Thị trường khách Hàn Quốc: 'Đất vàng' chờ khai phá

Có hơn 3,6 triệu khách Hàn Quốc tới Việt Nam du lịch trong năm 2023. Với nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, Đà Lạt…, Hàn Quốc là thị trường khách chủ lực, mang lại nguồn lợi lớn cho ngành Du lịch địa phương. Riêng với Quảng Bình, Hàn Quốc được coi là thị trường du lịch đầy tiềm năng khi ngày càng có nhiều du khách từ đất nước Đông Á đặt chân đến với Quảng Bình. Tuy nhiên, để tạo sức bật, khai thác hiệu quả thị trường này là cả một chặng đường dài khá gian nan.Đánh giá được tiềm năng của thị trường nhưng thực tế thời gian qua, các hoạt động quảng bá, xúc tiến vẫn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ. Phần đông doanh nghiệp vẫn thụ động, chờ đợi các chương trình quảng bá từ địa phương. Chỉ một vài doanh nghiệp lớn tự thân vận động, trực tiếp làm việc với các đối tác chiến lược tại Hàn Quốc để xây dựng sản phẩm, thu hút du khách.

Nhìn qua tỉnh bạn

Với ngành Du lịch của nhiều địa phương, thị trường khách du lịch Hàn Quốc đã mang đến những đổi thay đáng kể, trong đó phải kể đến Đà Nẵng, Hội An. Từ năm 2013, khi các đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và các thành phố tại Hàn Quốc được đưa vào khai thác, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, đến năm 2016, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của Đà Nẵng với hơn 450.000 lượt. Năm 2019, Hàn Quốc giữ vững vị trí thị trường lớn nhất với gần 1,8 triệu lượt, chiếm 50,2% tổng số khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Thời gian gần đây, lượng khách Hàn Quốc đến với Sun Spa Resort ngày càng đông.

Sau dịch Covid-19, Hàn Quốc là thị trường phục hồi nhanh nhất và nhanh chóng trở lại vị trí dẫn đầu với tỷ trọng gần 50% thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong năm 2023, gần 935.700 lượt khách Hàn Quốc đến với Đà Nẵng, chiếm 47,3% lượng khách quốc tế đến đây và chiếm 26% lượng khách thị trường này đến Việt Nam. Những năm qua, ngành Du lịch Đà Nẵng coi Hàn Quốc là thị trường quốc tế trọng yếu để triển khai nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá, trong đó, tập trung quảng bá theo hướng chuyên sâu, đi sâu vào các sản phẩm du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cưới, du lịch học đường, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ-du lịch-lễ hội để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tạo sức hút mạnh mẽ, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Hội An bắt đầu có dấu hiệu bão hòa và đang dần có sự dịch chuyển đáng kể đến các địa danh mới, như: Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… Những địa điểm này thu hút khách du lịch do giá cả hợp lý và nhiều hoạt động du lịch đa dạng. Các đường bay quốc tế ngày càng tăng chuyến, mở rộng thị trường, tổ chức các chuyến bay charter đã kích thích một lượng lớn du khách Hàn Quốc đến tham quan, trải nghiệm.

Đến TP. Phú Quốc vào những ngày đầu năm 2024, chúng tôi nhận thấy dù đã giảm sức hút đối với khách du lịch nội địa nhưng “đảo ngọc” lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch Hàn Quốc. Bất cứ địa điểm du lịch nào tại thành phố này đều có sự xuất hiện của du khách Hàn Quốc. Họ tham quan theo từng nhóm từ 20-30 du khách. Ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên, đa dạng các dịch vụ vui chơi, giải trí, “đảo ngọc” Phú Quốc còn trở thành điểm đến “siêu hot” đối với khách Hàn bởi thuận tiện trong quá trình di chuyển khi chỉ với 5 giờ đồng hồ, khách Hàn Quốc có thể bay từ đông sang hè để đến Phú Quốc tránh rét dịp cuối năm.

Khách Hàn Quốc bị thu hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên Quảng Bình.

Là thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam đông nhất, Hàn Quốc trở thành mảnh “đất vàng” đầy tiềm năng mà ngành Du lịch nhiều địa phương mong muốn khai thác hiệu quả. Tại Quảng Bình, từ cuối năm 2023 đến nay, lượng khách Hàn Quốc đến tham quan, trải nghiệm bắt đầu đông dần, Quảng Bình đang dần khẳng định được sức hút đối du khách xứ sở kim chi.

Là đơn vị chuyên khai thác thị trường khách Hàn Quốc, từ tháng 5/2023, Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Spero (Hội An, Quảng Nam) bắt đầu nhận tour đưa khách về Quảng Bình. Đến nay, số khách Hàn Quốc mà Spero đưa về Quảng Bình là gần 600 khách. Trong đó, Spero đã tổ chức được 6 famtour cho nhân viên các công ty khu vực KwangJu (Hàn Quốc) đến khảo sát các điểm đến của Quảng Bình. Khi đặt chân đến Quảng Bình, khách Hàn chủ yếu tham gia vào các tour khám phá ẩm thực, tham quan động Phong Nha, động Thiên Đường, trải nghiệm đồi cát, chơi golf…

Theo anh Lê Bá Nuyến, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Hàn Quốc, khách Hàn có nhu cầu du lịch rất cao, mức sống và sức chi tiêu tốt bởi người Hàn Quốc chuộng phong cách du lịch hưởng thụ. Họ cũng thường xuyên chọn điểm đến mới. Thời gian gần đây, nhiều công ty du lịch tại Đà Nẵng, Hội An đã xây dựng các tour khai thác thêm nhiều điểm du lịch mới ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Điều hấp dẫn du khách đến từ đất nước Đông Á này là thiên nhiên còn hoang sơ, phong cảnh hữu tình và sự mộc mạc, chân tình của người dân Quảng Bình. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trên kênh truyền hình MBC và nền tảng trực tuyến Naver của Hàn Quốc liên tiếp phát sóng các video clip quảng bá du lịch Quảng Bình, nhất là hang Sơn Đoòng, chính điều này đã kích thích một lượng khách Hàn Quốc tham gia vào các tour khám phá Quảng Bình. “Khách Hàn Quốc đến du lịch Quảng Bình chủ yếu vào tháng 11 đến tháng 5, 6 năm sau. Đây là khoảng thời gian thấp điểm của du lịch Quảng Bình. Nếu khai thác tốt thị trường khách tiềm năng này thì bài toán mùa vụ sẽ được gỡ dần”, anh Nuyến khẳng định.

Du khách Hàn Quốc tham quan động Phong Nha.

Nhà hàng Koki BBQ là một trong số rất ít địa chỉ phục vụ các món ăn Hàn Quốc tại TP. Đồng Hới. Thời gian gần đây, đều đặn mỗi ngày, Koki BBQ đón hàng chục lượt khách du lịch đến từ Hàn Quốc. Theo anh Đào Đức Phong, chủ nhà hàng, khách Hàn Quốc đòi hỏi rất cao về phong cách phục vụ. Chính vì vậy, để phục vụ cho đối tượng khách đặc biệt này, ngoài việc chú trọng chất lượng các món ăn mang đậm phong vị Hàn Quốc, đội ngũ nhân viên cũng được tập huấn thường xuyên về kỹ năng, thái độ phục vụ, đồng thời phải tìm hiểu sâu về văn hóa của người Hàn Quốc.

Theo chị Nguyễn Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Du lịch Trường Thịnh, thời gian gần đây, lượng khách Hàn Quốc đến với Quảng Bình ngày càng đông, tuy nhiên, du khách vẫn chưa hài lòng hoàn toàn. Cản trở lớn nhất trong quá trình khai thác thị trường tiềm năng này chính là hệ thống giao thông. Chưa có sân bay quốc tế nên khách Hàn Quốc muốn về Quảng Bình phải bay đến Đà Nẵng, sau đó tiếp tục đi đường bộ thêm 5 giờ đồng hồ mới đến được Đồng Hới. Quãng đường quá xa, trong khi khách Hàn Quốc thuộc nhóm khách đi du lịch hưởng thụ, đòi hỏi nhanh gọn, đúng giờ.

“Chưa kể, chúng ta thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm, thiếu hệ thống siêu thị mua sắm đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách này. Quảng Bình cũng thiếu các dịch vụ spa trị liệu-là dịch vụ mà khách Hàn rất ưa chuộng. Chưa kể, trên địa bàn mới chỉ có 1 sân golf đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách này”, chị Trang cho biết thêm.

Trong nhóm liên kết du lịch 5 địa phương miền Trung (gồm Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam), Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai hàng loạt kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc và coi đây là thị trường du lịch trọng điểm. Nếu biết nắm bắt cơ hội, triển khai các kế hoạch quảng bá, xúc tiến “ăn theo” những sự kiện này, Du lịch Quảng Bình có thể đạt được những kết quả ấn tượng trong khai thác thị trường Hàn Quốc. Đương nhiên, khai thác tốt thị trường tiềm năng bằng sự chủ động, sáng tạo và kịp thời là câu chuyện không của riêng ai mà đó là bài toán chung cần được tháo gỡ bởi cả ngành Du lịch địa phương. Trước hết, phải là những chính sách dài hơi, từ quảng bá, xúc tiến đến đầu tư hạ tầng phục vụ du khách.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/thi-truong-khach-han-quoc-dat-vang-cho-khai-pha-2217899/