Thi THPT quốc gia 2016: Những dạng bài thường gặp đối với môn Địa lý

PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Trần Thị Thu Hà – Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Nguyễn Huệ về một số trọng tâm kiến thức cũng như dạng bài thí sinh có thể gặp trong môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Thưa cô, kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang đến gần. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho các thí sinh, mong cô có thể chia sẻ một số kiến thức trọng tâm mà thí sinh có thể gặp trong kỳ thi sắp tới?

Với kì thi THPT quốc gia, một số kỹ năng và kiến thức mà thí sinh cần phải chú ý như:

Về kỹ năng: Các em cần nắm được cách vẽ biểu đồ, cách đọc át lát địa lý Việt Nam, kỹ năng nhận xét biểu đồ và vận dụng kiến thức lý thuyết để giải thích biểu đồ. Đây là những kỹ năng cơ bản lại dễ “kiếm điểm” mà thí sinh có thể phải dùng đến trong kỳ thi THPT quốc gia đối với môn Địa lý.

Về lý thuyết: Với phần địa lý tự nhiên thí sinh cần đặc biệt quan tâm đến đặc điểm các thành phần tự nhiên, các miền tự nhiên, sự phân hóa thiên nhiên...

Với phần địa lý xã hội các em cần chú ý tới các vấn đề như: Dân cư, lao động và đô thị hóa. Ngoài ra, các em cũng nên xem kỹ phần địa lý ngành kinh tế và địa lý vùng kinh tế. Đó là những kiến thức cơ bản, “sát sườn” các em có thể bắt gặp trong bài thi.

Khi làm bài thi thí sinh phải nắm những nguyên tắc nào để đạt điểm cao trong bài thi môn Địa lý, thưa cô?

Đối với câu hỏi lý thuyết: Thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản của các phần nêu trên (cái gì, ở đâu, như thế nào, tại sao?). Ngoài ra, các em phải đọc kĩ câu hỏi và xác định phạm vi kiến thức cần vận dụng vào câu hỏi. Hơn thế, khi đọc đề bài, thí sinh cần phân tích được dạng câu hỏi và cách trình bày bài theo từng dạng.

Đối với câu hỏi kĩ năng: Các câu hỏi liên quan đến phần đọc át lát các em phải đọc kỹ yêu cầu, xác định trang át lát cần dùng, xác định các kí hiệu trên át lát cần tìm, các yêu cầu cần xác định....

Câu hỏi biểu đồ: Các em cần lưu ý các yêu cầu đối với dạng biểu đồ cụ thể mà đề bài yêu cầu vẽ (cần xử lí số liệu hay không, tính toán theo công thức nào, khi vẽ cần chú ý gì để biểu đồ chính xác và đảm bảo thẩm mỹ...). Với câu hỏi biểu đồ thí sinh phải xác định được đúng loại biểu đồ mà đề bài yêu cầu. Nếu xác định và vẽ sai biểu đồ coi như câu hỏi về biểu đồ sẽ không được tính điểm.

Thí sinh cần phân bổ thời gian thế nào cho phù hợp thưa cô?

Các em nên chia thời gian theo lượng điểm của mỗi câu hỏi và theo dạng câu hỏi là kĩ năng hay câu hỏi lý thuyết (câu hỏi kĩ năng đọc át lát và nhận xét biểu đồ muốn đảm bảo tiến độ về thời gian cần được rèn luyện nhuần nhuyễn khi ôn tập. Câu hỏi lý thuyết ngoài sự nhuần nhuyễn khi ôn tập còn cần kĩ năng viết và tư duy liên hệ lô gic thật tốt).

Cô có thể chia sẻ các dạng câu hỏi thường gặp trong bài, thưa cô?

Với câu hỏi kĩ năng đọc át lát: Thí sinh cần xác định chính xác trang át lát, các kí hiệu cần tìm, các yêu cầu đối với các đối tường cần đọc.

Câu hỏi kĩ năng vẽ biểu đồ cần tuân thủ đúng các yêu cầu với loại biểu đồ cần vẽ trong bài (xử lí số liệu, xác định tỉ lệ trên biểu đồ, cách vẽ sao cho nhanh và đẹp, các chi tiết cần hoàn thiện để tránh mất điểm lẻ tẻ...)

Câu hỏi lý thuyết như: Trình bày... hay nêu... thí sinh cần nêu đầy đủ và chính xác các kiến thức theo yêu cầu.

Câu hỏi: Chứng minh....hay : Phân tích.... thì ngoài sự chính xác về mặt kiến thức còn phải biết vận dụng kiến thức để chứng minh hay phân tích vấn đề một cách hợp lí và có logic chặt chẽ theo đặc trưng bộ môn Địa lý, theo yêu cầu của câu hỏi, theo nội dung cụ thể trong chương
trình mà các em đã được học.

Ví dụ với câu hỏi chứng minh cần phải đưa ra các bằng chứng thật nổi bật để chứng minh một vấn đề Địa lý nào đó theo yêu cầu câu hỏi, tránh đưa ra các ví dụ không phù hợp, các ví dụ có mối liên hệ không chặt chẽ với vấn đề đang cần chứng minh... Tránh viết chung chung không có bằng chứng xác thực.

Xu hướng ra đề hiện nay với rất nhiều môn thường hỏi một số vấn đề thời sự, xin cô cho biết những vấn đề thời sự nào thí sinh có thể gặp trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 sắp tới?

Đây là xu hướng ra đề mở đang được đánh giá cao và tạo hứng thú cho nhiều thí sinh. Các em nên chú ý tới một số vấn đề như: Tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề chủ quyền biển đảo, vấn đề môi trường và thiên tai, vấn đề đô thị hóa, dân số lao động và việc làm... Đó đều là những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.

Ngoài những vấn đề trên, cô còn điều gì muốn chia sẻ cùng các thí sinh không thưa cô?

Các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia cần hiểu rõ mục tiêu của mình và hãy nỗ lực hết mình vì mục tiêu ấy, cho dù chỉ còn một quĩ thời gian rất hạn chế nhưng các con hãy thật bình tĩnh và tự tin. Chiến thắng nhất định sẽ mỉm cười với các con. Ngoài ra, các con hãy luôn nhớ: Cuộc sống tuy có nhiều thử thách nhưng cũng rất nhiều cơ hội để mình nắm bắt. Chỉ cần bản thân mình luôn có ước mơ.

Xin cảm ơn sự chia sẻ từ cô!

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thi-thpt-quoc-gia-2016-nhung-dang-bai-thuong-gap-doi-voi-mon-dia-ly-post202292.info