Thị trường chuyển biến tích cực sau cuộc đàm phán Nga-Ukraine

Vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3 (giờ địa phương) với những điểm sáng rõ rệt phần nào giúp mang đến những chuyển biến tích cực trên thị trường kinh tế thế giới.Đàm phán Nga - Ukraine đạt tiến triển quan trọng

Các bồn chứa tại Nhà máy lọc dầu Los Angeles của Marathon Petroleum, nơi xử lý dầu thô trong nước và nhập khẩu vào California Air Resources Board (CARB), xăng, nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác ở Carson, California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Giá dầu giảm, chứng khoán tăng là những dấu hiệu tích cực được ghi nhận trên thị trường thế giới ngay sau khi hòa đàm Nga-Ukraine kết thúc với những tín hiệu khả quan.

Theo hãng tin Reuters, chốt phiên giao dịch ngày 29-3 (giờ Mỹ), giá dầu thô Brent chuẩn châu Âu giảm 2,25 USD (tương đương 2%) xuống 110,23 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,72 USD (1,6%) xuống 104,24 USD/thùng. Trước đó, trong phiên ngày 28-3, giá cả hai loại dầu này đã giảm 7% và tiếp tục giảm 7% một lần nữa vào đầu phiên ngày 29-3. Giá dầu giảm cho thấy các thương nhân đã bớt lo ngại về nguồn cung dầu của Nga khi cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul giữa Nga và Ukraine có tín hiệu tích cực.

Hãng tin Reuters dẫn lời nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết, chính sách “zero- Covid” năng động của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đang mang lại một sự giải tỏa cho thị trường dầu vốn rơi vào tình trạng bấp bênh do sự gián đoạn nguồn cung từ Nga. Giá dầu có dấu hiệu trên đà giảm do giới chức Thượng Hải áp đặt lệnh phong tỏa từng phần để kiểm soát dịch bệnh. Ngày 29-3, các bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhấn mạnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ không can dự vào các vấn đề chính trị.

Trong khi đó, các chỉ số trên sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) cũng rục rịch tăng vào đầu phiên giao dịch ngày 29-3. Cụ thể, khoảng 15 phút sau khi bắt đầu phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Down Jones đã tăng 0,9% lên 35.272,62 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,7% lên 4.607,75 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,1% lên 14.515,92 điểm. Hãng tin CNBC dẫn lời Giám đốc đầu tư Stephanie Lang thuộc Homrich Berg cho biết: “Thị trường đã tăng khoảng 10% trong 10 ngày vừa qua. Đây là một đợt tăng điểm khá mạnh trong một thời gian khá ngắn”. Song chuyên gia này cũng cảnh báo “nhiều biến động” trên thị trường có thể xảy ra trong thời gian còn lại của năm nay. Trong khi đó, tiến triển tích cực của các cuộc đàm phán cũng đã giúp các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu khởi sắc, với thị trường Frankfurt (Đức) tăng 3,5%, thị trường Paris (Pháp) tăng 3,1% và thị trường London (Anh) tăng 1,2%. Về tiền tệ, đồng rúp của Nga cũng tăng 10% so với đồng USD và 1,2% so với đồng euro.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích thuộc Công ty nghiên cứu SEB (Na Uy) nói rõ: “Lần đầu tiên trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chúng ta thấy dấu hiệu của việc giảm các hoạt động quân sự từ phía Nga. Giờ đây, thị trường thực sự có thể hy vọng có một con đường phía trước”. Tuy vậy, các nhà phân tích tại Bank of America (Mỹ) nhìn nhận, sự phục hồi của thị trường chứng khoán “thách thức các nguyên tắc cơ bản” và khó có thể kéo dài.

Trong khi đó, ông Guilhem Savry, Giám đốc Công ty đầu tư Thụy Sỹ Unigestion cho rằng, các thị trường vốn cổ phần đã bị thúc đẩy bởi những chiến lược quỹ đầu tư theo xu hướng ngắn hạn, song “điều này có thể đảo ngược nhanh chóng”. Ông cho hay: “Chúng ta đang trong một chu kỳ tích cực ngắn hạn và sẽ thay đổi một khi có một sự kiện địa chính trị tiêu cực, hay có dữ liệu tăng trưởng kinh tế tiêu cực”.

PHONG LAN - THƯ LÊ

Trong vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3, Ukraine đã đưa ra một đề xuất bằng văn bản cho một hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia. Theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, nước này sẽ giảm leo thang các hoạt động quân sự ở một số vùng của Ukraine, đặc biệt giảm “đáng kể” hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv. Bên cạnh đó, Moscow cũng nhất trí về việc tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky như một phần của giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình. Trong khi đó, Ukraine đã tìm kiếm một bảo đảm an ninh tương tự như quy định trong Điều 5 của Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Italy, Ba Lan và Israel có thể là những nhà cung cấp bảo đảm tiềm năng. Kiev cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài hoặc quân đội nước ngoài. Kiev cũng khẳng định không tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Song, hai bên vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề Crimea và Donbass, cùng với việc thực thi một lệnh ngừng bắn. Giới quan sát nhận định, hiệp ước hòa bình vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

N. PHI

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202203/thi-truong-chuyen-bien-tich-cuc-sau-cuoc-dam-phan-nga-ukraine-3908673/