Thị trường bất động sản khởi sắc nhưng chưa đủ để lạc quan

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội bất động sản Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ V (2022 - 2027) diễn ra cuối tuần qua, đa số các đại biểu đều có chung nhận định rằng thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực và đã có dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng chưa đủ để lạc quan, bởi hàng loạt khó khăn vẫn còn hiện hữu.hơn..

Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực bất động sản. Các dự án bất động sản dở dang cũng đã được các Bộ, ngành và địa phương phân theo nhóm khó khăn để đưa ra cách giải quyết, hàng trăm dự án đã được tháo gỡ…

DOANH NGHIỆP VẪN PHẢI CHỊU NHIỀU ÁP LỰC

Trên tinh thần đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tập trung đề xuất những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp; Kiến nghị các cấp thẩm quyền các vấn đề về sửa đổi luật, về cơ chế, chính sách, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quy trình, trình tự, thủ tục triển khai đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị…

Thông qua đó, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thể hiện ở: lượng cung – cầu tăng theo quý; nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án đã tái khởi động; tình hình giao dịch sôi động hơn trước...

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA, chịu tác động chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn trầm lắng, còn nhiều khó khăn trong đầu tư, giao dịch do chưa lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng, mất cân đối giữa các phân khúc… Dòng tiền luân chuyển bị hạn chế do không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc như trái phiếu, tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản còn phải chịu áp lực từ nhiều vấn đề thể chế, nguồn vốn, thủ tục hành chính…

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho biết: nói một cách khách quan, dù thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực, bền vững hơn nhưng thực chất vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi nền kinh tế của ta vẫn còn nhiều bất ổn và không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì cấu trúc nền kinh tế việt Nam còn nhiều vấn đề. Gần đây nhất, các vướng mắc chính sách, những vụ án gây thất thoát hàng triệu tỷ đồng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường, gây dư chấn lên bộ máy, hệ thống kinh tế thị trường.

Mặc dù vẫn có những điểm sáng (như bất động sản công nghiệp) nhưng chưa thể mang lại sự lạc quan cho toàn thị trường.

“Tuy không bi quan, nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề, nhận diện rõ ràng các vấn đề, để từ đó bình tĩnh, đưa ra hướng xử lý đúng và sớm nhất, vì nếu không đề phòng thì tôi e rằng, hậu quả còn lớn hơn”, ông Thiên bày tỏ.

3 NHÓM KHÓ KHĂN CHÍNH ĐANG TỒN TẠI

Phân tích cụ thể hơn những khó khăn trên thị trường, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA nhận định đang tồn tại 3 nhóm khó khăn chính.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Đầu tiên, về chương trình phát triển nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ, theo các quy định hiện hành thì rất khó thực hiện. Tại dự thảo Luật mới nhất có quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội theo thẩm quyền, phù hợp với thực tế địa phương. Đây sẽ là vấn đề khó đối với địa phương nhưng cũng sẽ là cơ hội, là một điểm quan trọng về mặt pháp lý cần lưu ý, làm rõ.

Vấn đề thứ hai là pháp lý. Việc này cần Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Xây dựng giải quyết, trong đó trách nhiệm của địa phương rất quan trọng. Các tỉnh thành cũng đã phân loại các nhóm khó khăn của các dự án dở dang để từ đó cùng doanh nghiệp đề xuất giải pháp. Nhưng thực tế, có những sai phạm về pháp lý (chưa có quy định cụ thể) chưa ai dám đề xuất giải quyết.

Vấn đề thứ ba là quy trình thủ tục hành chính, quy trình đầu tư nhà ở thương mại còn kéo dài và phức tạp.

Ngoài ra, về tín dụng, mặc dù có Thông tư 06 và một số thông tư khác, cùng với đó là gói tín 120.000 tỷ đồng nhưng nguồn vốn cho bất động sản vẫn rất khó khăn. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi đã kiến nghị là giảm lãi suất xuống còn 6% cho nhà đầu tư và khoảng 4,8% cho khách hàng, tuy nhiên vẫn chưa được ghi nhận…

Bàn về giải pháp khắc phục thực trạng trên, lãnh đạo VNREA cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội bất động sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực hoạt động của thị trường bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tạo rào cản, làm trì trệ hoạt động kinh tế xã hội; Tập trung vào góp ý Dự thảo các Luật liên quan đến thị trường bất động sản, Nghị định thuộc lĩnh vực Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT quản lý đang triển khai.

Đồng thời, tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt thực tế khó khăn, vướng mắc của đơn vị, từ đó xác định những chương trình hỗ trợ và kiến nghị các cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản, hội viên khi phát sinh.

Bên cạnh đó, VNREA cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức các chương trình kết nối hội viên, doanh nghiệp với thị trường đầu tư, thị trường vốn, các quỹ đầu tư và hợp tác quốc tế…

Qua đó, không chỉ nhằm góp phần tạo môi trường hoạt động thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững.

Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ IV, nhiệm kỳ V của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhằm tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động năm 2024.

Theo đó, về công tác kiện toàn tổ chức, trong năm tới, song song với việc phát triển hội viên, tăng cường tính thống nhất, nâng cao chất lượng hội viên và hiệu quả hoạt động, Hiệp hội bất động sản sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 1- 2 Hiệp hội bất động sản tại địa phương; Tổ chức Đại hội Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam và đi vào hoạt động ổn định...

Phan Nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-bat-dong-san-khoi-sac-nhung-chua-du-de-lai-quan.htm