đặc biệt là năm 2022. Vào cuối tháng Bảy, Nga thông báo quyên tặng ngũ cốc cho sáu quốc gia châu Phi. Bằng cách ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, Nga có thể mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế và tăng doanh thu.

Vào đầu tháng Tám, Nga đã nhắc lại điều kiện được đặt ra để mở lại hành lang vận chuyển ngũ cốc. Nga yêu cầu một thỏa thuận song song để cải thiện điều kiện xuất khẩu thực phẩm và phân bón của mình. Những mặt hàng này được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng Chính phủ Nga cho rằng các hạn chế về thanh toán, vận chuyển và bảo hiểm là một rào cản đối với hoạt động xuất khẩu.

Trong khi chờ đợi tình hình thay đổi, vụ thu hoạch ngũ cốc thế giới hứa hẹn sẽ đạt kỷ lục trong năm 2023-2024, với sản lượng ngô và gạo tăng. Mặc dù vậy, thị trường lương thực thế giới vẫn trong tình trạng "phấp phỏng". Ngoài những căng thẳng địa chính trị, nguy cơ thời tiết luôn là một mối lo ngại hiện hữu, đặc biệt là khi "các kho dự trữ lúa mỳ ở các quốc gia nhập khẩu lớn vẫn đang trong tình trạng căng thẳng", chuyên gia Arthur Portier nhấn mạnh.

Hiện tượng El Ninõ có thể là một trong những hiện tượng thời tiết mạnh nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. Cho đến nay, mùa mưa đã diễn ra tốt cho việc trồng lúa. Tuy nhiên, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới - đang lo ngại về một mùa khô liên quan đến hiện tượng El Ninõ vào năm tới. Trong khi đó, Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati từ tháng 7/2023, nhằm hạn chế sự tăng giá trên thị trường nội địa.

Tại Ukraine, tình hình chiến sự căng thẳng có thể tiếp tục leo thang trong tuần tới hoặc tháng tới. Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, nhận định rằng, điều này làm gia tăng các rủi ro và có thể dẫn đến những tình huống không dễ dự đoán được trong tương lai. Một quyết định sai lầm của bất kỳ bên nào cũng sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc, đơn giản vì không có phương án thay thế tức thời cho tất cả nguồn cung lúa mỳ của Nga và Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen. Do đó, thị trường ngũ cốc hiện vẫn như một "thùng thuốc nổ"./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-ngu-coc-hien-nhu-mot-thung-thuoc-no/303516.html