Thị phi bủa vây hoa hậu Việt

Sự xuất hiện ngày càng nhiều cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ trên toàn quốc cũng đồng nghĩa với việc số người đẹp đạt danh hiệu bước ra từ đó càng nhiều. Nếu trước kia, ngôi vị hoa hậu thể hiện sự cao sang, tôn vinh vẻ đẹp học thức, nhân cách, thì vài năm trở lại đây, hoa hậu Việt lại luẩn quẩn trong vòng vây của những thị phi.

Hoa hậu Diễm Hương từng dính nhiều scandal trong quá khứ.

Từ hoa hậu nói dối đến người đẹp bán dâm

“Hồng nhan đa truân” để chỉ các cô gái đẹp có cuộc sống trắc trở, chịu những bất hạnh. Từ rất lâu đã xuất hiện định kiến: Đàn bà đẹp là mầm mống của thị phi, có thể một phần do sự ganh ghét của người đời. Ngày nay, thị phi vẫn vây quanh các người đẹp, nhưng không thể đổ lỗi cho “hồng nhan” và “bạc mệnh”, vì trong nhiều trường hợp, người đẹp tự tìm đến nó. Công chúng lắc đầu, vì quanh các cô gái đẹp giờ đây chỉ thấy gắn với những bê bối, tai tiếng, từ bán dâm, lừa đảo đến ảnh nóng..., thay vì những hành động tốt đẹp, cống hiến cho cộng đồng.

Ồn ào nhất mạng xã hội lúc này có lẽ là scandal của hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Một clip ngắn, một điếu thuốc lá cháy dở đang có nguy cơ “đốt cháy” vương miện của người đẹp.

Không như scandal đến muộn giờ, dáng ngủ trên máy bay, lần này Kỳ Duyên nhận được rất ít sự ủng hộ. Cũng phải, lâu nay hình ảnh phụ nữ cầm điếu thuốc, hít rồi nhả khói vốn không quen mắt với rất nhiều người Việt. Một người phụ nữ bình thường làm vậy giữa chốn đông người còn gây khó chịu, huống chi một đương kim hoa hậu.

Khi dư luận đang “nổi sóng”, các nhà đạo đức đang ra sức phán xét, thì Kỳ Duyên lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng lời xin lỗi chưa thật chân thành. Mà kể cả những lần trước, khi mắc sai lầm, cô cũng lên tiếng xin lỗi nhưng chưa lần nào thấy thật sự nhận lỗi về phía mình, mà luôn có thêm một vế là “đổ cho hoàn cảnh”. Dáng ngủ hớ hênh vì còn bé, mới 18 tuổi thôi. Đến muộn vì mưa hay tắc đường. Và lần này, hút thuốc lá là vì “thể hiện cá tính”, vì “chiều chuộng cái tôi bằng những hành động dễ gây tranh cãi”.

Công chúng có thể bỏ qua tư thế ngủ hớ hênh, chấp nhận những bộ trang phục “khó hiểu” và tha thứ cho cả thói quen đến muộn tại các sự kiện của cô, nhưng rất ít người chấp nhận một hoa - hậu - hút - thuốc - nơi - công - cộng. Cũng có sự nuối tiếc, bởi vì miệng lưỡi dư luận, rất có thể điếu thuốc sẽ đốt sạch những nỗ lực thời gian qua của hoa hậu Kỳ Duyên, nhưng lỗi nhiều nhất vẫn ở Kỳ Duyên, khi trải qua bao nhiều thị phi mà vẫn “chưa chịu lớn”.

Kỳ Duyên là hoa hậu dính nhiêu thị phi nhất từ trước đến nay, nhưng cũng rất khó tìm trong quá khứ có người đẹp nào sau khi đăng quang mà không dính lùm xùm. Nhẹ nhất là Đặng Thu Thảo bị đồn đoán về chuyện học vấn, rồi Ngọc Hân bị chê về nhan sắc.

Hoa hậu Thùy Dung bị dư luận lên án rất nhiều với chuyện tấm bằng tốt nghiệp THPT của cô là thật hay giả. Ngày đó, cứ ngỡ Thùy Dung sẽ bị thanh tra và tước vương miện hoa hậu nhưng cuối cùng điều đó đã không xảy ra. Cô quay trở lại trường để hoàn thành nốt việc học rồi nhận bằng tốt nghiệp cấp 3. Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương từng “lao đao” vì scandal nói dối chuyện đã kết hôn để đại diện nhan sắc Việt tham gia một cuộc thi quốc tế. Dù sau này có tích cực lấy lại hình ảnh, nhưng niềm tin của công chúng ở cô ít nhiều bị lung lay.

Những năm gần đây, các hoa hậu còn chịu thêm tai tiếng, khi không ít cô bị bắt vì bán dâm, môi giới mại dâm đến việc lừa đảo. Rồi những việc lùm xùm quanh chuyện chân dài - đại gia đã nối dài thêm những thị phi của các hoa hậu Việt.

Người mẫu Phạm Huỳnh Thủy Tiên bất chấp án phạt để đi thi hoa hậu "chui".

Bất chấp “săn” danh hiệu

Biết chắc khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp, nếu có cơ hội đăng quang cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải đối mặt với ồn ào, với thị phi, mất cái gọi là “quyền riêng tư”, nhưng các cô gái đẹp vẫn bất chấp, ngày đêm đi “săn” danh hiệu. Đơn giản, ở Việt Nam, hoa hậu cũng là một nghề. Người được nó sẽ có cơ hội đổi đời, sống bằng việc đi sự kiện, đóng quảng cáo và rất dễ có cơ hội yêu đại gia.

Ngay cả Kỳ Duyên, sau khi đăng quang năm 2014, cũng đã có những cuộc “lột xác” ngoạn mục, mua được nhà, tậu xe và sử dụng hàng hiệu. Những người đẹp khác cũng vậy, khi có được danh hiệu thì đồng nghĩa với việc có những cơ hội để đổi đời. Vì thế bảo sao trong năm 2016 có 3 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được tổ chức, mà cuộc thi nào cũng có hàng trăm, hàng nghìn thí sinh tham gia, đều tích cực tập luyện và khát khao chiến thắng. Thậm chí, không ít phụ huynh còn có tâm lý đẻ được con gái đẹp thì phải cho đi thi hoa hậu.

Sau 2 năm đăng quang, tên tuổi của hoa hậu Kỳ Duyên gắn với rất nhiều scandal lớn nhỏ.

Việc “săn danh hiệu” trong nước chưa đủ, gần đây nhiều người có nhan sắc một chút còn đổ xô tham dự các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài, dù thừa biết là đi “chui”, cuộc thi chỉ ở mức “ao làng”. Nhưng cái họ cần chỉ là một danh hiệu, để làm bàn đạp tấn công showbiz. Dù biết sẽ bị phạt, nhưng vẫn đi thi. Những cái tên như Quế Vân, Phan Hoàng Thu, Lâm Thùy Anh, Kim Duyên, Diệu Linh, Oanh Yến..., gần đây nhất là Thái Nhã Vân và Phạm Huỳnh Thủy Tiên, đã chấp nhận nộp phạt để đi “săn” danh hiệu kiểu đó.

Cũng vì hào quang vương miện lấp lánh, mới có “chuyện thật như đùa” trong một cuộc thi sắc đẹp mới đây ở TP.HCM. Đó là, trong đêm chung kết “Duyên dáng doanh nhân Việt 2016” có 50 thí sinh tham gia thì có đến 33 danh hiệu được trao, với những cái tên như hoa khôi, á khôi 1, á khôi 2 (2 giải), á khôi 3 (10 giải) và 26 giải phụ: Hoa khôi có mái tóc đẹp, hoa khôi có làn da đẹp, hoa khôi vì cộng đồng…

Vì có quá nhiều người khát khao danh hiệu, có cầu ắt có cung, nên hàng loạt cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ được tổ chức. Đôi khi, vì lợi nhuận, nhà tổ chức cũng không quan tâm đến chất lượng thí sinh, mà cốt chỉ tìm cho đủ người để vào đêm chung kết, rồi “vét sắc đẹp” cho lên ngôi hoa hậu. Thế mới có chuyện, vừa đăng quang Hoa hậu Biển Việt Nam 2016, Phạm Thùy Trang đã bị dân mạng ném đá vì nhan sắc, cuộc thi cũng dính không ít lùm xùm, từ chuyện tổ chức chưa chuyên nghiệp đến lời đồn mua giải. Rồi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 còn cho cả thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ được tham gia, đến khi dư luận “dậy sóng” mới vội vàng rút quy định.

Các cuộc thi hoa hậu luôn có tiêu chí người đẹp đăng quang sẽ là đại diện sắc đẹp cho quốc gia, quảng bá vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, con người, văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Nhưng đến nay, rất ít người đẹp sau đăng quang làm được điều đó, hoặc có túc tắc làm nhưng không đủ sức “chói sáng”, không đủ sức lan tỏa để át đi những scandal, thị phi vây quanh họ mỗi ngày.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/thi-phi-bua-vay-hoa-hau-viet-574831.bld