Thị trường lao động vẫn thiếu tính bền vững

Ghi nhận từ thị trường lao động trong 3 quý cho thấy, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Đây là những lao động chưa được bao phủ bởi mạng lưới an sinh xã hội.

Thị trường lao động có sự phục hồi

Theo Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III.2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, lao động có việc làm quý III.2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,17% so với quý II và tăng 523,6 nghìn người.

Trong quý III, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực vì đơn hàng trong quý này giảm so với quý II, tập trung ở ngành da giày, dệt may. Số người mất việc còn 118.000, giảm gần một nửa, chủ yếu ở T.P Hồ Chí Minh và Bình Dương. Lao động nghỉ giãn việc còn 54.000, giảm 187.000 người, phần lớn trong doanh nghiệp FDI. Trong đó, da giày chiếm gần 32% và dệt may chiếm 31%.

Đánh giá chung từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV.2022 đã giảm nhiệt. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Sự tích cực được thể hiện rõ nét tại các thị trường lao động lớn, ví dụ tại TP. Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn góp phần giải quyết việc làm nhờ tình hình kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.

Hay như tại Bắc Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, thời điểm này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyển dụng lao động. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển lao động. cùng với công ty về các sản phẩm bán dẫn là Hana Micron Vina cần tuyển trên 1.00C lao động, thì một số đối tác của Apple là Luxshare ICT, New Wing Interconnect Technology đang có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động có việc làm như tổ chức phiên giao dịch việc làm, đào tạo. Dự kiến hết năm 2023 lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt tỷ lệ 76%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

Cần quan tâm hơn tới lao động phi chính thức

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đánh giá, lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, và chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.

Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…

Trước tình trạng lao động phi chính thức còn khá đông và nằm ngoài diện bao phủ của mạng lưới an sinh; TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần đầu tư phát triển kỹ năng cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ để họ có thể tiếp cận đến việc làm chính thức.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động phi chính thức chuyển đổi sang việc làm chính thức thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ hoạt động vào các nghiệp đoàn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế phi chính thức gia nhập khu vực chính thức.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ. Cụ thể, sửa đổi Luật BHXH 2013 theo hướng mở rộng độ bao phủ của BHXH đến toàn bộ lực lượng lao động và phát triển hệ thống BHXH đa tầng; tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động trong khu vực phi chính thức về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về lao động phi chính thức; kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy thanh tra lao động địa phương và điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm pháp luật lao động cả ở khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thi-truong-lao-dong-van-thieu-tinh-ben-vung-i346393/