Thị trường chứng khoán thế giới năm 2024

Ngọc Huyền

(KTSG) – Hầu hết các chỉ số chứng khoán quan trọng trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức tăng khiêm tốn trong năm tới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương dần chuyển sang cắt giảm lãi suất một cách thận trọng.

Kết quả cuộc khảo sát vừa được Reuters thực hiện với hơn 120 chuyên gia trên thị trường chứng khoán cho thấy chỉ một số ít trong số 15 chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2024.

Hầu hết các nhà đầu tư và giới phân tích đều cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất từ giữa năm tới. Tuy nhiên, kịch bản này hiện vẫn chưa thực sự chắc chắn.

Ajay Rajadhyaksha, Chủ tịch bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Barclays, cho biết “sau hai quí liên tiếp khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt thay vì cổ phiếu và trái phiếu, giờ đây chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận cao với mức một chữ số vào năm 2024 và vượt trội so với thu nhập cố định cốt lõi”.

Gần 85% số chuyên gia được hỏi dự đoán lợi nhuận doanh nghiệp tại thị trường địa phương của họ sẽ tăng trong vòng sáu tháng tới.

Với lãi suất cao, lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt và đi kèm với đó là hoạt động kinh tế còn yếu, chỉ có 55% số người tham gia khảo sát cho biết cổ phiếu giá trị sẽ vượt trội so với cổ phiếu tăng trưởng trong vòng sáu tháng tới.

Tác động từ lợi suất trái phiếu thấp hơn

Hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng sẽ xảy ra một loạt đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, khiến lợi suất trái phiếu thấp hơn và giá cổ phiếu cao hơn.

Hồi tháng trước, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt mức 5% lần đầu tiên kể từ tháng 7-2007 nhưng nhiều chiến lược gia trái phiếu dự kiến lợi suất sẽ không quay trở lại mức này.

Lợi suất trái phiếu thấp hơn có thể sẽ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy cổ phiếu gia tăng. Nhưng không có gì đảm bảo rằng xu hướng đó sẽ tiếp tục, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm khoảng 0,6 điểm phân trăm chỉ trong vài tuần qua.

Marko Kolanovic, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu tại JPMorgan, cho biết: “Việc lợi suất trái phiếu giảm đang được thị trường chứng khoán coi là yếu tố tích cực trong ngắn hạn”.

Chứng khoán Mỹ vẫn có triển vọng tích cực

Chỉ số S&P 500 của Mỹ được dự báo sẽ kết thúc năm tới ở mức 4.700 điểm, chỉ cao hơn khoảng 3% so với mức giá hiện tại. Khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường vào năm 2024.

Trong khi đó, RBC Capital Markets đưa ra dự báo lạc quan hơn. Chiến lược gia Lori Calvasina của RBC nhận định chỉ số S&P 500 có thể hướng về mức 5.000 điểm vào cuối năm 2024, tức là tăng hơn 10% so với mức hiện tại.

RBC dự đoán mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 sẽ tăng khoảng 4% vào năm 2024 và lưu ý rằng nền kinh tế có thể thêm một lần nữa ghi nhận sự phục hồi một cách đáng ngạc nhiên.

“Khả năng nền kinh tế bất ngờ tăng trưởng tích cực trong năm 2024 là yếu tố có thể thúc đẩy S&P 500 tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu có nguy cơ giảm mạnh nếu xảy ra một cuộc suy thoái đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục nghi ngờ rằng sẽ có một cuộc suy thoái có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Mỹ”, bà Calvasina nói.

Bà cũng cho biết, một tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhưng vẫn tích cực có thể hạn chế phần nào đà phục hồi của thị trường trong năm 2024, nhưng các cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ sẽ là mục tiêu “hấp dẫn” với nhà đầu tư khi bước vào năm mới.

Các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá, đà tăng của chứng khoán Mỹ sẽ tập trung chủ yếu vào nửa cuối năm 2024. Theo ông David Kostin, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần của Goldman Sachs Research: “Những bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ hạn chế tâm lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Đến giai đoạn cuối năm, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed và việc những bất ổn liên quan đến bầu cử được giải quyết, sẽ nâng giá cổ phiếu tại Phố Wall”.

Thành tích vượt trội của một số cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn là đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán trong năm 2023. Và các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng, những cổ phiếu này sẽ tiếp tục thể hiện tốt hơn so với phần còn lại của chỉ số vào năm 2024, dù rằng không quá vượt trội.

Chứng khoán Trung Quốc có thể ngắt mạch suy giảm

Tại Trung Quốc, chỉ số MSCI China và CSI 300 đều đang đối mặt với nguy cơ có năm sụt giảm thứ ba liên tiếp, khi năm 2023 đang dần kết thúc. Tuy nhiên, Goldman Sachs tin rằng thị trường chứng khoán của đất nước tỉ dân có thể chấm dứt thành tích tồi tệ này và tăng điểm trở lại trong năm 2024. Theo đó, MSCI được dự báo có thể tăng 12% trong khi CSI 300 tăng 15%.

Dự báo tích cực này được củng cố bởi tăng trưởng lợi nhuận dự kiến khoảng 10%, cùng với những cải thiện vừa phải trong định giá cổ phiếu. Niềm tin của Goldman Sachs đặc biệt mạnh mẽ đối với các cổ phiếu hạng A, vốn được đánh giá là ít bị tổn thương hơn trước căng thẳng địa chính trị và biến động thanh khoản.

Goldman Sachs đã chọn các lĩnh vực trong thị trường tiêu dùng đại chúng của Trung Quốc, công nghệ, truyền thông và viễn thông là những lĩnh vực có khả năng chiến thắng trong quá trình tái cân bằng đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm tới khi môi trường chính sách trở nên phù hợp hơn.

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng”, Kinger Lau, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Trung Quốc của Goldman Sachs, chia sẻ với CNBC. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nhiều nhóm chính sách quan trọng đã được triển khai trên diện rộng, từ nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa, nới lỏng thị trường bất động sản và rất quan trọng là việc bãi bỏ các quy định thắt chặt kiểm soát đối với một số ngành công nghiệp đã áp dụng trong vài năm qua”.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư được khuyến cáo nên hạn chế đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tiêu dùng. Sự thận trọng này phản ánh những rủi ro trong thị trường bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là khi các ngân hàng tiếp tục vật lộn với áp lực biên lãi ròng và các khoản nợ xấu.

Trước đó, Morgan Stanley cũng dự báo chứng khoán Trung Quốc có thể tăng từ 6-8% vào cuối năm 2024, sau khi giới chức Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và vực dậy thị trường cổ phiếu đã suy yếu đáng kể trong năm nay.

Tuy nhiên, Morgan Stanley cũng cho biết, những rào cản kìm hãm thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại, và chính phủ Trung Quốc sẽ cần làm nhiều hơn nữa về mặt chính sách để củng cố niềm tin của giới đầu tư.

Các thị trường chứng khoán khác

Thị trường chứng khoán châu Âu được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng khiêm tốn vào năm 2024 khi sự lạc quan về việc lãi suất toàn cầu đã đạt đỉnh bị hạn chế bởi những lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu vào cuối năm 2024 được dự báo sẽ tăng 4,1% từ mức hiện tại, trong khi chỉ số STOXX 500 của 50 cổ phiếu lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất tại khu vực, được dự báo chỉ tăng chưa đến 2,5%. Chỉ số DAX của Đức vào cuối năm tới được dự báo ghi nhận mức tăng 5% so với mức hiện tại.

Chris Beauchamp, chiến lược gia trưởng thị trường tại IG, cho biết: “Tăng trưởng chậm lại vẫn là kịch bản dễ xảy ra nhất trong năm 2024 của kinh tế châu Âu, mặc dù vẫn có thể tránh được suy thoái nếu giá năng lượng giảm và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện một số biện pháp cắt giảm lãi suất một cách thận trọng”.

Cuộc khảo sát của Reuters cũng cho thấy kịch bản tương tự đối với FTSE 100 của Anh. Chỉ số được dự báo sẽ tăng 6,7% vào cuối năm 2024, sau khi không có nhiều sự thay đổi trong năm 2023.

Fiona Cincotta, chuyên gia thị trường cấp cao tại City Index, cho biết: “Trong khi lạm phát đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong hai năm và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dường như đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể sẽ đóng vai trò là lực cản đối với thị trường trong những tháng tới”.

Bà Cincotta cũng nói thêm: “Với viễn cảnh suy thoái kinh tế trong những quí tới, tâm lý đối với chứng khoán Anh có thể yếu đi, đặc biệt nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt hơn”.

Trong số các chỉ số chứng khoán lớn khác cũng được khảo sát, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số BSE của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong năm tới.

Chỉ số Nikkei dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ là 35.000 điểm vào cuối tháng 6-2024, khi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tích cực. Tuy nhiên, cơn gió thuận từ đồng yen yếu hơn sẽ dần tan biến, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sắp kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Điều này sẽ khiến giá cổ phiếu bị trì trệ trong nửa cuối năm tới, và kẹt ở quanh mức 35.000 vào cuối năm, hay thậm chí rơi xuống mức 33.000.

Còn tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ đạt mức cao mới trong sáu tháng tới và tăng hơn 10% trong giai đoạn kể từ nay đến cuối năm 2024, nhờ sự mở rộng bền vững ở nền kinh tế lớn đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Gần 90% số nhà phân tích được Reuters khảo sát dự báo, chỉ số BSE của nước này sẽ đạt mức kỷ lục 70.000 vào giữa năm 2024, và tiếp tục tăng lên mức đỉnh mới 72.500 vào cuối năm.

Nguồn: Reuters, CNBC, Goldman Sachs, SCMP

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-nam-2024/