Thí sinh cân nhắc chọn ngành, chọn trường

GD&TĐ - Nhận định về ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển được các trường ĐH công bố, cao thấp khác nhau, có trường nhận từ ngưỡng điểm sàn 15,5 nhưng cũng nhiều trường đưa ra mức điểm cao, các chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên với thí sinh: Nếu kết quả thi của thí sinh không chênh lệch so với năng lực học tập của mình thì thí sinh cũng không phải lo lắng.

Vì thực tế, đề thi năm nay được đánh giá là dễ hơn, có nhiều điểm cao hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh cũng có kết quả làm bài tốt hơn.

Những ngành “hot” chắc chắn tăng điểm

Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, khi nhìn vào phổ điểm thi của thí sinh tại Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – cho rằng, với thí sinh xét tuyển theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) thì điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ cao hơn các năm trước. Được biết, năm 2016 điểm chuẩn ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội là 27 điểm.

Trước đó, có năm Y đa khoa cũng lấy điểm trúng tuyển ở mức 27,5 điểm. Dự đoán mức điểm chuẩn ngành Y đa khoa năm 2017 này sẽ cao hơn so với các năm trước là hoàn toàn có thể xảy đến, chính vì thế thí sinh cần chuẩn bị tâm lý, thực tế điểm chuẩn trúng tuyển cao cũng vì điểm thi năm nay cao hơn các năm trước nên đây cũng là điều bình thường vì dù phổ điểm ở mức nào thì cũng chỉ một số ít thí sinh khối B00 có điểm cao nhất trúng tuyển vào trường này.

Cũng dự báo điểm chuẩn tăng hơn với năm 2016, Trường ĐH Y Hải Phòng đã đưa ra mức điểm nhận hồ sơ, và công bố cho thí sinh từ trước khi thí sinh đăng ký dự thi là từ 18 - 22,5 điểm, tùy từng ngành đào tạo. Với điểm thi trung bình của tổ hợp B00 là 17,72 thì điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp này chắc chắn sẽ tăng hơn so với năm ngoái.

Theo phân tích của các chuyên gia tuyển sinh, thông thường điểm trúng tuyển của các trường khối Y – Dược luôn cao hơn mặt bằng chung của điểm trúng tuyển các ngành nghề khác, thế nên, dựa vào phổ điểm năm nay cũng cao hơn các năm trước thì điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao hơn là điều bình thường.

Rất có thể các trường sẽ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ ngang với mức sàn hoặc cao hơn sàn 1 – 2 điểm. Tuy nhiên, thí sinh phải tính toán thật kỹ, so sánh điểm thi của mình với điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước và phổ điểm chung năm nay để đưa ra quyết định chính xác cho mình.

Với khối Kinh tế, không khó để có thể đưa ra tiên đoán là điểm chuẩn trúng tuyển sẽ tăng đầu tiên ở những trường ĐH kinh tế tốp đầu như Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân… PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết: Nếu như năm trước điểm sàn xét tuyển của trường này thường cao hơn 2 điểm so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT thì năm nay, do điểm thi THPT quốc gia cao nên trường không giữ nguyên tắc trên nữa.

PGS.TS Bùi Đức Triệu đưa ra dự đoán điểm chuẩn các ngành năm nay ở trường này sẽ có xu hướng tăng, nhưng biên độ tăng mạnh sẽ nằm ở nhóm ngành tốp dưới, còn các ngành đã có mức điểm chuẩn cao sẽ có mức tăng nhẹ nhàng hơn.

Cơ hội ở mức điểm tuyển sinh ngang “sàn”

Mùa tuyển sinh năm 2016 đã ghi nhận sự dịch chuyển nguyện vọng của thí sinh từ các đô thị lớn về các ĐH địa phương, cùng với đó là nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng đang dần tạo dựng được uy tín với người học và xã hội, thu hút đáng kể lượng thí sinh.

Dự báo xu hướng tương tự sẽ tái diễn ở mùa tuyển sinh năm 2017 này. Đón trước việc đó, nhiều trường ĐH địa phương và các trường ngoài công lập cũng đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của hầu hết các ngành bằng điểm sàn là 15,5 điểm như ngưỡng đảm bảo chất lượng đặt ra.

Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải là một trong những trường ĐH công lập có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm 2017 không cao hơn điểm sàn là bao. Cụ thể điểm nhận hồ sơ ở cơ sở của trường này tại Hà Nội có mức điểm dao động từ 16 - 18 điểm. Trường ĐH Thủy lợi cũng công bố mức tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh bằng điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng mà Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT vừa công bố tức là mức 15,5 điểm.

Đại diện trường này cho biết, việc điểm sàn tăng 0,5 điểm so với năm ngoái không ảnh hưởng gì đến việc xét tuyển của trường, nhưng dự kiến điểm chuẩn của trường có thể tăng từ 0,5 - 1 điểm so với năm 2016. Cũng như vậy, Trường ĐH Công đoàn cũng đưa ra điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ngang với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT và không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

Nhìn vào ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển được các trường đưa ra từ tốp đầu cho đến tốp dưới và các trường ngoài công lập. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, điểm chuẩn năm nay cũng sẽ không có biến động nhiều, phổ điểm có tăng chút nhưng không đáng kể, các trường sẽ thuận lợi trong xét tuyển, tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào uy tín của từng trường cũng như ngành nghề đào tạo có thu hút thí sinh hay không.

Trả lời câu hỏi điểm chuẩn có tăng cao so với năm 2016 không, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - nhận định: Với phổ điểm cao như năm nay, ở một số ngành điểm chuẩn có thể nhích lên 0,5 điểm so với năm ngoái. Tuy nhiên, sẽ không có quá nhiều thí sinh đạt mức điểm cao này cùng nguyện vọng vào trường nên thí sinh đạt mức điểm chuẩn tương đương của năm 2016 có thể mạnh dạn đăng ký xét tuyển vào ĐH Ngoại thương.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thi-sinh-can-nhac-chon-nganh-chon-truong-3535874-b.html