Thị trường hàng hóa ngày mùng 4 Tết Quý Mão: Nguồn cung dồi dào, tăng cường kiểm tra mặt hàng xăng dầu

Thị trường hàng hóa Mùng 4 Tết Quý Mão sôi động hơn do các kênh phân phối mở bán trở lại. Tổng cục Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra việc cung ứng xăng dầu.

Hàng hóa dồi dào

Tổng hợp tình hình thị trường của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho thấy, ngày mùng 4 Tết Quý Mão, tại các hệ thống siêu thị, giá mặt hàng thực phẩm giữ ổn định so với thời điểm sát Tết. Tại các chợ truyền thống, nguồn cung nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, thủy hải sản), rau củ, hoa quả dồi dào hơn nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã dần mở cửa trở lại

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã dần mở cửa trở lại

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, các quầy hàng tại các chợ truyền thống đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhu cầu hàng hóa trong ngày mùng 4 Tết tập trung nhiều vào các mặt hàng thủy sản, thịt bò, rau củ quả… để phục vụ cho việc hóa vàng, cũng như “giải ngán” sau Tết.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm (Hoài Đức, Hà Nội), nguồn cung hàng hóa khá dồi dào trong ngày mùng 4 Tết. Giá cả có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng vẫn chấp nhận được.

“Chợ dân sinh đã mở cửa trở lại và các mặt hàng tươi sống khá dồi dào. Đơn cử, cá chép từ 65.000 -90.000 đồng/kg, cá trắm dao động từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm sát Tết nhưng mức tăng vẫn chấp nhận được. Đây cũng là nhóm mặt hàng đắt khách nhất” - bà Thắm chia sẻ.

Ngoài ra, các nhóm hàng khác vẫn giữ giá tương đối ổn định. Thống kê của Vụ Thị trường trong nước, giá cả một số mặt hàng cụ thể như sau:

Mặt hàng lương thực giá ổn định: giá các loại gạo tẻ thường từ 16.000 -20.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao (Xéng Cù, ST 24, ST25) từ 25.000 - 42.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn, thăn) ở mức 150.000 - 220.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn mông, sấn vai, dao động ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 90.000-110.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg; gà ta ngoài chợ dao động 140.000 đồng - 170.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 290.000-320.000 đồng/kg; thịt bò bắp dao động từ 290.000- 350.000 đồng/kg...

Ở nhóm hàng thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 150.000-220.000 đồng/kg; giò bò 250.000-280.000 đồng/kg; lạp xưởng vissan: 180.000-230.000 đồng/kg tùy chủng loại.

Riêng các mặt hàng công nghệ thực phẩm: đường bán lẻ ở mức 26.000-30.000 đồng/kg; dầu ăn: 60.000-65.000 đồng/lít, bia lon Tiger từ 360.000-370.000 đồng/thùng; Cocacola 180.000-190.000 đồng/thùng; bia lon Sài Gòn giá 280.000-350.000 đồng/thùng (tùy loại); bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đồng/thùng...

Giá các loại rau, củ, quả tương đối ổn định so với ngày mùng 3 Tết, cụ thể: bắp cải: 10.000-13.000 đồng/kg, su hào: 5.000-8.000 đồng/củ, xà lách: 20.000-25.000 đồng/kg, cà chua: 10.000-20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 12.000-20.000 đồng/kg, súp lơ: 8.000-15.000 đồng/cây...

Giá hoa, quả các loại: Cam sành 30.000 - 35.000 đồng/kg, cam canh 45.000 - 65.000 đồng/kg, xoài cát chu: 50.000 - 65.000 đồng/kg, bưởi da xanh 45.000 - 60.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 25.000 đồng/kg …; Hoa cúc 50.000 - 70.000 đồng/chục, hoa hồng loại có cành lộc 80.000 - 100.000 đồng/chục…

Đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu

Về hệ thống bán lẻ xăng dầu, để đảm bảo nhu cầu sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã nhập khẩu tăng thêm 40.000 m3 xăng dầu để đảm bảo đủ nguồn cho toàn hệ thống PVOIL trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chủ động triển khai công tác đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất/Nghi Sơn) để ổn định nguồn cung, tiến hành nhập hàng về 07 điểm kho: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến trong tháng 01/2023 (tháng Tết) và tháng 02/2023 (sau Tết), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch nhập khoảng 1,83 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (tăng 6,7% so với tổng nguồn tối thiểu bình quân tháng được phân giao) và tiếp tục lập kế hoạch mua hàng cho tháng 03/2023 để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ của Tập đoàn trong dịp trong và sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu

Bên cạnh đảm bảo nguồn cung, lực lượng Quản lý thị trường đã liên tục triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết. Đơn cử, ngày 20/1 (tức 29 Tết), sau khi nhận được thông tin một số cây xăng tại một số cơ quan báo chí đưa tin về việc nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu dọc theo tuyến đường tỉnh 956 từ thị trấn An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) về thị trấn Long Bình (huyện An Phú) đóng cửa vì hết xăng khiến người dân xôn xao, phải lấy can nhựa đi mua xăng trong dịp gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, nhận được thông tin phản ánh của báo chí, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 4 xuống địa bàn kiểm tra ngay lập tức. Qua báo cáo nhanh của Đội quản lý thị trường số 4, tại huyện An Phú, chỉ có 3-4 cửa hàng xăng dầu hết hàng cục bộ trong vài tiếng đồng hồ do nhà phân phối vận chuyển về hơi chậm. Hiện tại tất cả các cửa hàng nêu trên đã có xăng/dầu bán lại bình thường, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người dân…

Tiếp sau đó, vào tối mùng 3 Tết (ngày 24/1), Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương lập kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng một số cây xăng ở khu vực TP Hồ Chí Minh đóng cửa với lý do "nghỉ Tết" khiến người dân không mua được xăng, dầu.

Theo đó, với những cây xăng đóng cửa do thiếu nhân viên, nhân viên về quê ăn Tết, lực lượng chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp, chủ cây xăng khắc phục ngay hiện tượng thiếu nhân viên, bảo đảm phục vụ người dân trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Hôm nay (ngày 25/1), lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu ở một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu được thông suốt.

Ngày mùng 5 Tết, thực phẩm tươi sống vẫn là mặt hàng được tiêu thụ tốt

Như vậy, tình hình thị trường ngày Mùng 4 Tết nhìn chung đã sôi động hơn so với ngày Mùng 3 Tết, có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh bán hàng trở lại, hoạt động mua bán hầu hết tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loại, hoa quả… Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

Tại hệ thống siêu thị, giá hàng hóa thực phẩm ổn định. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thực phẩm ổn định so với những ngày sát Tết và tăng nhẹ so với với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.

Dự báo, trong ngày Mùng 5 Tết, hầu hết các hoạt động đã trở lại bình thường, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-hang-hoa-ngay-mung-4-tet-quy-mao-nguon-cung-doi-dao-tang-cuong-kiem-tra-mat-hang-xang-dau-240013.html