Thi THPT Quốc gia: Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao vào cuộc

Trước những lo ngại về tình hình gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GDĐT cho biết, năm nay, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát sẽ tham gia bảo đảm an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GDĐT. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GDĐT - đã có cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, công tác thanh tra được Bộ GDĐT triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thanh tra thi là một khâu rất quan trọng của Kỳ thi THPT Quốc gia. Vì vậy, Bộ sẽ chú trọng công tác này từ trước, trong và sau kỳ thi.

Cũng như mọi năm, chúng tôi đã chủ động vào cuộc, tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các sở GDĐT triển khai công tác thanh tra. Bộ cũng tổ chức tập huấn cho thanh tra 63 sở GDĐT để thống nhất cách làm việc.

Bộ chủ trương chuyển nội dung thanh tra tập trung vào công tác quản lý, không đi sâu vào thanh tra chuyên môn; hướng tới giúp các hội đồng thi làm đúng trách nhiệm của mình theo quy chế. Cả thí sinh, giám thị và các lực lượng làm thi phải thực hiện đúng bổn phận của mình và đúng với quy chế để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.

Theo quy chế của Bộ GDĐT, thí sinh có thể mang thiết bị thu hình, thu âm nhưng không có chức năng phát để có thể “giám sát” chính giám thị. Theo ông, điều tưởng chừng như vô hại này liệu có là cái cớ để thí sinh gian lận không?

- Quy chế này của Bộ GDĐT đã có cách đây hai năm và kỳ thi THPT quốc gia 2017 là năm thứ ba. Năm nay, mỗi phòng thi có 24 thí sinh, hai giám thị sẽ quan sát từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, cộng thêm vòng giám sát bên ngoài chặt chẽ khi kiểm tra các vật dụng mang vào phòng thi sẽ giảm thiểu những vi phạm. Nếu giám thị thực hiện tốt công việc của mình thì có bị thí sinh ghi hình lại cũng không có gì đáng lo ngại.

Cơ chế hoạt động của bộ phận thanh tra của Bộ GDĐT?

- Nhằm đảm bảo công bằng và nghiêm túc cho tất cả các thí sinh diễn ra trong các điểm thi, theo quy chế và chỉ đạo của Bộ GDĐT sẽ có nhiều lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp.

Đầu tiên là cán bộ giám sát từ phòng thi được quy định là tối đa 7 phòng thi có một giám sát. Họ có quyền giám sát việc làm của giám thị và các lực lượng khác, có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu không thực hiện đúng quy định.

Thanh tra Sở GDĐT sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, từ điểm trưởng, giám thị đến giám sát.Thanh tra Bộ GDĐT sẽ thanh tra cấp Sở, hội đồng thi, điểm trưởng, giám thị, giám sát. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ GDĐT quyết định thành lập 10 đoàn thanh tra, chia theo các khu vực.

Việc thanh tra cũng được thực hiện đột xuất, không báo trước, không nhiều người biết, không “đánh úp” mà là làm việc khách quan, đúng người, đúng việc.

Việc kỳ thi trước có một thí sinh có điểm 10 Toán học ở Nghệ An, điểm 8 môn Hóa học nhưng lại điểm 0 môn Vật lý khiến dư luận lo ngại về sự công bằng?

- Sự việc nêu trên đã có kết quả từ phía công an là không có tiêu cực trong tình huống này. Việc điều tra được thực hiện theo đúng pháp luật và không hề suy diễn.

Những trường hợp nêu trên không chỉ dư luận mà những bộ phận khác như làm đề thi, tổ chức thi năm nay đều làm việc để loại đi sự thiếu khách quan và thiếu công bằng đó đi.

Ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc thanh tra có gì mới, thưa ông?

- Năm nay có sự tham gia của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (C50). Khi nào có tình huống bất thường và sau mỗi buổi thi, Chánh thanh tra các sở báo cáo nhanh tình hình liên quan đến việc phản ánh, xử lý sai phạm, tiêu cực tại các điểm thi, báo cáo nhanh qua đường dây nóng của Thanh tra Bộ: 0436231285, 0923006757

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-canh-sat-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-vao-cuoc-675313.bld